» Sài Gòn - đứa con phi danh tính của những cuộc quy hoạch
» Đô thị - như một cách kể về đời sống
» Sài Gòn sẽ nóng hơn với cao ốc Ba Son, Tân Cảng
» Kiến nghị dừng quy định “chung cư phải có 3 tầng hầm”
Khu biệt thự gồm những đường phố quy hoạch theo ô vuông có vỉa hè rộng trồng cây xanh, hai bên là những biệt thự “kín cổng cao tường” từ mặt tiền vào đến các hẻm “xương cá” khá yên tĩnh. Biệt thự thường có kiến trúc theo kiểu Pháp thích nghi với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều của vùng nhiệt đới. Vật liệu xây dựng là gạch, ngói, xi măng, gỗ, có thể có cả vật liệu đá xây hầm nửa chìm và bậc tam cấp. Nội thất chia thành các không gian có chức năng phòng ngủ (không gian cá nhân), phòng khách, nhà bếp phòng ăn (không gian sinh hoạt chung). Khu vệ sinh có trong từng không gian chức năng. Ngoài ra còn có nhà ngang, nhà sau là nơi ở của người phục vụ, lái xe... Xung quanh nhà chính là sân vườn rộng rãi, có cây xanh thậm chí là cây lâu năm, có tường rào cao kín đáo.
Một đô thị không thể thiếu cảnh quan biệt thự. Ảnh CTV
Ở một số đô thị nhỏ hay vùng ven, ngoại thành của đô thị lớn lại có những ngôi nhà xưa kiến trúc truyền thống, vật liệu chủ yếu là gỗ quý nhưng tường gạch mái ngói có khi đổ mái bằng một đoạn trên hàng hiên (hàng ba - như cách gọi ở Nam bộ), nền lát gạch bông của Pháp, có ô thông gió, cửa sổ hai lớp: cửa kính lấy sáng và cửa chớp bằng gỗ cho thông thoáng. Không gian nội thất nhà trên, nhà chính gồm gian giữa để thờ cúng, tiếp khách, hai gian bên là nơi sinh hoạt của nam giới, tiếp khách dịp nhà có việc đám, hai bên là gian buồng hay chái là nơi sinh hoạt của phụ nữ. Nếu có nhà bếp hay nhà ngang/dưới cũng là nơi sinh hoạt gia đình. Khu vệ sinh chung khuất ở phía sau. Trong nhà đã có nhiều đồ dùng của Pháp. Không gian nhà cổ rộng thoáng, trước là sân rộng, phía sau và xung quanh có khi là vườn cây ăn trái lâu năm, có hàng rào thưa thấp bao quanh. Chủ nhân của những ngôi nhà “Đông Tây kết hợp” này là các điền chủ, quan lại hay người giàu có, thường có nguồn gốc gia thế lâu đời.
Hơn một thế kỷ trôi qua, cùng với khu trung tâm gồm các công trình kiến trúc công cộng mang dấu ấn một thời đại, biệt thự ở đô thị với chức năng nơi cư trú của hộ gia đình đã trở thành một phần không thể thiếu của cảnh quan kiến trúc đô thị nhất là ở khu vực trung tâm thành phố, nơi lưu giữ ký ức đô thị một cách bền vững của nhiều thế hệ thị dân, cả người sống tại đó và những người sống ở khu vực khác. Bởi vì khu vực trung tâm luôn được coi là đại diện về lịch sử - văn hóa cho từng đô thị.
Hơn một thế kỷ trôi qua, cùng với khu trung tâm gồm các công trình kiến trúc công cộng mang dấu ấn một thời đại, biệt thự ở đô thị với chức năng nơi cư trú của hộ gia đình đã trở thành một phần không thể thiếu của cảnh quan kiến trúc đô thị nhất là ở khu vực trung tâm thành phố, nơi lưu giữ ký ức đô thị một cách bền vững của nhiều thế hệ thị dân. |
Tại Hà Nội và TP.HCM, do những biến động xã hội sau 1954 và sau 1975, nhiều biệt thự đã không còn là “biệt thự” nữa do bị thay đổi công năng và hình thức, thay vào đó là những tòa nhà nhếch nhác, không gian nội và ngoại thất thay đổi tùy tiện nhằm phục vụ cho những sinh hoạt mới. Có thể nói không ngoa rằng, nhiều biệt thự giữa phố đã biến thành ngôi nhà nông thôn do cơi nới xây thêm kể cả xây chuồng nuôi gia súc hay làm vườn rau! Sự biến đổi cảnh quan biệt thự phản ánh rõ nét tư duy quản lý đô thị và lối sống của một bộ phận dân cư. Các biệt thự từ sở hữu của một gia đình đã trở thành nhà tập thể của nhiều hộ gia đình, hoặc thành công sở văn phòng nhưng vẫn có những “hộ độc thân” tạm trú ở đó. Rồi dần dần không gian công sở và nhà ở xen lẫn nhau... Đời sống khó khăn và thói quen lối sống tập thể “cha chung không ai khóc” là yếu tố trực tiếp,việc chính quyền không nhận thức được giá trị của cảnh quan biệt thự như là một loại hình di sản văn hóa là nguyên nhân gián tiếp, cả hai chủ thể sử dụng và quản lý biệt thự đều không có ý thức giữ gìn bảo tồn nên đã làm biến đổi cảnh quan biệt thự theo hướng tiêu cực.
