Mùa đông năm ngoái, tôi đến Hà Nội vào lúc có một đợt không khí lạnh tràn về. Thành phố cho không biếu không tôi những ngày mờ mịt sương giăng (có người bảo không phải sương đâu, ô nhiễm đấy, nhưng tôi cứ muốn tin là sương khói, thì đã sao!).
Tôi lưu trú một căn phòng trên góc phố Báo Khánh - Hàng Trống. Góc phố trung tâm ấy chẳng hiểu sao nhiều lần khiến tôi đi lạc.
Đó là những ngày Hà Nội yên ắng nhất trong lịch sử hơn hai mươi năm tôi biết về Hà Nội. Và có lẽ cũng yên ắng nhất trong bốn ngàn năm văn hiến chăng?
Covid-19 lúc ấy như một đám mây tai ương sẵn sàng nhấn chìm mọi đô thị trên mặt đất này trong chốc lát.
Tôi có hẹn với một người bạn trên phố Hàng Trống để cùng tản bộ và chuyện trò mỗi đêm, qua những cửa hiệu đóng kín, những lòng hẻm thưa người để đến với vỉa hè vành đai bờ hồ sương khói (lại sương khói!). Chúng tôi ngồi trên những ban công quán cà phê khuya thời giãn cách để nhìn ánh đèn vàng võ quét lên trên những bông gió ban công, những chớp cửa thời thuộc địa còn sót lại nơi lưng chừng hàng phố quạnh hiu. Bấy nhiêu cảm xúc tuyệt vời khiến tôi quên mất đi sự bất tiện của dịch vụ khách sạn, sự xuống cấp của phòng ốc, sự thiếu vắng, bỏ bê phận sự của những bồi phòng thời vụ.
Tôi trở nên ác ý khi nghĩ rằng thôi thì cứ vậy đi, cảnh vườn không ngõ trống này là một diễm phúc.
Một đêm, bạn hẹn tôi đến một bar “Speakeasy” trong khu phố cạnh nhà thờ. Bây giờ mới dám kể: Tôi tìm thấy giữa thành phố đang chìm xuống đó, có một thế giới ngầm đang sống động với những trật tự riêng, thật khó tin.
Chúng tôi đi qua một hành lang tối tăm dẫn vào một chung cư cũ và đứng trước một cánh cửa sắt đóng kín. Trên góc cửa có một chiếc chuông nhỏ mà chúng tôi phải mở đèn điện thoại lên soi mới nhận ra nút bấm. Bạn bấm chuông, và từ một ô khoét trên cánh cửa có tiếng hỏi: “Xin lỗi, ai đó ạ?”, “Anh/ chị muốn gặp ai?”... Bằng những “mật hiệu” mà bạn tôi ghi nhớ từ cuộc điện thoại đặt chỗ, bạn trả lời từng câu hỏi và một lúc sau, kẻ giấu mặt bên trong mới chịu hé cửa đón khách.
Hiện ra từ bóng tối sau cánh cửa là một thanh niên mắt kính cận, lịch thiệp trong bộ suit tối màu, tóc buộc đuôi ngựa. Anh soi đèn pin dẫn chúng tôi lên những bậc tam cấp, qua những ngách hẹp tối tăm, dẫn vào một gian phòng - đó là thế giới sống động của nhạc jazz, quầy rượu, khói thuốc và ánh sáng âm u phản quang từ hàng ngàn chai rượu đủ kích cỡ, hình thù và nhãn hiệu. Giữa gian phòng là một chiếc ghế bành đặt dưới pha đèn màu ấm. Đó là một chiếc ghế trống xoay về hướng những đầu đọc mâm than và loa thùng. Chiếc ghế ấy, tôi cơ hồ nghĩ, có thể là chỗ ngồi của một khách vô hình. Vị khách đã ngồi đó từ lâu, và sẽ ngồi ở đó, trong ánh sáng mờ đục để trộm ghi chép mọi nhát cắt rầm rì vọng lên từ những cuộc gặp gỡ xung quanh.
Trong một bar khuya ở Sài Gòn, tháng 5.2022.
Một thế giới ngầm ẩn, nơi bạn chỉ có thể đi vào bằng những ma trận ngách tối, mật khẩu và được dự phần, điều hành bởi những kẻ quyền lực ẩn danh - tinh thần của những bar Speakeasy phổ biến trong thập niên 1920 ở Mỹ, thời điểm đồ uống có cồn bị cấm đoán - sao mà phù hợp với không khí Hà Nội trong bối cảnh mùa đông của thời đại dịch như vậy.
Và đây là hình ảnh có tính thời đại, cung cấp thêm cho đời sống Speakeasy: những vị khách đeo khẩu trang gõ cửa quán bar trong sự rập rình không chỉ của lực lượng giám sát “thông điệp 5K” tưởng tượng mà còn chơi trò sấp ngửa số phận với những tay gangster vô hình có tên: Virus!
Trong đám khách hàng bí mật hôm đó của quán bar khuya, có kẻ thử để tâm trí lùi xa khỏi sự nhất thời của đại dịch để nhận ra rằng các dạng thức Speakeasy ở Hà Nội sẽ bội phần thú vị hơn ở các thành phố khác của Việt Nam bởi tính song trùng, nước đôi, yếu tố underground của đời sống văn hóa và chính trị.
(Tạm lấy luận điểm trên để giải thích cho việc một quán rượu Speakeasy của Hà Nội khiến bạn cảm thấy sức quyến rũ bởi các luật ngầm, sự ngụy trang và che đậy - nhiều hơn so với loại hình tương tự ở Sài Gòn!)
Sau một đêm chìm sâu vào bóng tối của những bí mật ở một quán rượu Speakeasy Hà Nội, tôi lại thấy mình lạc lối trên phố khuya Báo Khánh - Hàng Trống. Điều ấy chỉ có thể giải thích được sau một quãng thời gian đủ dài.
*
Trở về Sài Gòn những ngày tháng hậu Covid-19. Hệ sinh thái phố đêm được phục hồi, từ những vỉa hè, quán bia, khu du lịch ba lô... Và dĩ nhiên, cả những hầm rượu, quán bar khuya của tuổi trẻ cũng rộn ràng công khai trở lại.
Một đêm, khi dạo bước qua quãng đường vỉa hè khấp khểnh gạch đá hai bên công trường ga metro khu trung tâm, lần vào những hẻm tối để đến một cuộc hẹn ở bar nhỏ trong hẻm sâu, chợt thấy trở lại trong tôi cảm xúc bâng khuâng khó tả của cuộc hẹn đêm mùa đông đã qua. Dù bây giờ là đêm mùa hè, sau mưa bóng mây thì trời Sài Gòn rất trong. Sau cánh cửa quầy bar, đèn sáng một tone đỏ quen thuộc. Những bartender xoay như chong chóng sau quầy bar trước xấp giấy order thức uống cầu kỳ của khách hàng đa phần là trẻ.
Ở các bàn rượu, không còn ai đeo khẩu trang nữa, mọi cuộc chuyện trò đã sôi nổi rộn ràng trong giai điệu châng lâng của bản Fly Me to the Moon...
Nếu bạn là tôi, bạn sẽ nhận ra mình già đi thật nhanh trong không gian hồi sinh lạ lẫm đó.
Bạn sẽ phải gọi một ly cocktail Zombie để tìm thấy nơi ngọn lửa vụt sáng của thứ thức uống là khoảnh khắc hồi quang của một năm trời mà cứ như dồn nén cả hàng thế kỷ của nền văn minh con người.
Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên