Cách ly COVID-19 tại khách sạn, khu du lịch cần lưu ý gì?

 11:44 | Thứ năm, 26/03/2020  0
Theo quyết định 1246 của Bộ Y tế, từ ngày 22.3, những người cách ly thực hiện chi trả toàn bộ chi phí cách ly tại khách sạn và hiện có hơn 150 khách sạn trên cả nước đăng ký cơ sở cách ly tập trung…

Trước thực trạng các cơ sở cách ly tập trung đang trong tình trạng quá tải, việc các khách sạn, resort đăng ký làm cơ sở cách ly y tế tập trung đã thể hiện trách nhiệm của khối tư nhân cùng với nhà nước chung tay đẩy lùi dịch Covid 19. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên làm việc tại khách sạn, về những điều cần biết cho những người người đến cách ly...

Phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với  PGS -TS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, về nội dung này:

Thưa bà, hiện nay nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú đăng ký làm nơi cách ly y tế tập trung, vậy những cơ sở này phải đáp ứng những điều kiện gì?

PGS -TS Lê Thị Anh Thư: Các khách sạn đăng ký làm khu cách ly tập trung phải thực hiện theo đúng Quyết định 1246 của Bộ y tế ban hành ngày 20.3 về Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế  tập trung tại khách sạn.

PGS-TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM.

Các khách sạn này phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu (điện, nước, khu vệ sinh, nhà tắm), đảm bảo thông thoáng khí, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển người được cách ly, tiếp tế hậu cần và vận chuyển chất thải đi xử lý… Các khách sạn được chấp nhận làm cơ sở y tế cách ly tập trung không được nhận khách lưu trú nào khác.

Các khách sạn tự nguyên đăng ký với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 để được phê duyệt tham gia thực hiện hình thức cách ly y tế tập trung tại khách sạn do người được cách ly tự nguyện chi trả tự nguyện.

Sau khi có quyết định thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung của chính quyền địa phương, cơ sở khách sản phải chuẩn bị những phương tiện đầy đủ, bố trí trạm gác 24/24 để tiếp đón khách, các phương tiện vào- ra đều phải khử khuẩn, các chất thải đều phải xem như chất thải lây nhiễm.

Do đó đều phải bỏ vào trong bao rác màu vàng có dán nhãn và xử lý như rác thải lây nhiễm tại bệnh viện

Đội ngũ nhân viên phục vụ tại các khách sạn được lựa chọn làm nơi cách ly y tế tập trung cần phải làm gì để hạn chế sự lây nhiễm trong quá trình làm việc, thưa bà?

Đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc tại khách sạn rất quan trọng. Trung tâm y tế địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn cho nhân lực phục vụ các dịch vụ trực tiếp cho việc cách ly như nhân viên lễ tân, nhân viên buồng phòng, vệ sinh khử khuẩn, nhân viên phục vụ suất ăn… về đường lây truyền virus Covid-19 và nguyên tắc phòng ngừa ra làm sao. Họ phải được tập huấn những biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn cơ bản như rửa tay, cách đeo khẩu trang, cách mặc và cởi  những đồ phòng hộ để có thể chủ động hơn khi tiếp xúc với người cách ly.

Cán bộ y tế kiểm tra thân nhiệt cho khách cách ly y tế tại một khách sạn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Cũng cần phải lưu ý với nhân viên khách sạn, nếu ở những khu vực cộng đồng chung chỉ cần đeo khẩu trang và rửa tay, nhưng khi vào khu vực cách ly,  họ phải mang đầy đủ những phương tiện phòng hộ.

Giả sử, khi được giao hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân dương tính, các nhân viên phải mang các phương tiện bảo hộ đầy đủ và đúng chuẩn. Quan trọng là cách tháo ra cho đúng. Phương tiện phòng hộ phải tháo ra ngay sau khi họ tiếp xúc với bệnh nhân dương tính và trước khi họ đi vào khu vực cộng đồng chung.

Găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ nên bỏ vào thùng rác có nắp vàng, có túi lót đựng chất thải lây nhiễm dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”

Gần đây, tôi thấy có nhiều trường hợp mang quần áo bảo hộ, tiếp xúc với bệnh nhân cách ly nhưng không cởi bộ đồ mà tiếp tục ăn uống hay ngủ nghỉ, việc đó làm lây bệnh cho chúng ta.

Khu vực của nhân viên khách sạn bố trí ở riêng với khu vực cách ly chứ không ở chung.

Vậy, đối với những người phải thực hiện cách ly tập trung tại các khách sạn, cơ sở lưu trú cần lưu ý gì?

Những người cách ly chia ra thành các nhóm: những người có nguy cơ dương tính cao và những người có nguy cơ dương tính thấp.

Những người nguy cơ dương tính cao nhất là người nhà của những người dương tính và những người tiếp xúc gần. Theo khuyến cáo của Bộ y tế, người nhà của bệnh nhân dương tính cũng nên cách ly tại bệnh viện, chứ không cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung.

Những người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung có nguy cơ ít hơn. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng Việt kiều, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam nhiều, từ nhiều quốc gia khác nhau. Người dân vẫn phải chủ động thực hiện các biện pháp cách ly ở các khu cách ly tập trung: không tụ tập đông người, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Khi phải tiếp xúc với người khác nên tuân thủ khoảng cách từ 1-2 mét và quan trọng là phải rửa thay thường xuyên sau khi chạm vào các bề mặt.

Cám ơn bà!

Điểm cách ly phải ở cách xa khu dân cư

BS Phạm Vũ Thiên - Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số, cho rằng hiện có “phong trào” các khách sạn, resort đăng ký trở thành cơ sở cách ly y tế tập trung. Tuy nhiên, điều này phải rất cẩn trọng, không nên lựa chọn những địa điểm này quá gần hay lọt thỏm ở giữa khu dân cư, mà nên lựa chọn những địa điểm ở cách xa khu dân cư, cho đảm bảo an toàn.

