Các quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký nhưng không có thông tin chi tiết về nguyên nhân doanh nghiệp thu hồi.
Cụ thể, tại Quyết định 277, Cục An toàn Thực phẩm thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 13304/2019/ĐKSP ngày 9.12.2019 đối với sản phẩm SIRO ĂN NGON do Công ty TNHH Thương mại Á Mỹ (địa chỉ số 43 tổ 43 phố Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Doanh nghiệp này có văn bản đề nghị thu hồi từ cuối năm 2024.
Quyết định 277.
Theo văn bản đề nghị ngày 30.5.2025 của Công ty cổ phần dược phẩm Trumpharmaco (số 36 ngõ 23 phố Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội), Cục An toàn Thực phẩm ban hành Quyết định 275, thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với 10 sản phẩm mà doanh nghiệp này công bố từ năm 2019.
Quyết định 275.
Tại Quyết định 276, Cục An toàn Thực phẩm công bố thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe số 10198/2018/ĐKSP đối với sản phẩm Berocca performance mango theo văn bản đề nghị ngày 28.5.2025 của Công ty TNHH Bayer Việt Nam (118/4 Amata Khu công nghiệp Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), thuộc tập đoàn Bayer (Đức).
Liên quan đến lý do thu hồi, phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với văn phòng của Bayer Việt Nam tại TP.HCM. Người tiếp nhận cho biết đã ghi nhận đề nghị và chuyển đến bộ phận có thẩm quyền trả lời.
Quyết định 276.
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thực phẩm bảo vệ sức khỏe buộc phải đăng ký công bố sản phẩm (Điều 6) với Bộ Y tế. Nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo, còn phải đăng ký nội dung với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm (xem thông tin bên dưới).
Khuê Anh
Điều 27. Đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm
Việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ các quy định sau:
1. Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.
2. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
3. Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
a) Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền;
b) Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại điểm a khoản này;
c) Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.