Sự việc một ngư dân ở Bến Tre bắt được một con “cá khủng” dài hơn 2m, nặng khoảng 150kg khi thả lưới trên sông Cổ Chiên vào chiều 15.5 lập tức tạo nên sự chú ý của người dân địa phương, rồi lan ra cộng đồng rộng rãi khác sau khi báo chí đưa tin, mạng xã hội chia sẻ.
Tưởng rằng loại thông tin kích thích hiếu kỳ này sẽ nhanh chóng lắng xuống thì lần này, câu chuyện lại bắt đầu tạo ra những tranh luận mới. Đó là khi danh tính con cá khủng này được xác định là cá heo nước ngọt Irrawaddy (Cá nược Minh Hải) – tên la tinh là Orcaella brevirostris. Và khi nhận ra con cá khủng mà dân bắt được trên sông Cổ Chiên là động vật hoang dã quý hiếm (thậm chí tưởng chừng đã tuyệt chủng), cán bộ hữu trách của một số viện, trung tâm bảo tồn đã tìm tới nhà ngư dân để tìm hiểu cũng như đề nghị tiếp nhận cá thể cá heo nước ngọt này, kèm theo một ít kinh phí hỗ trợ. Tuy nhiên, ngư nhân bắt được cá lại ra điều kiện chỉ giao cá nếu được hỗ trợ 40 triệu đồng. Sự cù cưa này dẫn đến việc suốt ba ngày qua do chưa có cơ quan nào đáp ứng nguyện vọng trên nên ngư dân đang có ý định xẻ thịt cá...
Con cá nặng 150kg được ngư dân bắt được trên sông Cổ Chiên. Ảnh: Đông Hà - PLO.VN
Đây không phải là lần đầu tiên ngư dân Việt Nam bắt được cá heo nước ngọt Irrawaddy. Nhưng có một sự thật không mấy tự hào, đó là loài cá quý hiếm này mỗi lần được phát hiện ở Việt Nam thì đã rơi vào trạng thái tử vong, thậm chí chết không toàn thây. TS Ngô Văn Trí, nhà nghiên cứu động vật, chia sẻ câu chuyện rằng vào tháng 4.2002, ngư dân tỉnh An Giang bắt được loài cá heo lạ trên sông Tiền, nhưng chú cá heo này đã chết và được chôn ở một cù lao trên sông. Biết tin, tổ Sinh thái học và Phát triển thuộc viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM nhận định đây là cá heo nước ngọt Irrawaddy quý hiếm xuất hiện trở lại sau gần 30 năm vắng bóng nên đã tiến hành một đợt khảo sát ngắn ngày nhằm thu thập chiếc sọ của nó. Tuy nhiên, các bợm nhậu đã đào xác cá lên và xẻ thịt!
Dựa vào hình ảnh chụp rất rõ về loài cá heo lạ, các tác giả Hoàng Đức Đạt, Ngô Văn Trí, Nguyễn Xuân Thư đã định danh được đây chính là loài cá heo nước ngọt Irrawaddy – Orcaella brevirostris (Gray, 1866), loài cá quý hiếm của sông Mekong. Và thông tin này cũng được các tác giả đăng tóm tắt cùng với những đề nghị khảo sát để đánh giá số lượng và tình trạng phân bố của loài này ở Việt Nam trong hội thảo quốc gia về đất ngập nước Việt Nam diễn ra tháng 10.2002. Ba năm sau, đại học James Cook (Úc), đại học Cần Thơ, với sự hợp tác của chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản các tỉnh đã thực hiện một cuộc khảo sát trên sông Tiền và sông Hậu, nhưng kết quả chỉ thu được một tấm hình cá heo nước ngọt bị chết vào những năm trước đó.
Theo TS Ngô Văn Trí, dựa vào các tài liệu nghiên cứu của Lloze (1973), cá heo nước ngọt Irrawaddy được ghi nhận ít nhất bốn lần ở gần cửa sông Mekong của Việt Nam và gần quần đảo Hải Tặc, biển Tây Nam nước ta. Hơn 20 năm sau, các đợt khảo sát phối hợp nhằm tìm kiếm loài cá heo này của các tổ chức Bảo tồn công viên biển Hong Kong, Clymene Enterprise, California (Mỹ), viện Nghiên cứu khoa học về biển Burapha (Thái Lan), viện Nghiên cứu biển Hải Phòng và Nha Trang, nhưng vẫn chưa tìm thấy bất cứ mẫu vật hoặc thông tin của chúng ở Nam Việt Nam (Jefferson và các đồng nghiệp, 1995).
