Ngư dân thả lưới tại sông Mekong, đoạn chảy qua thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Ảnh: Internet
Ông Jona nói với hãng tin Reuters rằng chính phủ Campuchia tiếp thu ý kiến từ nghiên cứu của các nhà tư vấn Nhật Bản, khuyến nghị Campuchia tìm kiếm năng lượng từ nguồn khác.
"Theo nghiên cứu, chúng tôi cần phát triển than, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), năng lượng mặt trời và nhập khẩu từ các nước láng giềng. Tôi không thể tiết lộ chi tiết kế hoạch tổng thể của chính phủ", ông Jona nói hôm 18.3.
Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ Campuchia khẳng định rằng, theo kế hoạch 10 năm, từ năm 2020 đến năm 2030, quốc gia Đông Nam Á này sẽ không xây đập chính trên dòng sông Mekong.
Campuchia trước đó công bố kế hoạch xây hai đập tại Sambor và Stung Treng, nhưng cả hai dự án đều đang bị hoãn. Quyết định của Campuchia đồng nghĩa với việc Lào sẽ trở thành quốc gia duy nhất tại lưu vực hạ lưu sông Mekong lên kế hoạch phát triển thủy điện trên sông Mekong. Trong vòng 6 tháng qua, Lào đã xây thêm 2 con đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mekong.
Các nhà hoạt động môi trường trước đó cảnh báo các con đập sẽ gây hại cho nghề cá và canh tác dọc hạ lưu sông Mekong với chiều dài 2.390 km. Con sông có dòng chảy từ Trung Quốc, qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã nuôi dưỡng nhiều ngư trường và đất nông nghiệp trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, tình trạng hạn hán kỷ lục và lượng cá đánh bắt thấp năm vừa qua tại khu vực sông Mekong được các chuyên gia nhận định là do ảnh hưởng của các đập thủy điện trên thượng nguồn cùng với nguyên nhân biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức.
Trang Nhung