Van tim… hư hỏng!

 23:18 | Thứ năm, 13/11/2014  0

Bệnh van tim diễn tiến sẽ khiến cho người bệnh bị suy tim, sức khoẻ giảm thấy rõ. Ngoài suy tim, bệnh van tim còn có thể đưa đến các biến chứng như rối loạn nhịp tim, viêm phổi, phù phổi, nhồi máu phổi, tắc mạch (não, chi, thận, mạc treo…), viêm nội tâm mạc nhiễm trùng…

Thủ phạm gây bệnh van tim

Thấp tim là nguyên nhân phổ biến gây bệnh van tim, liên quan đến nhiễm một loại vi khuẩn có tên là liên cầu khuẩn bê-ta tan huyết nhóm A. Thông thường, liên cầu khuẩn nhiễm ở họng, gây viêm họng, sau đó tiện đường ghé qua tim, nhè van hai lá và van động mạch chủ mà “đớp”. Vấn đề nguy hiểm nhất của thấp tim là các biến chứng cấp và đặc biệt là hậu quả mạn tính. Kết quả nhãn tiền, trong giai đoạn cấp, thấp tim có thể gây viêm cơ tim cấp, rối loạn nhịp..., nặng hơn là doạ lấy tính mạng bệnh nhân. Về lâu dài sẽ gây tổn thương van tim, đưa đến bệnh van tim do thấp, thường là hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ…

Loại liên cầu khuẩn bê-ta tan huyết nhóm A gây thấp tim cho mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là từ năm - 15 tuổi. Tuy nhiên, không phải mọi bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn đều dẫn tới thấp tim mà chỉ có một số nhỏ. Những yếu tố thuận lợi dẫn tới thấp tim là cơ địa người bệnh, vệ sinh không tốt, điều trị không đầy đủ. Hiện nay, thấp tim và bệnh van tim do thấp ít gặp ở các nước phát triển, nhưng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vẫn là một vấn đề đáng quan tâm. Một nguyên nhân khác là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp hay bán cấp có thể làm rách lá van, tróc chỗ gắn của van, tạo mảnh sùi lớn ở mép van… làm các lá van đóng không sát, làm co rút các lá van… gây tình trạng hở van.

Khi nào phải điều trị phẫu thuật?

Để chẩn đoán và đánh giá tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, khám thực thể và cho làm những xét nghiệm cần thiết: X-quang ngực thẳng, điện tâm đồ, siêu âm tim, thông tim… Với bệnh van tim nhẹ, chưa gây triệu chứng gì, chỉ cần theo dõi. Bệnh nặng hơn hoặc đã gây triệu chứng suy tim có thể phải điều trị thuốc. Thuốc chỉ làm chậm diễn tiến của bệnh chứ không thể điều trị dứt điểm nhưng có thể giữ bệnh ổn định trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi thuốc không còn kiểm soát tốt, bệnh “thừa thắng xông lên” tiến đến mức độ nặng thì bệnh nhân cần được điều trị phẫu thuật. Dựa vào tuổi, bệnh sử, nguyên nhân của bệnh, lối sống, khả năng cơ thể dung nạp thuốc kháng đông… mà bác sĩ đề nghị phương pháp phẫu thuật tốt nhất.

Bệnh van tim được điều trị phẫu thuật theo ba cách: hẹp van được nong bằng bóng (thường được sử dụng để giảm bớt tình trạng hẹp van trong hẹp van hai lá. Cách này hiếm khi áp dụng cho hẹp van động mạch chủ vì ít hiệu quả và có nguy cơ đưa các mảng can-xi bám trên van vào dòng máu, nếu gây tắc mạch máu sẽ rất nguy hiểm); van tim tổn thương được phẫu thuật sửa chữa, vá víu lại (thường áp dụng cho van hai lá nhiều hơn là van động mạch chủ, đặc biệt là trong bệnh hở van hai lá. Ưu điểm của phương pháp sửa van là bệnh nhân không phải mang một van tim nhân tạo, không cần uống thuốc kháng đông lâu dài.

Với phụ nữ, việc không phải uống thuốc kháng đông giúp họ dễ dàng, an toàn hơn trong quá trình mang thai và sinh con); van tim “hư hỏng” được thay thế bằng van tim nhân tạo (áp dụng cho trường hợp tổn thương van quá nặng, không thể sửa van thật tốt. Có hai loại van tim nhân tạo là van cơ học và van sinh học. Van cơ học tạo từ carbon, kim loại và các chất liệu tổng hợp, đòi hỏi bệnh nhân mang van tim phải uống thuốc kháng đông suốt đời để làm “loãng” máu nhằm tránh kẹt van do cục máu đông. Van sinh học được xử lý từ van tim của heo, bò hoặc người hiến, không sử dụng được lâu dài như van cơ học, nhưng bệnh nhân không cần uống thuốc kháng đông).

Lối sống cho người bệnh van tim

Sinh hoạt điều độ, tránh hoạt động gắng sức. Kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có), vì huyết áp cao khiến tim gắng sức nhiều hơn. Cần ăn lạt, tránh thức ăn nhiều muối vì sẽ làm tăng giữ nước, tăng huyết áp và do vậy tăng thêm gánh nặng cho tim. Không uống rượu, cà phê vì làm nặng hơn tình trạng rối loạn nhịp tim có trên bệnh nhân van tim. Tránh để quá cân vì tình trạng quá cân là một gánh nặng cho tim khi co bóp. Tập thể dục đều đặn ở người suy tim giúp tăng cường các hoạt động sinh lý, tăng khả năng chịu đựng, làm tăng chất lượng cuộc sống. Tập bao lâu và cường độ thế nào tuỳ khả năng chịu đựng của bệnh nhân và cần tránh để tim rơi vào trạng thái gắng sức. Giữ vệ sinh răng miệng và khám răng thường xuyên để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Cần nhớ uống kháng sinh trước khi được làm thủ thuật hoặc điều trị răng. Tuân thủ chế độ điều trị nội khoa, tái khám đúng theo lịch hẹn và uống thuốc đúng theo toa của bác sĩ.

Với phụ nữ, mang thai là một gánh nặng cho tim nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn có thai. Nếu có thai, bác sĩ tim mạch, bác sĩ sản khoa sẽ phải theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân trong thai kỳ, khi sinh và sau khi sinh.

ThS. BS Ngô Bảo Khoa, điều trị - phẫu thuật khoa Phẫu thuật tim mạch (trung tâm Tim mạch bệnh viện đại học Y dược TP.HCM)

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.