Trên thế giới, cá heo Irrawaddy phân bố ở các nước Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia và Philippines. Loài cá heo này đã được Sách đỏ thế giới IUCN liệt vào tình trạng cực kỳ nguy cấp (CR) cần được bảo vệ; Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cũng xếp Orcaella brevirostris nằm trong mục cấm buôn bán vì mục đích thương mại. Một số liệu công bố của WWF vào năm 2011, cho thấy cá heo Irrawaddy còn khoảng 85 cá thể đang sống trên sông Mekong, từ khu vực thác Kratie đến biên giới Lào và Campuchia. Kèm theo đó là cảnh báo chúng đang đối diện thực trạng suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng cao. Còn ở Việt Nam, theo TS Ngô Văn Trí, sau gần 30 năm loài cá heo này đã xuất hiện và đáng tiếc là bị dính lưới chết ở sông Tiền vào năm 2002 như đã nói: có thể sông Tiền và sông Hậu chính là hành lang di chuyển của loài cá heo này.
Trở lại câu chuyện ngư dân bắt được cá heo sông và ra giá 40 triệu mới giao xác loài động vật quý hiếm này, mới thấy công tác bảo tồn ở Việt nam còn rất nhiều bất cập. Điều này thể hiện không chỉ ngay ở sự lúng túng của cơ quan hữu trách các cấp cụ thể trong xử lý sự vụ mà còn ở truyền thông bảo tồn cho cộng đồng việc ứng xử với các loại sinh vật quý hiếm được pháp luật bảo vệ cũng dường như thất bại. Quyết định 82/2008/QĐ-BNN Về việc công bố danh mục các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xếp Orcaella brevirostris vào nhóm Các loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn (VU). Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT về danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, cũng xướng tên Orcaella brevirostris (hay Irrawaddy dolphins) thuộc họ cá heo mỏ (Delphinidae/Dolphins), bộ cá voi.
Còn quy định trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ, về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đó là: Suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 10 năm gần nhất hoặc ba thế hệ cuối tính đến thời điểm đánh giá; hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 10 năm hoặc ba thế hệ tiếp theo tính từ thời điểm đánh giá; Nơi cư trú hoặc phân bố ước tính dưới 500 km2 và quần thể bị chia cắt nghiêm trọng hoặc suy giảm liên tục về khu vực phân bố, nơi cư trú…
Ngoài ra, ở mục 3 điều 16 của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, cũng nêu rõ: Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện cá thể loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên, bị lạc, bị thương hoặc bị bệnh phải thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ sở cứu hộ nơi gần nhất; các hành vi khai thác, lưu giữ, vận chuyển, trao đổi, mua bán, tặng cho trái phép phải báo cho các cơ quan thực thi pháp luật nơi gần nhất để kịp thời xử lý. Nhà nước có chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, khai báo các hành vi vi phạm pháp luật về loài được ưu tiên bảo vệ.
Trường hợp loài sinh vật quý hiếm, xếp vào nhóm nguy cơ tuyệt chủng lớn, vô tình sa lưới của ngư dân và bị chết thì không nỡ trách tội; nhưng biết là động vật quý hiếm, không những không bàn giao cho cơ quan chức năng mà còn có ý định xẻ thịt (như báo chí đưa tin), thì nguy cơ đối diện với các biện pháp chế tài của pháp luật là rất rõ. Không bảo vệ được loài cá quý đã là bước hụt của bảo tồn. Nhưng thiếu dứt khoát trong khi quy định pháp lý đã rất rõ ràng, để rồi ngư dân thôn quê vướng vào lao lý thì đó có thể coi là sự thất bại của pháp luật.
Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được quy định, hướng dẫn tại Điều 244 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau: Người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Theo Công an Nhân dân, chiều 17.5, Chủ tịch UBND xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), cho biết sau 2 ngày được thuyết phục, ngư dân đã đồng ý giao cá khủng dài hơn 2 m và nặng khoảng 150 kg cho ngành chức năng, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Đơn vị tiếp nhận hỗ trợ số tiền 5 triệu đồng cho ngư dân và nhận cá phục vụ công tác nghiên cứu.
Trung Dũng