Có vẻ như Myanmar vẫn còn khá bí ẩn với nhiều người, trong đó có cả người Việt. về đất nước một thời đóng cửa này, không ít người có cách nhìn theo kiểu “đó là một nước nghèo, lạc hậu” hoặc “chưa thể bằng Việt Nam”. Nó khá giống với cách nhìn hơi cũ về Việt Nam của nhiều người ở nước ngoài rằng “Việt Nam còn chiến tranh đúng không? Đang khổ vì tham nhũng lắm đúng không?”.
Thậm chí, ngay khi qua đến tận nơi nhân kỳ SEA Games vừa rồi, ấn tượng về Myanmar cũng chẳng mấy tươi đẹp hơn. Ở thủ đô cũ, Yangon, dù không có xe máy chạy nhưng xe hơi thì “loạn cào cào”. Xe cũ rích chen lẫn với vài xe mới. Xe tay lái nghịch chạy chung với tay lái thuận. Ở các địa phương khác cũng vậy, chính phủ nước này chưa có chuẩn nhất định cho việc các phương tiện lưu thông sẽ dùng xe tay lái bên nào dù cách lưu thông là cùng chiều với Việt Nam. Có chăng là việc các xe khách thường chọn tay lái thuận giống ở Việt Nam để tiện việc mở cửa cho khách lên xuống khi dừng.
Nhưng, đó được coi là “hậu quả để lại” bởi những năm tháng đóng cửa và mọi chuyện sẽ được điều chỉnh dần dựa trên tình hình tài chính của người dân. Myanmar chủ động cấm xe máy trước để các lộ trình còn lại của các phương án giao thông của họ khả thi hơn. Một trong những phương án ấy chính là nối liền các thành phố bằng các con đường cao tốc. Chính phủ nước này không dấu giếm muốn học Hàn Quốc trong những năm đầu phát triển kinh tế sau chiến tranh với chủ trương quyết liệt: “Các con đường là mạch máu của quốc gia. Mạch máu tốt, lưu thông tốt, quốc gia sẽ khoẻ mạnh”.
Và đó cũng chính là sự bất ngờ cho những ai chọn phương án di chuyển bằng xe từ nơi này sang nơi khác ở Myanmar.
Hôm phải di chuyển từ Yangon xuống Nay Pyi Taw, chúng tôi đã chọn cách đi xe đò bình dân để trải nghiệm. Anh bạn đi cùng đã khá hồi hộp bởi anh sống ở miền Bắc và những chuyến xe “chất lượng cao” từ Hà Nội đi Quảng Ninh, Hải Phòng… dẫu ngắn nhưng theo anh nói là “chỉ muốn ngất”. Giờ là quãng đường hơn 300km chứ không ngắn. Sự lo lắng càng gia tăng khi, chiếc xe nhìn “hơi già”.
Có vẻ sự lo lắng đã khiến anh bạn đi cùng cảnh giác cao độ. Xe lăn bánh được hơn 20km, anh luôn miệng hỏi, “chẳng biết đường xá nó thế nào nhỉ, chả nhẽ cứ phẳng lừ thế này à”. Rồi anh nhắc lại chuyện các đường cao tốc có “sóng trâu” hay chuyện “lún lồi” ở đường cao tốc Trung Lương với sự lo ngại rằng, xe mà cứ chạy 100km/giờ thế này có chuyện gì thì… chết. Mọi chuyện chỉ thay đổi dần khi con đường cứ dần ngắn lại, những làn đường bê tông cứ thênh thang chẳng tì vết cứ nối đuôi nhau hiện ra. Có đoạn đường ba làn mỗi bên, có đoạn “chỉ có năm làn mỗi bên chứ mấy”. Ba trăm cây số bỗng trở nên “nhẹ tênh” trong sự tấm tắc chen một chút mắc cỡ “vì đã nghĩ xấu cho đội bạn” nhưng lời anh thừa nhận.
Nhưng ngay từ Mandalay về lại Yangon, chặng đường dài hơn 700km mới thật sự để lại ấn tượng về giao thông đất nước này với những ai chọn cách di chuyển bằng đường bộ. Khi hay tin chúng tôi sẽ di chuyển bằng đường bộ dài hơn 700km, không ít người ở nhà đã lo lắng dùm bởi đoạn đường này tương đương từ Hà Nội vào Đà Nẵng, nếu tính theo thời gian lẫn sự mệt nhọc phải chịu thì chúng tôi sẽ không kịp có mặt để làm thủ tục chuyến bay về lại Việt Nam lúc 10 giờ sáng, nếu đi lúc 9 giờ 30 tối.
Thật ra, chính chúng tôi cũng lo nên đã chọn “xe hạng sang” với giá vé 20.000 kyat (tương đương với 400 ngàn đồng Việt Nam) khi nhận được lời hứa của hãng xe, nếu xe về trễ hơn 6h sáng, chúng tôi có khoản để bồi thường cho khách mà trước nay chúng tôi chưa từng phải bồi thường cho ai. Trên chiếc xe hạng sang ấy, chúng tôi được phục vụ chẳng khác gì ngồi ghế VIP trên máy bay.
Chiếc ghế bành to rộng, màn hình trước ghế có thể xem phim, nghe nhạc và chơi điện tử. Được phục vụ ăn, uống, thậm chí nhà xe còn chu đáo đến độ, gần sáng khi dừng ở trạm nghỉ chân 30 phút, họ đưa cho mỗi hành khách một bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt. Trên xe luôn túc trực một cô tiếp viên xinh đẹp để đáp ứng nước uống, cà phê nếu khách yêu cầu thêm. Nhưng, “kinh hãi” nhất với chúng tôi là đoạn đường 700km ấy được bác tài xế hoàn tất êm ái trong vòng 8 tiếng đồng hồ, từ 9h30 tối đến 5h30 sáng dù đã dừng dọc đường.
Khi chiếc xe vào bến, anh bạn tôi vốn luôn càu nhàu “mình đi xe chẳng bao giờ ngủ được” đang chìm vào giấc ngủ êm ái với chiếc mền ấm áp. Khi được đánh thức, anh càu nhàu “thật hay đùa đấy”.
Kỳ thật, đến thời điểm này thắc mắc của rất nhiều người Việt di chuyển cùng chúng tôi ở đợt SEA Games vừa rồi là, vì sao Myanmar lại làm đường bê tông tốt đến thế trong khi ở quê mình luôn cứ phải “chờ lún” rồi “chờ sửa”. Thậm chí ở thủ đô mới Nay Pyi Taw, có những đoạn đường 20 làn xe thẳng tắp mà không ít người nói rằng “máy bay đáp xuống cũng được”. Những quan chức của Myanmar mà chúng tôi được tiếp xúc ở kỳ SEA Games đều cho rằng, họ làm các con đường cho hôm nay và tương lai vì sự phát triển của đất nước. Thế nên, mọi sự tham nhũng trong việc làm đường sẽ bị xử lý nghiêm như trọng tội.
Chợt nhớ đến chuyện báo đưa tin, chỉ 20km đường cao tốc nếu đi với tốc độ 80km/giờ thì 15 phút là hết đường, vừa khánh thành mà có đến ba nhà thầu bị “nhắc nhở”. Lý nào ở ta, mọi con đường đều không dẫn đến tương lai?
Tất Đạt