Swansea hiện đang thi đấu ở Premier League trong khi Cardiff City thi đấu ở giải hạng nhì Championship. Đấy là trường hợp các CLB xứ Wales chơi bóng tại Anh, như mọi người đã biết (lưu ý: xứ Wales, Anh, Scotland và Bắc Ireland được xem là bốn “nước” trong bản đồ bóng đá thế giới). Bao lâu nay, đội AS Monaco vốn là của Công quốc Monaco, vẫn đang sinh hoạt trong làng bóng chuyên nghiệp của Pháp.
Gần đây, khi ồn ào chuyện Catalonia muốn tuyên bố độc lập, tách khỏi Tây Ban Nha, thì giới bóng đá xôn xao bàn tán tương lai của CLB khổng lồ Barcelona. Họ sẽ chơi bóng ở đâu, trong trường hợp “giải vô địch Catalonia” (nếu có) là quá bé để họ tồn tại và thi thố? Nhiều kịch bản hấp dẫn đã được vẽ ra, với Barcelona xuất hiện ở Ligue 1, Serie A hoặc Premier League. Nói chung, đấy là những chuyện mà trên nguyên tắc đều có thể trở thành hiện thực.
VFF chưa thể tiến hành Đại hội nhiệm kỳ VIII do nhiều khúc mắc liên quan tới bầu Đức. Ảnh: Nguyễn Đăng
Toàn bộ vấn đề chỉ là: khi một CLB muốn bước vào một nền bóng đá nào đó, thì phải được sự đồng ý của liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) ấy. Đã được chấp nhận thì CLB sẽ hưởng những quyền lợi và chịu những quy định của LĐBĐ cấp quốc gia trong nền bóng đá ấy. Tất nhiên, giả sử Barcelona xin và được chấp thuận thi đấu ở Anh, họ sẽ khởi đầu từ đẳng cấp nào, thì đấy lại là chuyện khác.
Năm 2005, để phản đối việc bán đội Manchester United cho gia đình Glazer người Mỹ, các cổ động viên M.U tách ra thành lập một đội bóng riêng, gọi là FC United of Manchester. Đội này được công nhận, nhưng phải khởi đầu ở đẳng cấp thấp nhất có thể - tạm phiên ra hạng mười trong cấu trúc bóng đá Anh. Đội này liên tục thăng hạng trong ba mùa bóng đầu tiên, giờ đang ổn định vị trí ở đẳng cấp hạng sáu, gọi là National League North.
Giả sử “bầu” Đức tự rút đội bóng của mình ra khỏi V-League? Nếu như HAGL được đăng ký ở Lào hoặc Thái Lan, cứ việc tham khảo trường hợp của Barcelona hoặc Cardiff trong các ví dụ đã nêu.
Nếu họ chơi ở Việt Nam, thậm chí có thêm các đội bóng khác cũng tách khỏi V-League? Hoàn toàn không có rào cản nào cho các giải bóng đá... phủi, hay gọi mỹ miều hơn là “giải mời” như đã tồn tại lâu nay. Vấn đề ở đây là chỉ có LĐBĐ Việt Nam có quyền công nhận hay không công nhận các đội bóng và giải đấu của họ. Và chỉ có các đội bóng ấy, giải đấu ấy được công nhận chính thức, trong cấu trúc của bóng đá quốc tế. Bởi LĐBĐ châu Á (AFC) và LĐBĐ Thế giới (FIFA) tất nhiên chỉ làm việc với LĐBĐ Việt Nam (VFF).
Hãy tiếp tục thả trí tưởng tượng: giả sử tất cả các đội bóng thuộc VFF hiện thời đều tách riêng và đủ năng lực để tự tổ chức giải vô địch riêng - chính là giải V-League “cũ”, nhưng theo cấu trúc khác, vốn do các CLB quyết định? Premier League của Anh, suy cho cùng, cũng thuộc dạng này. Nhưng Premier League được FA công nhận, nên UEFA và FIFA cũng đều công nhận.
Nếu không được các LĐBĐ vừa nêu công nhận? Luật FIFA sẽ trở nên vô nghĩa. Tất cả các quy định khác của bóng đá nhà nghề cấp quốc tế cũng trở nên vô nghĩa. Tức là sẽ... không có luật gì cả. Bóng đá nhà nghề “sống” nhờ tiền bạc - ví dụ tiền tài trợ hoặc bản quyền truyền hình. Nhưng trước tiên, bóng đá nhà nghề sống nhờ... luật. Rất nhiều luật!
Minh Tâm