Vì phim là đời

 08:16 | Thứ tư, 01/02/2017  0

Tôi không chắc điều đó, vì điện ảnh (cũng như văn chương) là những phiên bản của cuộc đời qua hai ngôn ngữ sống động nhất của nó: hình ảnh và ngôn ngữ. Nhưng tôi biết chắc một điều, một bộ phim dù nói về một số phận nghiệt ngã đến đâu, cũng kết thúc sau hai tiếng đồng hồ. Còn một cuộc đời, một kiếp sống, thì dài hơn rất nhiều, và ta phải đối mặt với nó từng giờ, từng phút. Phải chăng ý của bác Alfredo là thế? 

Tôi thích đọc những bình luận của các khán giả bình thường sau khi họ xem xong một bộ phim. Họ không phải là những nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp với những bình luận nặng về chuyên môn hay học thuật, họ chỉ thể hiện cảm xúc chân thành nhất của họ sau khi xem một bộ phim.

Sau khi xem bộ phim Human (Con người) của đạo diễn phim tài liệu Yann Arthus-Bertrand, một khán giả Brazil, Patrick Milani viết thế một đoạn bình luận đầy cảm xúc với nhan đề Cuộc đời của tôi trước và sau khi xem bộ phim này: “Sau khi xem phim, tôi hiểu rằng không đơn giản để hiểu một con người thực sự, hay tình yêu đích thực là gì. Những điều nằm rất sâu trong tôi được đánh thức, được thay đổi khi tôi xem bộ phim này. Và nhiều điều khác được mở ra, đặc biệt là góc nhìn về người khác, sự đánh giá về người khác khi ta chưa tiếp cận họ. Cám ơn đã cho tôi biết con người là gì”.

Con người là gì? Trong bộ phim Human, đạo diễn phim tài liệu người Pháp Yann Arthus-Bertrand, người đã thực hiện hai bộ phim tài liệu rất kỳ công trước đó về môi trường là HomeOcean, tiếp tục những chuyến đi vòng quanh thế giới để thực hiện hàng ngàn cuộc phỏng vấn với những cá nhân khác nhau để họ kể những câu chuyện của bản thân họ. Chính xác là Yann và ê kíp làm phim gồm 20 người đã mất hơn ba năm, phỏng vấn hơn 2.000 người ở 60 quốc gia. Nhóm phỏng vấn gồm năm nhà báo và một người quay phim, đặt góc máy cố định và đặt những câu hỏi chuẩn bị trước với những con người bình thường, những người mà phim ảnh ít khi chú ý đến.

Một trong những câu chuyện khiến tôi xúc động nhất, là câu chuyện của một tù nhân, một người đàn ông da màu nói về tình yêu. Nước mắt chảy dài và đọng lại trên làn da đen xỉn của anh khi kể câu chuyện về chính mình: “Cha dượng của tôi thường đánh tôi bằng dây diện, móc quần áo, thanh gỗ và bất cứ thứ gì ông tìm được. Sau khi đánh ông thường nói: Tao đau còn nhiều hơn mày. Tao làm vậy vì tao thương mày. Chuyện đó đã truyền đạt cho tôi một thông điệp sai lệch về tình yêu. Vì vậy trong nhiều năm, tôi nghĩ rằng tình yêu là phải đau đớn. Tôi đã làm tổn thương tất cả những người yêu thương tôi. Và tôi đo tình yêu bằng mức độ tổn thương mà một người phải chịu đựng từ tôi. Cho đến khi tôi vào tù, một môi trường hoàn toàn không có tình yêu, tôi mới bắt đầu có được một ít ý niệm về chuyện tình yêu thực sự là gì và không là gì. Tôi gặp một người, bà ấy là người đầu tiên giúp tôi hiểu được bản chất của tình yêu. Tôi đang ở tù chung thân cho tội giết người, không chỉ là giết người mà còn là một tội ác khốn nạn nhất mà một thằng đàn ông có thể thực hiện: giết một phụ nữ và một đứa bé. Và người phụ nữ lớn tuổi đó là Agnes, người mẹ và người bà của hai mẹ con bị tôi giết chết, người đã cho tôi bài học hay nhất về tình yêu. Bởi vì rõ ràng bà ấy nên hận tôi. Nhưng bà ấy lại không làm điều đó. Ngược lại, bà ấy dạy tôi tình yêu là gì”.

