Buổi hoàng hôn nơi chung cư

 10:36 | Thứ hai, 17/03/2025  0
Chung cư là cái thế giới thực tế sống động để ông và các cụ “cùng hội” tha hồ buông bắt, xử lý thông tin.

Ở tầng 8 tháp A có đôi vợ chồng kia mới li dị (tụi nhỏ giờ hở chút là kéo nhau ra tòa dễ như trở bàn tay), nhà để xe tháp B vừa cháy cái bóng đèn (ban quản lý gì mà làm ăn chán quá, chẳng có chút trách nhiệm gì với cư dân), hồ bơi lúc này xuất hiện một thằng cha biến thái (thế à, ghê quá, thành phần này phải cấm sử dụng hồ bơi để an toàn cho các cháu gái), cái ông tóc bạc người Nghệ ở bên tháp A ngày nào cũng xuống sân đi bộ bị đột quỵ chết rồi (thì bọn mình rồi cũng vậy thôi, cuộc sống vô thường mà, đâu ai biết trước)... 

Tất tần tật mọi chuyện lớn nhỏ, chỉ cần hỏi hội người già ở chung cư là được cập nhật và có lời bình chi tiết.

Ông cụ ngày nào còn khạc nhổ vô góc thang máy, hục hặc “để tao về, nhà nước có trả lương tháng tao cũng không ở lại đây, sống gì như cái nhà tù”, thì bây giờ đã có thể tự mình dùng thẻ từ đi lên đi xuống, mở group Zalo với mấy ông bà hợp gu, chiều chiều tụ tập ở công viên thu thập và bình luận đủ thứ tin tức trên đời. Chung cư là cái thế giới thực tế sống động để ông và các cụ “cùng hội” tha hồ buông bắt, xử lý thông tin. 

Chuyện không có gì lạ, quan sát đời sống các cụ ở chung cư, sẽ thấy trong cái thế giới tưởng chừng cô lập và buồn chán của người già, cũng có các tập hợp hẳn hoi: tập hợp các bà đi trông cháu, tập hợp những bà giúp việc, tập hợp những ông thích đi bộ, tập hợp các ông thích bàn tán chuyện thời sự chính trị, tập hợp thích Trump và tập hợp những người ghét Putin... Đó là chưa kể, tập hợp những người biết xài điện thoại thông minh, có Zalo, Facebook, và tập hợp các cụ chỉ xài điện thoại cục gạch, tập hợp các bà có cháu dưới ba tuổi và tập hợp các bà có cháu ở tuổi dậy thì. Thôi thì đủ. Cũng đúng thôi, họ chỉ có một không gian nhỏ để tạo nên mạng lưới khuây khỏa ở vào tuổi hoàng hôn của cuộc đời. Xưa kia, các cụ dạy con cái chọn bạn mà chơi, nay đám con cái dạy lại các cụ bài học y hệt. Các cụ lủi thủi tìm nhau, lủi thủi đi đứng, lủi thủi tâm sự để cùng nhau vượt qua sự hoang mang của tuổi tác và bệnh tật, lủi thủi đi qua nỗi buồn riêng.

Các cụ tụm năm tụm ba bàn tán đủ thứ chuyện, đủ thứ lĩnh vực trên đời. Quá khứ trộn lẫn hiện tại, ký ức hòa quyện thời sự. Có cụ đạo mạo mực thước, cũng có cụ chân chất bộc trực. Có cụ ăn nói bỗ bã, có cụ giữ nếp công chức lịch thiệp. Có cụ bạ đâu văng tục đó, có cụ lại kín kẽ, cam chịu và buông bỏ. Thôi thì đủ.

Nhờ sự đa dạng đó mà một mạng lưới thông tin hình thành, nhanh chóng và kịp thời hơn tất cả những gì có trong các nhóm kín của cư dân hay ban quản trị. Ai làm ăn thua lỗ ở đâu, các cụ biết. Nhà nào có đứa con bị tự kỷ tội nghiệp, các cụ hay. Cô nào để chó mèo phóng uế chỗ công cộng, các cụ nắm bắt chính xác và chi tiết. Chớ hòng có động tĩnh gì mà qua được tai mắt của các cụ. Các cụ cho ý kiến nhiều nhất trong các cuộc họp cư dân. Các cụ quyết liệt bảo vệ không gian sống cho mình và con cháu.

Bữa nọ, trong hội nghị bất thường của chung cư, có cụ đứng dậy khẳng khái: “Đừng có tưởng các anh chị qua mặt được bọn già tụi tui. Tụi tui đẻ ra được ba mẹ các anh chị. Tại sao các anh chị tàn nhẫn đặt bẫy giết đám mèo hoang ở bãi xe. Mấy con mèo có tội tình gì?”.

