Cách chăm sóc tim mạch giúp phòng ngừa biến cố

 23:16 | Thứ ba, 29/10/2024  0
Việc dự phòng là không chờ đợi. Chúng ta không chờ đợi đến khi có những biểu hiện của bệnh hay đã xảy ra biến cố mới bắt đầu thay đổi lối sống.

Các bệnh lý tim mạch thường có các yếu tố nguy cơ gây bệnh, càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh và nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, phụ nữ béo phì, có biến cố trong thai kỳ, mắc bệnh lý phụ khoa, mãn kinh sớm… dễ có những bệnh lý tim mạch hay biến cố sớm. Hút thuốc lá chủ động và thụ động đều ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch.

Người có càng nhiều những vấn đề sau đây càng có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch: béo phì, ít vận động, tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu cao…

Cả khi chưa có hay đã có vấn đề tim mạch đều nên ăn nhiều rau xanh, cá, đồng thời giảm bớt lượng mỡ, thịt, hải sản.


Nhận diện sớm các nguy cơ

Như khẩu hiệu của Liên đoàn Tim mạch Thế giới 2024, mỗi chúng ta phải nhận diện được bản thân đang có những yếu tố nguy cơ nào, từ đó chủ động tầm soát các bệnh lý này. Người khỏe mạnh nên dành thời gian kiểm tra sức khỏe mỗi năm, gồm đo huyết áp, thực hiện các xét nghiệm máu thường quy (đường máu, bộ mỡ trong máu, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, chức năng thận). Đó là bước sơ khởi để tầm soát một số yếu tố nguy cơ.

Với những trường hợp khác, tùy theo nguy cơ, có thể phải đo điện tâm đồ, siêu âm tim, X-quang phổi. Dựa theo yếu tố nguy cơ của từng cá nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể, chẳng hạn tầm soát thêm xơ vữa động mạch dưới lâm sàng bằng siêu âm doppler động mạch cảnh, siêu âm động mạch chủ bụng, siêu âm mạch máu.

Nếu bệnh nhân có yếu tố tăng huyết áp, bắt buộc phải xét nghiệm nước tiểu tìm đạm niệu; siêu âm tim, điện tâm đồ để khảo sát độ dày thành tim.

Bác sĩ có thể giúp đỡ trong việc phát hiện sớm bệnh hoặc tầm soát những yếu tố nguy cơ nhưng bản thân mỗi người cần chủ động đến gặp bác sĩ để bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình.

Để đảm bảo sức khỏe tim mạch, người dân cần có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện những vấn đề tiềm ẩn. Ảnh: CTV


Chủ động dự phòng biến cố

Việc dự phòng là không chờ đợi. Chúng ta không chờ đợi đến khi có những biểu hiện của bệnh hay đã xảy ra biến cố mới bắt đầu thay đổi lối sống. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã đưa ra thông điệp về việc chủ động dự phòng.

Đầu tiên là về ăn uống. Một chế độ ăn uống lành mạnh vô cùng quan trọng trong việc dự phòng các bệnh lý tim mạch, chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch… Không cần phải quá kiêng khem nhưng nên hạn chế muối, chất béo, chất ngọt, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ calo để duy trì các hoạt động thường ngày.

Cả khi chưa có hay đã có vấn đề tim mạch đều nên ăn nhiều rau xanh, cá, đồng thời giảm bớt lượng mỡ, thịt, hải sản.

Thứ hai là tập luyện thể dục. Nên có chế độ vận động, tập luyện ngay từ trẻ. Các nghiên cứu chỉ ra, những người vận động thể lực đều đặn sẽ giảm được nguy cơ mắc và gặp các biến cố do bệnh lý tim mạch.

Thứ ba, thuốc lá cực kỳ độc hại, không chỉ đối với sức khỏe tim mạch mà còn liên quan đến các bệnh lý về phổi, hô hấp, ung thư. Chúng ta cần tuyệt đối nói không với thuốc lá.

Thứ tư, trong những năm gần đây, stress và căng thẳng được bàn luận khá nhiều. Chúng ta cần có kế hoạch quản lý stress hiệu quả vì đây là yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng.

Thứ năm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến chất lượng giấc ngủ. Ngủ đủ và ngủ ngon cũng góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Thứ sáu, bệnh nhân đều cần có phương án quản lý thật tốt các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Chẳng hạn nếu có béo phì, người bệnh phải giảm cân triệt để. Cộng đồng cần ý thức được rằng béo phì không còn là vấn đề cân nặng mà là một căn bệnh tương đương với đái tháo đường, tăng huyết áp.

Nếu có tăng huyết áp, người bệnh phải tuân thủ điều trị để đạt được huyết áp mục tiêu. Đái tháo đường, rối loạn lipid máu đều cần điều trị thật tốt.

Để đảm bảo sức khỏe tim mạch, người dân cần có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện những vấn đề tiềm ẩn thông qua xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm,…

TS-BS. Trần Hòa

(Tổng Thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam - Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.