Vẫn biết sức khỏe chị đã xấu đi nhiều và có vẻ chị khó lòng trở lại cùng công việc và bè bạn như bao lần trước, vậy mà, đọc tin chị trên Facebook rồi nhận tin nhắn từ Thế Thanh, nước mắt tôi cứ tràn ra không cầm nổi... Rất khuya, đúng ra là đã sang ngày mới, tôi ngồi trước màn hình, không gõ được, không đọc được gì, mắt ướt đẫm, tôi cứ nghĩ mãi về chị...
Nhà báo Nguyễn Minh Hiền. Ảnh: Quý Hòa |
Chị Minh Hiền ơi, vậy là chị không thể nán lại lâu hơn với cuộc sống này, cuộc sống đang cần biết bao những nhà báo thật sự muốn làm báo, dám làm báo, những nhà báo như chị. Chị đã chống lại căn bệnh nan y suốt mười bảy năm, từ 1999, nhưng giờ thì chị đã buông tay... Mỗi khi nhớ về chị, tôi sẽ phải nhớ rằng chị đã ở đâu đó rất xa không thể gặp được nữa, chẳng giống như từ trước tới giờ...
Nhớ về chị, điều đầu tiên là nét dịu hiền nữ tính. Chị là người “hiền lành, ít nói” nhất trong cái nhóm nhà báo nữ thân thiết mà mỗi khi ngồi chung lại cứ như một cơn lốc những lời trêu chọc, cười cợt dành cho nhau. Người này đối, người kia đáp, ồn ào tới tấp không ngưng nghỉ... Giữa đám “vọng động” đó chị chỉ nghe và cười, luôn nhu mì yên ả, ngay cả lúc trở thành đối tượng chính chịu đựng sự tai quái của đám bạn. Nếu phải chống đỡ đôi chút cho phải phép, chị sẽ dùng một danh xưng đặc hiệu của riêng mình: “Mấy người/mấy bây đừng có mà...”. Bao giờ chị cũng có tác phong đáng yêu của bà-chị-dịu-dàng-độ-lượng-đâu-thèm-chấp-cái-lũ-em-ba-trợn. Thông thường, những cuộc tụ họp nữ đó chẳng bao giờ xuất hiện “nội dung” gì nghiêm chỉnh, chuyện làm báo viết báo càng không có, chỉ rặt những đùa trêu, cười giỡn, ba xí ba tú, ba xàm ba láp..., là một cách xả stress và lên dây cót hiệu quả nhất.
Chị cắn răng lại mà làm, tìm đủ mọi phương cách thực hiện cho kỳ được mục đích và kế hoạch đã vạch ra, không ai có thể cản ngăn, không ai có thể bắt chị buông bỏ. Ngay cả thần chết. |
Làm báo vào những năm đầu thập niên 1990 quả chẳng dễ dàng. Trong nỗi vui mừng ngắn ngủi về khả năng đổi mới vừa chớm hé đã vội khép lại, những người làm báo nồng nhiệt, mạnh dạn nhất vẫn hy vọng về một đổi thay thật sự cho báo chí và cho cả đất nước. Tuổi Trẻ và Phụ Nữ không chỉ là hai tòa soạn kề cận mà trong nội dung, đã từng cùng “chia lửa” trong những loạt bài chống tiêu cực nhiều va chạm. Cùng với Tổng biên tập Thế Thanh, chị đã gánh đỡ một phần công việc và trách nhiệm của tờ Phụ Nữ, cho đến khi cả hai người cùng nhận được quyết định “thôi giữ chức” vào tháng 4.1996, phải rời khỏi ngôi nhà yêu quý.
Từ trái: nhà báo Minh Hiền, nhà báo Hà Phương và nhà báo Thế Thanh trong ngày kỷ niệm 40 năm báo Phụ Nữ TP.HCM
Nhưng cũng từ đó, chị đã có cơ hội bộc lộ khả năng tổ chức và bản lĩnh lãnh đạo. Sau khi làm việc với tờ Đại Đoàn Kết Cuối tuần một thời gian cho đến lúc tòa soạn tờ báo này phải chuyển ra Hà Nội, chị đã “hô biến” tờ Thông tin Công Thương (một tờ tin nội bộ đúng nghĩa) thành tờ Doanh Nhân Sài Gòn đình đám, sáng đẹp về hình thức và dễ đọc về nội dung, Sau đó, lại còn xuất hiện thêm tờ Doanh Nhân Cuối tuần cũng thu hút bạn đọc. Tổng biên tập Minh Hiền đã ghi tên mình vào trí nhớ các đồng nghiệp theo cách chuyên nghiệp nhất. Từ những nhà báo lâu năm tới những cây bút vừa làm vừa học, khi tiếp xúc và làm việc cùng chị, họ đều nhớ về chị rõ nhất: tâm huyết, lòng yêu nghề và cung cách tôn trọng người khác. Hình như chị chẳng bao giờ lớn tiếng với ai, chẳng bao giờ tuyên bố hay xuất hiện như một người nổi trội.
