Trong cuộc phỏng vấn nghệ sĩ Kiều Chinh cho số Người Đô Thị Tết Nhâm Dần 2022, khi nói về bìa quyển Hồi ký Kiều Chinh là bức ảnh bà đang đi trên một con phố New York (Mỹ) không bóng người, chúng tôi đã cùng nhắc tới tranh của danh họa Edward Hopper. Bức ảnh được bà chọn làm bìa ghi lại dáng hình cô độc của người nghệ sĩ trong một không gian đô hội bậc nhất thế giới. Cái chất cô-độc-ở-New York lập tức khiến người ta liên tưởng đến tranh Edward Hopper.
Ba năm trước, tôi “phải lòng” tranh Edward Hopper cũng từ cái cảm giác cô độc trong thời gian phong toả vì đại dịch và tranh Hopper được truyền thông nhắc lại với sự đồng cảm lạ kỳ. Ánh sáng tịch lặng, không gian vắng ngắt nơi những bức hoạ trứ danh của Hopper thế kỷ trước như soi vào tâm tư hoang mang của con người thế kỷ này trong cơn đại dịch. Tôi bắt đầu tìm hiểu về Hopper và phát hiện ra một New York khác hẵn với hình ảnh siêu đô thị hào nhoáng mà tôi từng biết. Tranh của Hopper đến nay vẫn không ngừng thu hút người ta khám phá cái đô thị lừng danh ấy, cả ở những người xa lạ như tôi lẫn với chính những cư dân New York.
"Chúng tôi đã sống ở khu phố này hơn 20 năm, trên một tầng lầu như thế này, ánh nắng lúc bảy giờ sáng hàng ngày đúng là vậy đó!", Greyson - người đàn ông nhờ tôi cầm điện thoại chụp cho vợ chồng ông tấm ảnh đứng cạnh bức tranh "Seven A.M" của Hopper tại Bảo tàng Whitney, giải thích. Không khó để nhận ra những người New York như Greyson có mặt trong phòng tranh, cả những đứa trẻ được cha mẹ đưa đến đây bằng xe nôi.
Là một dịp may cho tôi trong chuyến đi New York đúng lúc Bảo tàng Whitney mở triển lãm "New York của Edward Hopper" từ 10.2022 đến 3.2023) - cuộc trưng bày di sản Hopper đồ sộ nhất từ trước đến giờ. Whitney là một trong những bảo tàng hàng đầu New York, chuyên về nghệ thuật đương đại thế kỷ XX của Hoa Kỳ và là bảo tàng sở hữu bộ sưu tập Hopper lớn nhất thế giới.
Vợ chồng ông Greyson - cư dân New York chỉ vào bức tranh Seven A.M tại triển lãm:“Chúng tôi đã sống ở khu phố này hơn 20 năm, trên một tầng lầu như thế này, ánh nắng lúc 7 giờ sáng hàng ngày đúng là vậy đó!”
Edward Hopper (1882-1967) ra đời tại Nyack, một thị trấn bên sông Hudson, cách New York bốn mươi phút lái xe. 13 tuổi Hopper đã vẽ bức sơn dầu đầu tiên có chữ ký của mình. Ông theo học Trường Nghệ thuật và Thiết kế New York với hoạ sư Robert Henri - người mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực Mỹ thế kỷ XX. Trải qua giai đoạn tìm tòi thử nghiệm khá dài, ở tuổi tứ tuần tên tuổi của ông mới bắt đầu dậy sóng giới hội họa từ cuộc triển lãm năm 1924. Vài năm sau, tranh của ông có mặt tại các bảo tàng nghệ thuật hàng đầu quốc gia như The Met, MoMA, Whitney và cả thế giới. Hopper cùng với Jackson Pollock được xem là hai trụ cột của hội họa hiện đại Mỹ.