Trung tâm phòng chống bệnh tật ở các tỉnh, thành phố và các trung y tế ở đia phương cần phải thực hiện tập huấn chặt chẽ và kĩ lưỡng cho đội ngũ nhân viên làm việc tại các cơ sở này về các quy định an toàn, phòng bệnh. Bởi đây là những đối tượng dễ có nguy cơ bị nhiễm bệnh từ những người cách ly.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, cho biết hiện Quảng Ninh đang cách ly hơn 700 người để phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, nhiều người đang được cách ly tại 7 khách sạn tại thành phố Hạ Long.

Việc khử khuẩn tại khách sạn được thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế.

Tại mỗi khách sạn có 3 lực lượng cùng tham gia giám sát cách ly, gồm 6 chiến sĩ công an, 2 nhân viên y tế, 4 chiến sĩ quân sự. Lực lượng an ninh công an phường đảm bảo an ninh trật tự xung quanh khuôn viên khách sạn.

Quy trình kiểm soát tại các cơ sở cách ly rất nghiêm ngặt, tuân thủ tuyệt đối theo quy trình cách ly y tế của ngành y tế.

Sau ngày 22.3, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có khách sạn Bưu Điện, khách sạn Bạch Đằng, Anh Thư, Sun, Thái Sơn… tham gia cung cấp dịch vụ cách ly với giá từ 250 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng. (Theo vovgiathong.vn)

Buồng khử khuẩn toàn thân di động có ảnh hưởng sức khoẻ con người?

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Y tế cùng các ban ngành hữu quan đã có nhiều khuyến cáo cũng như hướng dẫn các phương pháp giúp người dân phòng chống dịch. Buồng khử khuẩn toàn thân di động là một trong những giải pháp được áp dụng phổ biến trong dịp này. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người băn khoăn là liệu buồng khử khuẩn toàn thân sử dụng Anolyte dưới dạng phun sương có khử khuẩn được toàn cơ thể không và có đem lại an toàn cho người sử dụng không?

Về điều này, PGS. TS. BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, cho biết buồng khử khuẩn toàn thân di động được thiết kế dựa trên nguyên tắc sử dụng dung dịch nước muối ion hóa (Anolyte) dạng sương phun toàn thân, nhằm sát khuẩn nhanh bề mặt cơ thể con người. 

Theo đó, Anolyte được điện phân từ dung dịch nước muối loãng (thường NaCl 5%) để sinh ra một lượng NaClO với gốc axit ClO- có tính oxy hóa mạnh. Anolyte thường có các chỉ số đặc trưng như hàm lượng Clo hoạt tính từ 250 – 500 mg/l, độ pH từ 7,8 - 8,2; thế oxy hoá-khử: 800 -1.000 Mv. Tác dụng khử khuẩn của Anolyte chính là nhờ vào thành phần Clo hoạt tính. 

Trong y tế, Anolyte đã được sử dụng chủ yếu để khử khuẩn các dụng cụ, bề mặt buồng bệnh, phòng mổ, máy móc, vật dụng hàng ngày. Có một số công trình ghi nhận Anolyte có thể sử dụng để điều trị một số vết thương ngoài da, niêm mạc, tuy nhiên khả năng điều trị bệnh chưa được khẳng định do thiếu các chứng cớ y học bằng chứng...

Vì vậy, bà Thư lưu ý từ các khảo sát trong phòng thí nghiệm là Anolyte đã diệt được một số vi khuẩn, virus nên hiện tại tuy chúng ta không thể kết luận được liệu Anolyte có diệt được virus SARS-CoV2 không nhưng có thể tạm chấp nhận là có thể có. Tuy nhiên, cần lưu ý thời gian tiếp xúc là bao lâu để có thể diệt được vi khuẩn, virus?

Cũng theo bà Thư, câu hỏi quan trọng tiếp theo cần trả lời là liệu có an toàn cho người sử dụng không? Khi hóa chất được sử dụng dưới dạng phun sương, con người bước vào buồng khử khuẩn có thể hít các hạt sương đó. Hạt sương hóa chất càng nhỏ thì càng dễ đi vào các phế nang phổi và với một hàm lượng cao có thể gây thương tổn nhu mô phổi. Ở đây nhà sản xuất chưa cung cấp được ngưỡng an toàn khi con người hít phải hạt sương chứa Clo hoạt tính là bao nhiêu? Giả sử một người đi vào buồng khử khuẩn 20 giây thì số lượng Clo khí dung hít vào là bao nhiêu? 

"Trong bệnh viện, việc ứng dụng hóa chất khử khuẩn dưới dạng phun sương để khử khuẩn bề măt môi trường đã được sử dụng từ nhiều năm nay. Để đảm bảo an toàn, các nhà sản xuất hướng dẫn khi sử dụng các hóa chất phun sương phải TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ NGƯỜI TRONG PHÒNG. Hóa chất được phun ra từ máy tự động. Sau khi kết thúc quá trình phun, phải chờ ít nhất 2 giờ sau mới được cho người vào phòng.

Theo tôi, buồng khử khuẩn di động như vậy chỉ nên dùng để khử khuẩn các bề mặt thiết bị, vật dụng, ví dụ có thể thiết kế lại để khử khuẩn các vật dụng khó chùi rửa như xe đẩy, băng ca, container hàng… Để áp dụng khử khuẩn trên cơ thể con người, cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng hơn trước khi đưa vào áp dụng rộng rãi trong cộng đồng", bà Thư nhận định.

Minh Hân thực hiện

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất
Top 10 Tour Đài Loan tại BestPrice Travel Vé Điện Tử

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.