Mối tình Chí Phèo - Thị Nở .Ảnh: internet
Trước hết, ta phải phục Nam Cao “sát đất” về tài năng và bút pháp tả thực. Ông đã dùng chữ nghĩa tiếng Việt hết sức giản dị của mình để “vẽ” ra một chân dung Thị Nở (trong truyện Chí Phèo, 1941) không thể xấu hơn. “Cái mặt của thị thực sự là một sự mỉa mai của hoá công, nó ngắn đến nỗi người ta cứ tưởng là bề ngang hơn bề dài”; “Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành”; “Đã thế, những cái răng rất to lại chìa ra, ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu. Đã thế thị lại dở hơi; đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công”,v.v. Trong một đoạn văn không dài lắm, Nam Cao đã để lại cho đời hình ảnh một “tuyệt tác” của tạo hoá “một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn”. Một cô gái đã xấu xí lại còn dở người, hỏi còn gì xấu hơn nữa?
Ấy vậy mà Thị Nở còn xấu hơn nữa dưới cặp mắt bà cô của thị. Khi bà biết được đứa cháu kia đã ăn nằm với “thằng không cha, không mẹ, chuyên rạch mặt ăn vạ”. “Bà nhục cho ông cha nhà bà.... Người đàn bà đức hạnh thấy cháu bà sao mà đĩ thế! Thật đốn mạt”.Đàn ông trên đời này đã chết hết đâu mà lại đâm đầu đi lấy thằng Chí Phèo cơ chứ.Nhưng đấy chỉ là suy nghĩ của bà cô “thiển cận” thôi. Chứ dưới ngòi bút hiện thực nhân văn, mối tình Chí Phèo - Thị Nở đâu đến nỗi tồi tệ và xấu xa đến thế. Ngược lại, nhiều nhà phê bình văn học còn ca ngợi tình yêu vô tư và hồn hậu của thị là “đáng yêu, lãng mạn và nhân văn bậc nhất”. Bởi không có việc “cấp cứu” kịp thời lúc nửa đêm sau cơn say trúng gió của Chí, không có bát cháo hành ngọt ngào hương vị đồng quê, không có sự chăm chút hết lòng của Thị Nở, có lẽ chàng Chí đầu bò kia không còn cơ may trở lại cuộc sống mà nằm miên man vắt tay lên trán nhớ lại một thời trai trẻ “đáng yêu” và “đáng sống”. Cảnh tình tự của “chàng Chí” và “nàng Nở” trên bờ sông, bên gốc chuối và dưới ánh trăng vàng quả là đẹp và thi vị biết bao!
Nhưng, người ta hình như vẫn định kiến quá nặng với ngoại hình và tâm tính Thị Nở. Cũng như nàng Tây Thi nước Việt, ai khéo chê bao nhiêu cũng không át nổi tiếng đẹp.Nàng Vô Diệm nước Tề, ai khéo khen bao nhiêu cũng không che nổi tiếng xấu.Nàng Thị Nở đến ma cũng còn chê quỷ cũng phải hờn thì người đời ai còn dám thương nữa đây?
Thế là nàng Thị Nở (tôi tiếp tục mạn phép gọi là nàng) cứ thế đi vào kho thành ngữ tiếng Việt như một ví von điển hình cho sự xấu xí của phụ nữ. Nói bỏ quá cho, nếu cô em nào đó mà nghe vẳng bên tai câu "Trông xa cứ tưởng Thuý Kiều/ Đến gần lại hoá người yêu Chí Phèo" thì đảm bảo cô ta sẽ tím ngắt mặt, về nhà đóng cửa mà mất ăn mất ngủ, còn bụng dạ đâu mà mơ màng lãng mạn nữa. Đẹp như nàng Kiều, đẹp như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, đó là biểu hiện tột cùng của sự đẹp.Trái lại, xấu như Thị Nở thì cũng xấu tới mức “kịch đường xấu”. Sức mạnh của những hình tượng văn học quả là có sức lan toả và tồn tại lâu bền nhiều khi vượt quá trí tưởng tượng và vượt qua thời gian.
PGS-TS Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)