"New York là quê hương của Hopper suốt sáu thập kỷ và gắn với toàn bộ sự nghiệp của ông. Cuộc đời của ông đã chứng kiến đô thị này trải qua quá trình phát triển vượt bậc với các tòa nhà chọc trời có độ cao kỷ lục, các công trường xây dựng rầm rộ khắp năm quận hạt, và sự bùng nổ dân số ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, sự mô tả của Hopper về New York trong tranh phần lớn vẫn là không gian vắng lặng.
Ông tránh né những địa danh mang tính biểu tượng của thành phố như cầu Brooklyn hay tòa nhà Empire State, thay vào đó, Hopper tập trung sự chú ý của mình vào các kiến trúc thầm lặng và các góc khuất của đời sống, ông bị thu hút bởi sự va chạm giữa mới và cũ, thị dân và khu dân cư, công cộng và riêng tư, nắm bắt những nghịch lý của thành phố đang đổi thay... "New York của Hopper" không phải là một bức chân dung chính xác về một đô thị của thế kỷ XX mà nó biểu thị niềm đam mê lâu dài của người hoạ sĩ với thành phố của mình bằng một tầm nhìn riêng biệt về thành phố ấy.
Danh họa Edward Hopper trong căn nhà cũng là xưởng vẽ của ông ở số 3 Washington Square - nơi ông gắn bó đến cuối đời, nay trở thành một địa điểm tham quan của New York. Ảnh của Bảo tàng Whitney
Thật thú vị khi lần đầu tiên, tại triển lãm này, tôi được xem tranh cùng trải nghiệm khám phá các địa điểm trong tranh, 'di chuyển' quanh thành phố theo hành trình của người hoạ sĩ bằng bản đồ Google định vị “City Site”. Hơn 20 địa điểm trong các tác phẩm của Hopper được định vị và đối chiếu với hình ảnh địa điểm đó ở hiện tại.
Tờ The NewYorker cho rằng "đó là một ý tưởng tuyệt vời, và thật kỳ lạ là trước đây không ai nghĩ đến việc tiếp cận tác phẩm của ông ấy theo cách này”. Nhờ đó, tôi đã được biết bối cảnh thực của dãy nhà ngập nắng ở góc đường Bleecker/Carmine trong bức Sáng sớm Chủ nhật (Early Sunday Morning - 1930), đoạn cửa hầm tàu hỏa dẫn vào Manhattan ở đại lộ Park và đường 97 ở bức Tiếp cận một thành phố (Approaching a city - 1946), căn nhà ở góc đường Waverly/đường 10 nơi có Cửa hiệu thuốc tây (Drug Store -1927) hay đoạn phố trước công viên Washington Square và đại lộ Washington - nơi làm nên bức tranh Thành phố (The City - 1927)...
Để có cuộc triển lãm này, giám tuyển Kim Conaty đã dành đến bốn năm cho hơn 200 tranh ảnh hiện vật được sắp xếp theo các chủ đề và trình tự thời gian. Kết quả là người xem có trọn hành trình theo chân Hopper xuống các con phố nhỏ (chủ đề “Phác thảo New York”); lên các chuyến tàu trên cao (chủ đề “Những cửa sổ”); vào các nhà hát (chủ đề “Nhà hát”); phiêu lưu đến rìa Manhattan, về phía bắc đến Bronx, qua cầu Macomb, về phía đông đến cầu Queensborough và đảo Blackwell, phía nam đến cầu Manhattan (chủ đề “Thành phố nằm ngang”); ngắm nhìn phong cảnh thành phố từ tầm nhìn ở căn hộ số 3 Washington Square nơi hoạ sĩ cư ngụ từ năm 1913 đến cuối đời (chủ đề “Washington Square”).
Phần trưng bày tư liệu cá nhân còn cho thấy Hopper từng tranh đấu ra sao để bảo vệ tầm nhìn và căn hộ ấy khi công viên Washington Square bị thay đổi và thu hẹp bởi sự mở rộng của Đại học New York. Người xem bất ngờ khi tận mắt những bức thư thống thiết của ông gửi cho vị ủy viên công viên cây xanh thành phố, dù sau đó hoạ sĩ đã thua trong “cuộc chiến” pháp lý với Đại học New York (năm 1947) về vấn đề quy hoạch này...