Với giới doanh nhân Sài Gòn. Ảnh tư liệu Báo DNSG
Tình bạn của tôi với chị thật lặng lẽ. Những câu chuyện tôi nói với chị đều rất đàn bà: về con trai chị, cả khi còn là cậu bé học sinh cấp hai nhõng nhẽo cho đến lúc du học ở Pháp, biết tự lo và bắt đầu có bạn gái. Tôi luôn chú ý mái tóc, thần sắc, vẻ ngoài của chị sau những thời gian bị căn bệnh tàn phá. Tôi luôn nhìn ngắm chị thật kỹ mỗi khi gặp, và nói: “Em không bao giờ muốn đi thăm chị lúc bệnh. Em không muốn nhìn thấy chị lúc đó… Em không thể chịu được”. Chị chỉ nắm chặt tay tôi, mỉm cười, vì chị biết tôi nói rất thật. Trong tôi, chị là người đàn bà đẹp của làng báo. Tính cách Nam bộ của chị rất mạnh: không lý thuyết suông; nói ít, làm nhiều; làm vì nhu cầu của chính mình chớ không làm vì bị người khác tác động.
Chị có tác phong của một người mẹ, người chị mẫu mực: tần tảo, không so đo than van, không hé răng kêu ca trước bất cứ khó khăn nào. Có thể nói là chị cắn răng lại mà làm, tìm đủ mọi phương cách thực hiện cho kỳ được mục đích và kế hoạch đã vạch ra, không ai có thể cản ngăn, không ai có thể bắt chị buông bỏ. Ngay cả thần chết.
Với chồng, anh Nguyễn Hồ, người đã chia sẻ những tháng ngày bệnh tật với vợ suốt 17 năm qua cho đến giây phút cuối. Ảnh Quý Hòa
Mấy lần di căn chứng ung thư đáng sợ là mấy lần chị khiến bác sĩ bất ngờ trước nguồn năng lượng lạ lùng trong con người chị. Có lẽ năng lượng ấy tới từ niềm khao khát được tận hiến, được làm những việc có ích nhất cho dân cho nước. Có lẽ chị còn được tiếp sức bởi những người yêu nước đã ngã xuống, có cùng tâm nguyện như chị nhưng không có thời gian và cơ hội thực hiện. Có lẽ vì ý thức quỹ thời gian của mình có thể bị xóa sạch bất cứ lúc nào nên chị luôn làm việc vượt quá sức chịu đựng của mình...
Sống cùng một thành phố nhưng nhiều khi cả năm tôi không gặp chị, tuy nhiên tôi vẫn biết chị đang bận rộn, đang dành hết tâm trí cho công việc gì và đã đạt kết quả ra sao. Giữa thời điểm báo in đang hồi hộp chờ nghe “hồi chuông báo tử”, dám bỏ công làm một tờ báo như Người Đô Thị phải là người cực kỳ yêu nghề và dám hy sinh cho tình yêu ấy...
Với Tạp chí Người Đô Thị. Ảnh PH
Chị Minh Hiền ơi, vậy là từ nay cả đám bạn ồn ào nghịch phá sẽ không còn nhìn thấy nụ cười hiền thục đầy “tha thứ” của chị, không còn được eo sèo vòi vĩnh nọ kia với chị, không còn nhói tim nghe “Chị Minh Hiền lại vào bệnh viện rồi”... Trong thành phố rộng lớn này, ngôi nhà của chị sẽ vắng hơn bao giờ cả, khi người đàn bà duy nhứt không còn có mặt để chăm sóc chồng con, đảm đương bếp núc. Và làng báo sẽ vắng đi một người đàn bà đẹp theo tất cả các nghĩa, vắng một nhà báo có thể dám làm bao nhiêu chuyện khó khăn vì người dân thấp cổ bé miệng...
Chị ra đi vào lúc quá nhiều sự cố đang dồn dập xảy ra, thách thức lòng tin và lòng yêu nghề của những người làm báo. Nhưng xin chị hãy lên đường thanh thản, về một nơi bình yên... Bởi chị đã thực hiện trọn vẹn mọi trách nhiệm của mình, đã để lại cho người chung quanh một lòng tin và sự xác tín, để họ có thể tiếp tục những việc chị đã chọn, bằng cái cách mà chị đã sống và đã làm...
Ngô Thị Kim Cúc
Ảnh tư liệu Báo DNSG
NHÀ BÁO NGUYỄN MINH HIỀN (1950 - 2016)
+ Sinh ngày 22.12.1950 tại Củ Chi, Sài Gòn.
+ 1964: công nhân Nhà in Báo Giải Phóng
+ 11.1964 - 12.1978: Phóng viên Báo Giải Phóng
+ 1978 - 1992: Biên tập viên NXB TP.HCM
+ 1992 - 1996: Phó Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM
+ 1996 - 1998: Thư ký tòa soạn Báo Đại Đoàn Kết Cuối tuần
+ 1998 - 2008: Tổng biên tập tờ Thông tin Công Thương và Báo Doanh Nhân Sài Gòn
+ 2009 - 2013: Chuyên gia nghiên cứu phát triển Báo Sài Gòn Tiếp Thị
+ 2014 đến khi mất: Thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Người Đô Thị - Giám đốc Công ty CP Truyền thông V.U.I