Đây là một trong những nội dung đã được trình bày tại tọa đàm về “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” do GreenID tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Hạn mặn năm 2016 là một hiện tượng thời tiết cực đoan 90 năm mới xảy ra lần đầu, chưa thể được coi là lý do để vội đưa ra các giải pháp gây hối tiếc cao cho ĐBSCL. Ảnh: TL
Tại tọa đàm, theo ThS. Thiện, ĐBSCL được xem là một trong những vùng dồi dào nước trên thế giới. Tổng dòng chảy trung bình/năm của sông Mekong là 475 tỉ m3, trong đó mưa tại chỗ ở ĐBSCL chiếm 11%, tức chiếm 52 tỉ m3.
Lượng nước ngọt đồng bằng có thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) và thủy điện, kéo theo là xâm nhập mặn. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của nguồn nước hiện nay ở đồng bằng nằm ở chất lượng nước mặt, dẫn tới sự khai thác nước ngầm quá mức, gây sụt giảm mực nước và sụt lún đất.
Thống kê đến nay, đồng bằng có hơn 1 triệu giếng khoan nước ngầm. Các kết quả nghiên cứu công bố của nhiều tổ chức mới đây đều cho thấy, tình trạng này đã gây sụt giảm mực nước ngầm nghiêm trọng, trung bình khoảng 26 cm/năm (từ 9 – 78 cm/năm) trên toàn đồng bằng; hơn 15 m ở vùng Cà Mau từ năm 1990.
Đặc điểm nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, mùa nước nổi, mùa khô là cái nền tạo ra sinh thái, sinh kế, lối sống và văn hóa của ĐBSCL. Ảnh: Lê Quỳnh
Kéo theo đó là tình trạng sụt lún đất, trung bình toàn đồng bằng 1,6 cm/năm. Có những vùng mức độ sụt lún rất lớn, như ở Sóc Trăng, từ năm 1991 - 2015 đã sụt lún tổng 35 cm, riêng trong năm 2015 đã sụt lún 2,5 cm... Khuyến cáo của các nhà khoa học, nếu tốc độ khai thác nước ngầm như hiện nay tiếp diễn, tổng sụt lún đến năm 2050 (so với năm 1990) là 0,88 cm.
Cũng vậy, nhìn lại thực tế những năm vừa qua cho thấy thực trạng bất cập của hàng loạt các dự án ngăn mặn, ngọt hóa đã được triển khai ở ĐBSCL, cắt đứt sự liên thông giữa sông và biển. Nhiều công trình chưa sử dụng đã phải bỏ tiền ra đập bỏ vì không phát huy hiệu quả.
Ví dụ như, đầu những năm 1990, dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp ngọt hóa bán đảo Cà Mau được triển khai với 1.400 tỉ đồng với hàng trăm công trình cống đập, đê biển, đê sông ngăn mặn, giữ ngọt. Nhưng chỉ riêng năm 2008, Cà Mau đã phải bỏ 2,8 tỉ đồng phá dỡ 83 cống bê tông ngăn mặn, ém phèn không còn phát huy hiệu quả mà trở thành vật cản giao thông thủy…
Chưa kể, thực tế mọi nguồn nước thải hiện nay ở ĐBSCL đều đổ ra kênh rạch, sông ngòi. Thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm có từ 2 - 3 triệu tấn phân bón, 100.000 tấn nông dược đổ ra sông ngòi…
Theo ThS. Thiện, ảnh hưởng triều là một yếu tố sống còn của ĐBSCL. Lực sông và lực biển tranh chấp tạo ra sự cân bằng động, gồm 3 vùng: ngọt mặn, và vùng nước lợ ở giữa. Trong đó, vùng nước lợ rất giàu thủy sản, quan trọng về sinh thái. Sự tương tác với thủy triều làm sạch sông ngòi, sinh thái ĐBSCL.
Vì vậy, đặc điểm nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, mùa nước nổi, mùa khô là cái nền tạo ra sinh thái, sinh kế, lối sống và văn hóa của ĐBSCL.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ, cần tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên mà thuận thiên; giảm lúa vụ ba; chuyển từ tư duy tăng gia sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; không xây thêm nhà máy nhiệt điện than (quy hoạch ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than đến năm 2030 - PV).
Vì vậy, tại tọa đàm, nhiều chuyên gia nhìn nhận, nếu thực hiện tốt Nghị quyết 120, ĐBSCL sẽ biến thách thức thành cơ hội, nước mặn không còn bị xem là kẻ thù. Vùng nước lợ không bị xóa sổ; tác động thủy triều không bị xóa sổ. Sông ngòi được chảy thông thoáng, sẽ có khả năng tự làm sạch. Nước sông được phục hồi, sử dụng được, Giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún đất,…
Lê Quỳnh