Hơn mười năm gần đây, ở TP.HCM nhiều biệt thự đã được chuyển đổi sở hữu từ tập thể sang tư nhân. Chủ sở hữu (hoặc người thuê nhà) xuất phát từ nhu cầu kinh tế, đã sửa chữa phục hồi khá nhiều biệt thự trở về cảnh quan cũ có chức năng để ở (cho người nước ngoài, Việt kiều thuê), chuyển đổi công năng thành quán ăn, quán cà phê có trang trí nội thất kiểu “Sài Gòn xưa” hoặc theo lối Âu Tây... Sự thay đổi này mang lại sức sống mới cho từng ngôi biệt thự nhưng trên diện rộng “cảnh quan biệt thự” vẫn chưa được phục hồi.
Cảnh quan của nhiều ngôi biệt thự đã biến dạng vì tư duy quản lý và nhu cầu thực dụng của con người. Ảnh TL
Theo điều tra của một cơ quan chức năng, nếu căn cứ trên số liệu nhà ở cuối thập niên 1970 thì TP.HCM hiện có khoảng 40% biệt thự đã bị xóa sổ hoàn toàn do đã phá đi xây nhà mới (thường là nhà cao tầng hoặc chia cắt khuôn viên thành mấy căn nhà phố). Số còn lại có “hình thức biệt thự” thì phần lớn đã biến dạng, xuống cấp trầm trọng khó có khả năng bảo tồn, chỉ còn số ít rải rác còn giữ cấu trúc biệt thự nhưng phần lớn chuyển đổi công năng. Biện pháp này có ý nghĩa tích cực để bảo tồn biệt thự nhưng cũng chỉ là giải pháp trước mắt, tạm thời, vì nhà hàng hay quán cà phê có thể có nhiều loại hình khác có sức hấp hẫn du khách không kém nhà hàng - biệt thự, tại đó chất lượng món ăn thức uống và giá cả, thái độ phục vụ là yếu tố quyết định chứ không chỉ là kiến trúc hay không gian của nhà hàng, quán ăn.
Do đó, để biệt thự có thể tồn tại lâu dài và tham gia phục vụ du lịch, vừa hấp dẫn du khách về giá trị kiến trúc lịch sử, vừa phải hấp dẫn bằng những câu chuyện của chủ nhân - người sinh sống ở đó, hấp dẫn bằng lối sống văn hóa Việt khi tổ chức du lịch homestay... Có như vậy khi biệt thự trở về đúng chức năng của nó thì sẽ phát huy được giá trị di sản của cộng đồng đồng thời với lợi ích kinh tế lâu dài của chủ sở hữu.
Hiện nay ở bất cứ khu đô thị mới nào cũng có không gian dành cho biệt thự bên cạnh những chung cư bình dân hay cao cấp, cạnh những căn nhà phố. Vậy tại sao vùng đô thị cũ lại không thể gìn giữ cảnh quan biệt thự? Nhà ở - số lượng và loại hình - còn là một “dấu hiệu” để nhận biết sự phát triển của xã hội, sự đa dạng và chất lượng dân cư.
Một đô thị không thể thiếu cảnh quan biệt thự. Và nếu không bảo tồn biệt thự với chức năng chủ yếu của nó thì không chừng thế hệ sau này phải định nghĩa lại “biệt thự là loại kiến trúc của nhà hàng quán ăn”!
TS. Nguyễn Thị Hậu
» Nên “thu phí phát triển” dự án nhà cao tầng
» Cuộc không chiến cao ốc lợi - hại gì cho đô thị?
» Câu chuyện lịch sử về thành phố và khảo cổ học đô thị
» Giữ bản sắc đô thị trước “miệng cá mập”
» Sài Gòn thương cảng - Trăm năm nhìn lại
» Các đô thị Việt Nam phát triển thiếu bền vững
» Sài Gòn - đứa con phi danh tính của những cuộc quy hoạch
» Đô thị - như một cách kể về đời sống
» Sài Gòn sẽ nóng hơn với cao ốc Ba Son, Tân Cảng
» Xây dựng công trình mới: Bồi thường lịch sử!
» Kiến nghị dừng quy định “chung cư phải có 3 tầng hầm”