Cụ khác (cùng phe) cũng hùng hồn: “Với kinh nghiệm quản lý tổ viên hợp tác xã, tui nói cho cái ban quản trị này biết, các anh chị xứng đáng bị kỷ luật và sự trừng phạt của lương tâm”. Nhưng những chuyện ấy cũng chưa gây bàng hoàng cho bằng cái lần tổ chức vui tết trung thu cho thiếu nhi, có cụ lên cướp micro đọc bốn bài thơ, mỗi bài dài một trang giấy và sau mỗi bài là phần tóm tắt nội dung, nêu hoàn cảnh ra đời của các sáng tác. Tất thảy kéo dài vị chi gần mười lăm phút. Cụ ấy tự giới thiệu mình từng là chủ tịch hội thơ người cao tuổi ở quê. 

Không gian sống càng nhỏ và nén, thì mọi thứ nghễnh ngãng gàn bướng của tuổi già càng được bộc lộ một cách rõ ràng và muôn hình vạn trạng. Thoát ra khỏi các hội nhóm, mỗi người già nếu không phải là thị dân lâu năm, thì sự neo đậu của họ trong cuộc sống chung cư luôn toát lên vẻ gì chịu đựng và có phần cô lập. Có người phải thích ứng vì để được gần con cái những ngày tháng cuối đời, có người không còn đường nào về quê chỉ vì đã bán hết gia sản vào thành phố kiếm một căn hộ cho con cái ổn định lập nghiệp, cũng có người theo con cái chạy trốn nợ nần sau những cuộc làm ăn thất bát... Trong “phòng chờ của thượng đế”, mỗi người già là một thế giới vừa ngấm ngầm chống cự với số phận, vừa buông bỏ chấp nhận khi chuyến tàu đi dần về ga cuối. Và trong họ, những mảnh vườn xanh, những khoảng sân rộng, những láng giềng thân thuộc tối lửa tắt đèn có nhau cùng cảnh sống êm đềm của thôn quê trong quá khứ bây giờ đã xa xôi mịt mờ. Mỗi ngày sống là một ngày nỗ lực thích nghi vì con, vì cháu. Thế nên, việc các cụ lập nhóm lập hội cho đến cách này cách kia cất lên tiếng nói của mình, có thể hiểu được, là để thoát khỏi cảm giác của một cảnh sống nhàm chán, thiếu tương giao và đôi khi là để chống lại cảm giác vô dụng trong cái cộng đồng lạnh lẽo mà mình đang gắng thuộc về.

Cuối cùng thì nơi các chung cư, ta không thấy sự biến mất của những con người thông qua các đám tang, nhưng lại có thể lắng nghe trong lời kể của người già về sự ra đi của ông A, bà B, về những ngày tháng cuối đời mà ông ta đã đến thành phố này, trụ lại ở đây, gắn kết với những người xa lạ trở thành thân thuộc. Họ, những người còn lại, sẽ tiễn bằng hữu ra đi bằng cách hẹn hò ngồi yên tưởng niệm ở góc công viên vào những buổi chiều muộn. Họ nhắc lại những kỷ niệm của người đã khuất không bằng nhang khói, mà bằng nước mắt lặng thầm và những câu chuyện gợi nhớ. Đó là khi người này soi thấy thân phận mình trong tấm gương thân phận của người kia. 

Mỗi khi có một chiếc xe cứu thương bất ngờ hụ còi trước sảnh chung cư để đưa một người ra đi vĩnh viễn, thì phía hành lang hay ở ghế đá công viên lại sẽ có những mái đầu bạc ngồi chụm vào nhau bàn tán. Ở đâu đó nơi góc tường hay gốc cây, có người dỡ mũ nhìn theo, xa vắng. Rồi câu chuyện của người ra đi sẽ lan nhanh bằng cách này, cách kia, trong các hội nhóm. Hình thức truyền tin này ta dễ thấy trong các bệnh viện, nơi con người đối diện với lo âu, rủi ro và cái chết. Nơi cõi người được nén vào một không gian chật chội và nhiều hoang mang.

Có tiếng chim cúc cu vọng từ tầng cao của block này sang block kia. Tiếng chim cúc cu chiều hôm thường gợi nỗi buồn cô lẻ. Con chim cúc cu trong lồng, mỗi khi cất tiếng gáy thì nó có thực nghe thanh âm hồi đáp nào chăng, hay chỉ đợi chờ một chuỗi vang vọng từ chính tiếng gáy của mình dội lại từ khu rừng bê tông vây bủa? 

Bài: Nguyễn Vĩnh Nguyên - Ảnh: CTV

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.