Người ta cũng bất ngờ khi thấy hàng trăm cuống vé được trưng bày cho thấy việc thường xuyên đi xem biểu diễn ở nhà hát của Hopper lúc sinh thời. Nhà hát và cửa sổ là hai niềm đam mê lớn với New York của ông thể hiện trong các tác phẩm. Trước những khung-cửa-sổ-Hopper, ngay lập tức người xem được gợi lên cảm giác của một người đi bộ, một cư dân, cảm giác công cộng và riêng tư hòa với nhau. Cửa sổ căn hộ, văn phòng, cửa hàng… trong các bức tranh nổi tiếng như Những ô cửa đêm (1928) hay Căn phòng ở New York (1932) như không có lớp kính nào, như thể ta chỉ cần thò tay vào là chạm được người và vật bên trong. Và ta nhìn ngắm các cửa sổ trong những bức tranh ấy với cảm giác như đang nhìn ngắm một sân khấu, hiệu ứng này cũng xuất phát chính từ đam mê không gian nhà hát của người hoạ sĩ.
Sự chuyên tâm vào các ô cửa sổ cũng là cách nhìn về New York của Hopper. New York vốn dĩ gắn với nhà chọc trời, với tầm cao, với chiều dọc. Còn New York của Hopper gắn với chiều ngang và chiều sâu. Ông tránh xa những góc độ hào nhoáng của New York và tập trung vào những khung cảnh dễ bị bỏ qua ở thành phố danh tiếng này. Giữa sự bùng nổ của hàng loạt cao ốc chọc trời bấy giờ như Chrysler, Empire State... Hopper chọn cái nhìn về những kiến trúc thấp tầng với Sáng sớm Chủ nhật (1930), Những ngôi nhà chung cư Sông Đông (1930), Đảo Blackwell (1928), những bức đặc tả cửa sổ hay toàn cảnh các cây cầu… đều nằm trong cái nhìn về "thành phố nằm ngang" của ông.
Bức Sáng sớm Chủ Nhật là một điển hình của khuynh hướng “thành phố nằm ngang” và cũng là một điển hình dự báo sự cô đơn ở con người- được nhắc đến trong đại dịch vừa qua. Bức tranh mô tả dãy cửa hàng bên dưới tòa nhà gạch đỏ hai tầng với vỉa hè không một bóng người vào thời điểm sớm nhất trong ngày. Với New York “thành phố không bao giờ ngủ" việc mô tả cảnh vật thế này rất hiếm. Nhìn vào bức tranh, sự thiếu vắng hoạt động của con người không phải là sự yên tĩnh, thanh bình mà là cảm giác bị phớt lờ, lãng quên. Đó cũng chính là cảm giác đáng sợ mà những con phố thương mại nhộn nhịp của các đô thị từng gánh chịu trong thời kỳ đỉnh cao của dịch bệnh.
Phòng triển lãm “New York của Edward Hopper” thu hút rất đông người xem yêu mến thành phố này. Ảnh của Bảo tàng Whitney
Nhưng không phải chỉ đến thời đại dịch Covid các tác phẩm của Hopper mới được nhắc lại như một biểu tượng dự báo cho sự cô đơn của con người. Năm 1995, bức tranh Automat (1927) của Hopper với hình ảnh người phụ nữ ngồi một mình giữa đêm trong cửa hàng thức ăn tự phục vụ đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time “20th Century Blues” cùng tiêu đề “Căng thẳng, lo lắng, trầm cảm: nghiên cứu mới về tâm lý học tìm ra nguồn gốc của các căn bệnh hiện đại trong gene của chúng ta".
