Hạn hán nghiêm trọng 5 năm 1 lần
Mới đây, Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á – Thái Bình Dương (UNESCAP) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã công bố báo cáo nhan đề "Sẵn sàng cho những năm khô hạn: Xây dựng khả năng chống chịu hạn hán ở Đông Nam Á".
Phân tích mới về dữ liệu quan sát và dự báo khí hậu trong báo cáo cho thấy: Đông Nam Á từ lâu đã phải hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra trung bình 5 năm một lần. Trong 2015 và năm 2018, khu vực đã trải qua những đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận trong hai thập kỷ qua, cùng lúc ảnh hưởng đến hơn 70% diện tích đất và hơn 325 triệu người.
Các nguyên nhân gây ra nguy cơ hạn hán ở Đông Nam Á rất phức tạp và có sự khác biệt đáng kể giữa các năm. Hạn hán bị ảnh hưởng nặng nề bởi các tác nhân khí hậu khác nhau, chủ yếu là Dao động phương Nam (ENSO) và Lưỡng cực Ấn Độ Dương (IOD). Tuy nhiên, bất chấp sự phức tạp này, các xu hướng rõ ràng cho thấy nguy cơ hạn hán đang gia tăng trên toàn khu vực.
Tại Campuchia, trong năm 2020, quốc gia này cũng phải đối diện với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Tháng 8.2020, Ủy ban Quốc gia về quản lý thảm họa của Campuchia thông tin hạn hán đã khiến 40.000 hécta lúa trồng từ tháng 5, tháng 6, bị đe dọa vì thiếu nước trong khi 5.000 hécta khác cũng chịu thiệt hại. Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hạn hán là Battambang, Banteay Meanchey và Kampong Thom.
Báo cáo thường niên năm 2019 của Ủy hội sông Mekong (MRC) công bố ngày 16.6 cho biết tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu sông Mekong (LMB) đã gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trước đó, tình trạng hạn hán trong năm 2016 đã khiến Thái Lan bị thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ước tính lên tới khoảng 1,7 tỷ USD. Đầu năm 2020, Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan (RID) cũng phải đẩy nhanh công tác xây dựng 421 khu vực trữ nước trên tổng diện tích 192.000 hécta để chống chọi với tình trạng hạn hán.
Tại Việt Nam, trong năm 2020, tình trạng hạn, mặn cũng diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tháng 9.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phải có Chỉ thị 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL.
Chỉ thị nêu rõ, từ đầu mùa lũ năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mekong ở mức rất thấp; Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho ĐBSCL trong các tháng mùa khô hiện mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m3 nước, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỷ m3 và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ m3 nước.
Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ĐBSCL theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020-2021 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015-2016, 2019-2020…
Chuẩn bị cho những đợt hạn hán tới
Theo Thư ký điều hành UNESCAP Armida Salsiah Alisjahbana và Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, điều quan trọng là cần phải nắm rõ các đợt hạn hán tái diễn và đại dịch hiện nay đang tương tác như thế nào với nhau, từ đó xác định các chính sách phù hợp để có thể giải quyết đồng thời các cuộc khủng hoảng này.
ASEAN và ESCAP đang hợp tác nhằm ngăn chặn các tác động tàn phá của hạn hán bằng cách thúc đẩy thay đổi mô hình theo hướng quản lý và điều hành rủi ro hạn hán thích ứng hơn. Sự hợp tác này được duy trì theo một phương pháp tiếp cận khoa học và hướng tới tương lai đối với các nguy cơ hạn hán. Các can thiệp chính sách thích ứng phải hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất và những người bị tụt hậu xa nhất trong khu vực.
Các biện pháp can thiệp này phải tuân theo ba đường lối chính sách rõ ràng nhằm giảm thiểu và ngăn chặn hạn hán; chuẩn bị và ứng phó với hạn hán; khôi phục và phục hồi sau hạn hán.
Thư ký điều hành UNESCAP và Tổng thư ký ASEAN cho rằng các chính phủ cần tận dụng cơ hội để ứng phó với thách thức này. Cụ thể, cần có những hành động ứng phó với rủi ro ngay từ bây giờ nhằm ngăn chặn nguy cơ hạn hán trở thành một cuộc khủng hoảng; các chính phủ có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm và chuyên môn sâu rộng của ASEAN thông qua hợp tác khu vực rộng lớn hơn, được thúc đẩy bởi chương trình nghị sự của ASEAN về hạn hán và Tuyên bố ASEAN về tăng cường thích ứng với hạn hán mới được thông qua.
Điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với khu vực là xây dựng khả năng chống chịu với hạn hán. Thông qua hợp tác, ASEAN có thể giảm thiểu tác động của hạn hán trong tương lai và đảm bảo toàn bộ Cộng đồng ASEAN sẽ sẵn sàng cho những năm khô hạn sắp tới.
Quan hệ đối tác bền chặt giữa Liên hợp quốc, ASEAN và các chính phủ và các bên liên quan khác là điều cần thiết để đối phó với các tình huống thời tiết và khí hậu khắc nghiệt ngày càng phức tạp và không chắc chắn, cũng như tác động của các rủi ro thiên tai xuyên quốc gia.
PV