Ai dễ bị ung thư tuyến tiền liệt?

 17:53 | Thứ năm, 28/02/2019  0
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh thường gặp ở nam giới có độ tuổi trên 60. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số người mắc bệnh này khi chỉ mới 50.

Ảnh: TL


Ung thư được chẩn đoán khi trong tuyến tiền liệt xuất hiện những tế bào bất thường với số lượng liên tục tăng lên không kiểm soát được và có thể di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể.  Trong y khoa, đặc biệt những nam giới trên 40 tuổi thì khả năng bị tăng sinh tuyến tiền liệt rất cao.

Vai trò của tuyến tiền liệt có 2 chức năng chính là: tiết và dự trữ dịch; co bóp và kiểm soát nước tiểu.
Tiết và dự trữ dịch: Tuyến tiền liệt (cùng với những tuyến phụ khác như túi tinh và tuyến Cowper) sản xuất ra phần lớn dịch trong tinh dịch. Chất dịch này sẽ giúp trộn lẫn với tinh trùng thuận tiện cho việc di chuyển vào hệ thống sinh dục nam khi giao phối.
Co bóp và kiểm soát nước tiểu: Đây cũng là triệu chứng khi phì đại tuyến tiền liệt mà bệnh nhân thường gặp. Chúng giúp cho nước tiểu không bị chảy ngược về phía bàng quang trong quá trình phóng tinh, cơ thắt trong đáy bàng quang sẽ đóng lại.

Khi cơ thắt đóng lại, nó ngăn nước tiểu và tinh dịch đi ra ngoài cơ thể qua niệu đạo cùng lúc. Khi đạt đỉnh điểm của khoái cảm, cơ vòng này sẽ đóng chặt để ngăn không cho tinh dịch trào ngược vào bàng quang. Và điều hòa nước tiểu, tránh bị tiểu són khi bị phì đại tuyến tiền liệt.
Độ tuổi cần quan tâm đến tuyến tiền liệt nằm trong độ tuổi 40 trở lên. Đặc biệt, tuổi càng cao thì tỉ lệ ung thư sẽ càng cao. Theo thống kê từ một số nghiên cứu, tỉ lệ ung thư tuyến tiền liệt ở những bệnh nhân trên 80 tuổi lên đến 57%-63% nguy cơ mắc bệnh.

Thông thường để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt có nhiều giải pháp khác nhau. Đối với những bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên - tuổi bắt đầu có nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt nên có ý thức tầm soát tuyến tiền liệt sớm. Cần lưu ý, các triệu chứng của phì đại và ung thư tuyến tiền liệt giống nhau, rất khó nhận biết, đặc biệt là trong giai đoạn sớm.
Khi tầm soát ung thư, bác sĩ thường sử dụng chỉ số mặt cơ ung thư của tuyến tiền liệt - chỉ số PSA. PSA có thể hiểu là một phần của tinh dịch, được sản xuất bởi tế bào trụ của tuyến tiền liệt. Và sự tăng sinh của PSA khi có sự phá vỡ cấu trúc bình thường của tuyến tiền liệt, mức độ PSA có thể tăng theo tuổi và thể tích của tuyến tiền liệt. Việc thử PSA đặc hiệu cho ung thư tuyến tiền liệt.
Vai trò của PSA giúp chẩn đoán bệnh, xác định mức độ lan rộng của bệnh, đánh giá đáp ứng điều trị hay khả năng tái phát của bệnh. Như bệnh nhân có bướu lành của tuyến tiền liệt và có các triệu chứng biểu hiện lâm sàng, có chỉ số PSA cao hơn 4, khả năng cao mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Chỉ số PSA được sắp xếp là yếu tố độc lập, tiên đoán tốt để nhận định ung thư tuyến tiền liệt.
Vì vậy, chỉ số PSA và chụp MRI là 2 xét nghiệm ưu tiên để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Đồng thời, kết hợp nội soi trực tràng sinh thiết để có chẩn đoán dương tính sớm. 

Bệnh nhân trên 40 tuổi, chúng ta nên định lượng bằng PSA và căn cứ vào chỉ số này để theo dõi quá trình phát triển tuyến tiền liệt. Nếu chỉ số PSA cao thì có thể phát hiện bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt sớm nhằm đưa ra các hướng giải quyết hiệu quả.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt, là phương pháp điều trị đa mô thức như phẫu thuật, kết hợp điều trị về nội tiết, kết hợp hóa trị, điều trị nhắm trúng đích, xạ trị… Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt hết sức đa dạng. Tùy theo từng giai đoạn bệnh lý mà chúng ta có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau.
Những bệnh nhân đến viện giai đoạn sớm sẽ được phẫu thuật tận gốc bằng phương pháp mổ mở hoặc mổ nội soi, giúp điều trị triệt để và giảm tỉ lệ tử vong.
Nếu bệnh nhân đến trong giai đoạn muộn, có thể áp dụng những phương pháp khác như cắt tinh hoàn, sử dụng các thuốc kháng nội tiết để điều trị. Ở những giai đoạn trễ hơn, áp dụng thuốc hóa trị hoặc thuốc nhắm trúng đích khác.  
Với những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đã đi ra khỏi vỏ bao, tức khối u đã xâm lấn ra khỏi vỏ bao, có thể áp dụng xạ trị ngoài giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Nếu khối u vẫn còn nằm trong vỏ bao, điều trị bằng xạ trị áp sát hay còn gọi là điều trị xạ tại chỗ. Đây là phương pháp được áp dụng hiện nay tại 1 số trung tâm lớn trên thế giới.

BS-CK2. Nguyễn Ngọc Anh

(Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.