Tôi cũng như vị khán giả đến từ Brazil nói trên, và cũng như rất nhiều khán giả khác của điện ảnh, đều bước vào rạp chiếu phim để được nhìn thấy, được lắng nghe những câu chuyện giàu xúc cảm trên thế giới này. Những câu chuyện khiến bất cứ con người nào ở trên trái đất này, dù khác xa nhau về ngôn ngữ, văn hóa, khác xa nhau về điều kiện kinh tế, môi trường sống hay học vấn... đều có thể đồng cảm được. Đó chính là những câu chuyện về con người, về tình yêu, về nỗi đau hay sự thù hận, về những vết thương mà con người vẫn không ngừng gây ra, dày xéo lên nhau và rồi lại tìm cách hàn gắn. Tôi yêu những bộ phim mà sau khi ra khỏi rạp chiếu, dù khóe mắt còn cay, vẫn khiến tôi thấy yêu cuộc sống này hơn, và thấy yêu bộ môn điện ảnh này hơn. Bộ môn nghệ thuật mà cho dù đã xem hàng ngàn bộ phim khác nhau, nó vẫn khiến tôi háo hức, ngạc nhiên, lâng lâng, thậm chí là bàng hoàng khi thưởng thức một bộ phim hay. Trong điện ảnh, có một dòng phim mà người ta đặt cho nó cái danh từ ghép khá dài là “Feel-good movies”. Động từ “feel” (cảm nhận) kết hợp với tính từ “good” (hay) để trở thành một tính từ ghép “feel-good”. Như thế nào thì gọi là một “feel-good movie”? Đó nhất định phải là một bộ phim khiến ta thấy yêu cuộc sống này hơn, thấy như vừa được đốn ngộ, khai sáng về một điều gì đó bên trong ta, hoặc đó cũng có thể là một bộ phim khiến ta muốn nhảy chân sáo trên đường về nhà, mặc cho những cái nhìn của người đi đường.

Cảnh trong phim Cinema Paradiso

Tôi đã xem nhiều bộ phim về chủ đề nhập cư, một chủ đề chưa bao giờ hết thời sự và thường rất tăm tối. Nhưng có một phim khiến tôi xem xong không khỏi mỉm cười và thấy thư thái trong lòng, bởi vẫn còn đó những câu chuyện cổ tích đời thường về lòng tốt. Đó là Le Harve của đạo diễn Phần Lan - Aki Kaurismäki. Bộ phim kể câu chuyện của một ông già làm nghề đánh giày ở cảng Harve miền nam nước Pháp. Từng có một giấc mơ văn chương nhưng vỡ mộng, ông lão sống cuộc đời giản dị cùng một người vợ hết lòng thương yêu. Một ngày, trên bến cảng, lão nhìn thấy một thằng bé da đen châu Phi trốn khỏi một con tàu của dân nhập cư lậu và bị cảnh sát truy đuổi ráo riết. Lão mang đứa bé về nhà, che giấu nó và thậm chí đi vận động tiền từ hàng xóm, thậm chí cả anh bạn đánh giày người Việt Nam (do Nguyễn Quốc Dũng, diễn viên nghiệp dư gốc Việt đóng), người đang dành dụm số tiền để mua cho con gái một chiếc xe đạp – để đủ tiền gửi cậu bé da đen châu Phi lên một chuyến tàu sang Anh. Chuyện phim là một giấc mơ đẹp được kể bằng điện ảnh của đạo diễn tài hoa, khi mà hiện thực qua báo chí chỉ nhuốm một màu tăm tối.

Còn rất nhiều hiện thực đau lòng khác mà chúng ta nhìn thấy mỗi ngày trên báo chí và mạng xã hội, ở khắp nơi trên thế giới và ngay trên đất nước mình. Nhưng chúng ta có cách để chọn một hiện thực khác, một hiện thực tươi sáng hơn, gần gũi hơn và tác động tích cực đến cuộc sống của chúng ta. Chọn xem một “feel-good movie” chẳng hạn, một bộ phim khiến ta muốn thay đổi chẳng hạn, cho dù nó chỉ kéo dài hai tiếng đồng hồ, để rồi thấy, cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Bởi vì bộ phim dù ngắn so với cuộc đời chúng ta, nhưng nó là một phiên bản được thu ngắn của cuộc đời. Bởi vì phim là đời.

Lê Hồng Lâm

Tôi yêu những bộ phim mà sau khi ra khỏi rạp chiếu, dù khóe mắt còn cay, vẫn khiến tôi thấy yêu cuộc sống này hơn, và thấy yêu bộ môn điện ảnh này hơn

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.