Tôi đã được ngắm bức tranh Automat ấy tại triển lãm này, hút mắt vào đó, và tự hỏi: đã 50 năm kể từ khi Hopper qua đời, tranh của ông vẫn không ngừng được nhắc lại, tại sao? Phải chăng do Hopper đã biến những không gian mang tính biểu tượng của Mỹ như quán ăn, trạm xăng, căn hộ, cửa hàng thuốc tây, văn phòng, rạp hát... thành những không gian của tâm trạng và sự chiêm nghiệm về đời sống trong thế giới này. Sự tương phản của ánh sáng và bóng râm sắc nét, quen thuộc mà bí ẩn, gợi ra những ký ức cá nhân, nhắc nhở chúng ta rằng trạng thái sâu xa của con người là sự cô độc, ngay cả đô thị náo nhiệt bậc nhất thế giới cũng không khoả lấp được nỗi cô độc ấy.
Nhưng, Hopper không chỉ là đơn thuần là nhà dự báo về xúc cảm xã hội, ông còn là một nhà kiến trúc đô thị bằng trí nhớ và sự sáng tạo. Được coi là họa sĩ tiêu biểu của "chủ nghĩa hiện thực" nhưng từ triển lãm này, theo bình luận của hầu hết các tờ báo Mỹ, Hopper đã được nhìn nhận là một "kiến trúc sư đô thị giả tưởng". Những khung cảnh tổng hợp, những chi tiết tưởng tượng được lắp ráp trong tâm trí của Hopper từ ký ức sâu đậm về New York được ông chắt lọc để đưa vào thành phố của mình trong những tác phẩm cuối đời. Sự chắt lọc đó mang đến một biểu tượng có thể là New York hoặc có thể là bất kỳ thành phố nào. Ở chủ đề "Hiện thực và tưởng tượng" trong cuộc triển lãm, những nhân vật đơn độc quen thuộc của Hopper đã sải bước trên sân khấu đô thị tưởng tượng đó của ông trong các bức Văn phòng ở một thành phố nhỏ (1953), Ánh dương trên Brownstones (1956), Mặt trời buổi sáng (1952)...
Cuộc triển lãm đã thành công khi mang đến cho khách du lịch và những người dân New York cái nhìn mới và nhu cầu khám phá cái thành phố mà họ nghĩ rằng họ đã biết. Nó thôi thúc tôi bước ra đường phố, trở lại những góc phố mà tôi có thể đã từng đi qua nhiều lần, như ở khu Greenwich, mà chưa bao giờ thực sự biết nó có một lịch sử hội họa sống động đến thế nào trong tranh Hopper. Đó như là một sự mời gọi ta hãy tự tìm ra cho chính mình một bản đồ thành phố.
Tác giả bài viết trước bức tranh Căn phòng ở New York (1932) - một khung cửa sổ nổi tiếng của phong cách Hopper
Với tôi, sau cuộc triển lãm này còn là nghĩ ngay về Sài Gòn: bản đồ Sài Gòn ở đâu trong tâm trí chúng ta? Những ngày vào Facebook thấy trang của Bảo tàng Whitney vẫn chạy dòng quảng cáo "Đừng bỏ lỡ New York của Edward Hopper - một bức thư tình cho thành phố chúng tôi từ người hoạ sĩ yêu quý đã nắm bắt được thành phố này một cách xuất sắc nhất", tôi bỗng nhớ Phạm Công Luận, Phúc Tiến, Cù Mai Công... những người cùng thời đang vẽ lại Sài Gòn bằng chữ, những người đang nỗ lực viết "thư tình” cho thành phố của mình, đang tìm cách nắm bắt một đô thị với hồn cốt đã từng của nó.
Khi nghe Greyson, một người New York gặp ở Bảo tàng Whitney, chỉ vào bức tranh Seven A.M nói: "Chúng tôi đã sống ở khu phố này hơn 20 năm, trên một tầng lầu như thế này, ánh nắng lúc 7 giờ sáng hàng ngày đúng là như vậy!", tôi nhớ ngay đến bài Tiếng rao trên đường phố Sài Gòn 1943 trong Chuyện đời của phố tập 4 của Phạm Công Luận. Bài viết có trích lại bài của E. Berges - một người Pháp từ hơn 70 năm trước đã ghi chép tỉ mỉ và sinh động về những lời rao hàng trên đường phố Sài Gòn, có đoạn: “5 giờ chiều, dài theo đường Legrand de la Liraye (Điện Biên Phủ) cất lên giọng rao ngắn của cô bán cháo cá “Ai ăn cháo cá, bún không?”… Trên đường Pellerin (Pasteur) những đứa bé tiếp tục đi bán, ngoác mồm rao lớn, không để ý đến giờ nghỉ trưa vì lúc đó mới gần 2 giờ trưa: “Đậu phộng rang, hạt dưa không!”…”.
