Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Câu chuyện về một khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam "không chịu lớn" đã không còn quá xa lạ với truyền thông trong thời gian gần đây. Mặc dù việc phát triển khu vực này thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đã được đưa vào Nghị quyết số 10-NQ/TW nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia sau một năm vẫn chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.
Khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, gần 70% doanh nghiệp tư nhân vẫn đang kinh doanh không có lãi. Mặt khác, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, số lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Khu vực kinh tế tư nhân đang có số lượng doanh nghiệp chiếm ưu thế so với các khu vực khác song hiệu quả hoạt động của khu vực này còn chưa được cải thiện đáng kể, chất lượng hoạt động cũng còn hạn chế.
Đánh giá về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần phân biệt rõ hai đối tượng trong khu vực kinh tế tư nhân là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân trong nước bởi lẽ đây là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau.
Sau gần 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vai trò của khu vực FDI trong nền kinh tế càng ngày càng lớn, đóng góp ngày càng nhiều. Thậm chí, các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung chỉ cần có vấn đề một chút là ảnh hưởng ngay lập tức đến nền kinh tế của Việt Nam.
Dù vậy, bà Lan cho rằng, những mặt tiêu cực khu vực này mang lại cũng không hề ít. Số lượng FDI vào Việt Nam trong thời gian qua nhiều nhưng hiệu ứng về thuế đóng góp cũng có hạn. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2012 – 2016, số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ hằng năm là từ 44% - 51%; đặc biệt năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50%.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài, hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dù Chính phủ đã xác định phát trển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng, song theo bà Lan nhận định, lâu nay, Chính phủ vẫn luôn ưu tiên hàng đầu cho doanh nghiệp nhà nước, tiếp đến là khu vực FDI trong khi khu vực kinh tế tư nhân trong nước gần như không có ưu đãi gì.
Bà Lan thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã tuyên bố đảm bảo bình đẳng, từ việc tiếp cận nguồn lực, đất đai cho các doanh nghiệp nhưng trên thực tế cũng chỉ có cạnh tranh bình đẳng mà thôi.
“Nếu nói về chính sách ưu đãi thì cũng chưa thực sự có; kể cả có trong luật pháp hay tuyên bố chính sách thì cũng chưa được thực thi”, bà Lan cho hay.
Trong khi đó, bà Lan cho biết một vài năm gần đây, doanh nghiệp FDI thậm chí còn được ưu đãi nhiều hơn doanh nghiệp nhà nước vì trên thực tế doanh nghiệp nhà nước đang nằm trong đợt cổ phần hoá, tăng cường giám sát, phát hiện nhiều trường hợp thua lỗ.
Bên cạnh chính sách chung của Nhà nước, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, hầu hết việc phê duyệt đầu tư hay ưu đãi cho đầu tư nước ngoài đang dựa vào quyết định từ các tỉnh thành trong khi cuộc chạy đua thu hút vốn FDI giữa các địa phương vẫn không ngừng diễn ra.
Cũng theo bà Lan, trong thời gian gần đây, khu vực tư nhân trong nước xuất hiện những doanh nghiệp có sức cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
Bà Lan cho rằng nếu có đủ điều kiện, khu vực tư nhân trong nước hoàn toàn có thể vùng lên làm tốt. Tuy nhiên có một thực trạng là hầu hết các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu nhờ đầu tư vào kinh doanh bất động sản chứ không phải các ngành sản xuất.
“Hầu hết những người giàu có nhất trên thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện nay đều nhờ vào kinh doanh bất động sản kể cả những doanh nghiệp đã từng kinh doanh ở lĩnh vực khác”, bà Lan cho biết.
Ngoài ra, những tỷ phú gần đây nổi lên như chủ tịch Hoà Phát và Trường Hải (Thaco) cũng nhờ mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực này. Bà Lan cho rằng nếu chỉ kinh doanh thép hay ô tô thì những vị doanh nhân này chưa thể trở thành tỷ phú đô la.
Nhìn ra các nước lớn trên thế giới có thể thấy xu thế hiện nay của Việt Nam đang đi ngược lại. Chẳng hạn Nhật, Mỹ hay châu Âu đều cạnh tranh và phát triển bằng công nghiệp.
Bà Lan cho rằng xu hướng này chỉ phù hợp với một số doanh nghiệp lớn bởi lẽ hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam) không tiếp cận nổi đất đai.
Việc tham gia vào lĩnh vực bất động sản của nhiều doanh nghiệp một mặt giúp cho bộ mặt các độ thị thay đổi, giúp Việt Nam có được các dự án lớn và đáp ứng nhiều nhu cầu cho xã hội; nhưng ngược lại, đẩy mặt bằng giá đất lên khiến việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khác vô cùng khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, Chính phủ vẫn không thể giảm được chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Mặc dù có nỗ lực giảm bằng Nghị quyết 19 song cũng chỉ tập trung vào việc bỏ bớt một số điều kiện kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ chứ chi phí đầu vào như đất đai, hạ tầng… thì không thể giảm nổi.
“Nguồn vốn gần như bỏ quên đối với các lĩnh vực khác; thời gian chính phủ bắt đầu quan tâm đến các ngành công nghiệp phụ trợ thì cũng là lúc bất động sản và chứng khoán nổi lên. Nguồn vốn từ thị trường chứng khoán và ngân hàng lúc này phục vụ cho các hoạt động bất động sản là chính”, bà Lan cho biết.
Ngoài ra, cũng có những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lấn sân sang các lĩnh vực khác và cũng đã mang lại một số kết quả tích cực ban đầu song bà Lan cho rằng vẫn cần thời gian để đánh giá hoạt động và mục đích thực sự của các doanh nghiệp này.
"Chẳng hạn, việc mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp liệu có mang lại hiệu qủa thực sự hay vẫn nhằm mục đích tìm kiếm nguồn đất để về sau làm bất động sản", bà Lan thẳng thắn nhìn nhận.
Quỳnh Chi