Tiếng rao lúc 5 giờ chiều và lúc 2 giờ trưa mỗi ngày ấy, cái ký ức tập thể về âm thanh của đường phố Sài Gòn ấy có khác gì cái ánh nắng của Bảy giờ sáng trên một con phố New York mà Hopper đã vĩnh viễn để lại trong tranh cho hậu thế? Những câu rao hàng vang lên là một sa bàn định vị những con đường Sai Gòn - có khác gì bản đồ “City Site” định vị tranh Hopper ở New York trong cuộc triển lãm tôi vừa xem?
Trong bài Thay lời bạt cho quyển tản văn Hồn đô thị của Phạm Công Luận (phát hành tháng 8.2022) tôi có viết: "Đọc năm cuốn sách (Sài Gòn - Chuyện đời của phố), cảm nhận đặc biệt rõ ràng nhất với tôi là... luôn được tưởng tượng. Bởi Sài Gòn có quá nhiều điều mình chưa từng biết đến và nếm trải, mà với tư liệu đầy đặn và giọng văn trầm tĩnh tác giả đã nhẹ nhàng bật lên những đoạn phim gợi mở. Để người đọc - như tôi - luôn ước ao mỗi đoạn phim ấy rồi sẽ trở thành một bộ phim hoàn chỉnh về những chân dung Sài Gòn… Một cuốn sách có thể làm cho ta mộng mơ ước đoán là cái được lớn của người đọc".
Thật thú vị khi biết rằng nghệ thuật tạo hình trong tranh Hopper cũng có sức ảnh hưởng lớn với điện ảnh Mỹ, là nguồn cảm hứng cho khá nhiều đạo diễn trứ danh Hollywood khi làm phim như Afred Hitchcock, anh em Joel & Nathan Coen, David Lynch, Terrence Malick, Wim Wenders, Sam Mendes… Cũng như tranh của Hopper luôn khiến người xem mộng mơ ước đoán như phong cách của ông trong loạt tranh cuối đời "Hiện thực và Tưởng tượng" để người xem tự tìm cho mình: New York của bạn ở đâu?
“New York của Hopper” làm tôi nhớ Sài Gòn của tôi quá, bối cảnh New York nửa đầu thế kỷ trước cũng tương đồng với Sài Gòn hôm nay về sự đổi thay đến chóng mặt của một đô thị đang phát triển. Tranh của Hopper ở góc độ nào đó là sự hoài niệm về một New York của thời thơ ấu và sự hoài nghi về một đô thị đang trên đà hiện đại hóa, kéo theo những đổi thay về đời sống và tâm lý của thị dân trong cơn lốc ấy.
Và trên hết, "New York của Hopper" cho tôi thấy một người nghệ sĩ gắn bó mật thiết với thành phố của mình đã có thể lưu danh thành phố ấy ra sao.
Rồi những nghệ sĩ nào sẽ lưu danh Sài Gòn như Edward Hopper đã lưu danh New York?
"Triển lãm là sự giới thiệu toàn diện về cuộc sống và công việc của Hopper, từ những ấn tượng ban đầu của chàng trai trẻ về New York trong các bản phác thảo, bản in, minh họa báo chí, thư từ... cho đến những bức tranh cuối đời trong đó thành phố đã trở thành bối cảnh cho những kiến tạo đô thị đầy sức gợi mở của ông. Triển lãm mang đến một cái nhìn mới mẻ về hoạ sĩ lừng danh này - người đã coi chính thành phố là diễn viên trong một cuộc trình diễn", Trích lời giới thiệu của Bảo tàng Whitney về cuộc triển lãm.
Bài và ảnh: Thúy Hà