Các đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan tâm đến những giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 cho thấy các nội dung được đại biểu đề cập đã bao phủ các mặt của đời sống kinh tế-xã hội và đều là những vấn đề được cử tri hết sức quan tâm, trong đó có vấn đề nhà ở và chính sách nhà ở xã hội. Đây là vấn đề lớn vì liên quan trực tiếp tới đời sống người dân, người lao động.
Việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, được cử tri và đông đảo người dân phấn khởi, kỳ vọng (mới nhất là gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, chỉ khoảng 100 tỷ đồng.
Các đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan tâm đến những giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn cho rằng đúng như các đại biểu phản ánh, mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm phát triển nhà ở xã hội song vẫn rất ít doanh nghiệp mặn mà.
Nguyên nhân bởi mặc dù thiết kế chính sách đều có quy định cả người mua và doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi. Thực tế hầu hết chỉ thực hiện cho người mua nhà vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, còn cho doanh nghiệp vay hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại hầu như không có (trừ gói 30.000 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn nhiều hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại, vì thêm phê duyệt giá bán và phê duyệt đối tượng mua do có sử dụng ưu đãi của Nhà nước.
Do đó, để phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Cao Tuấn rất tán thành ý kiến của các đại biểu là cần xem doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là đối tượng ưu tiên đặc biệt, để từ đó thiết kế chính sách, cơ chế tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
"Chúng ta cần nhìn nhận phát triển nhà ở xã hội không phải chỉ là một chính sách hỗ trợ, mà đó còn là nuôi dưỡng nguồn lực cho sự phát triển, bởi nếu người lao động không an cư, làm mà sao lạc nghiệp" - ông Lê Cao Tuấn nhấn mạnh.
Đáng chú ý, mô hình Quỹ Phát triển Nhà ở được các nước áp dụng bắt buộc đối với người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Đức áp dụng quỹ này từ năm 1930. Do vậy, cần xem xét lập Quỹ phát triển nhà ở (có thể nằm trong Ngân hàng Chính sách xã hội) và quy định bắt buộc người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải tiết kiệm 50% tiền mua nhà trong thời gian tối thiểu 5 năm như ở một số nước, để góp thêm nguồn lực đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Ứng dụng dữ liệu, thủ tục hành chính rút gọn trong quản lý nhà ở
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Cử tri cả nước dành sự quan tâm đặc biệt cho dự thảo Luật, bởi đây là vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người dân. Những quy định trong dự thảo đều được cử tri tìm hiểu, góp ý kiến với nguyện vọng dự thảo Luật được thiết kế sát thực tế, để khi được ban hành sẽ đảm bảo nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết dự thảo Luật sửa đổi theo hướng các thủ tục hành chính rút gọn, đảm bảo thống nhất với các luật có liên quan, để việc thực hiện thống nhất ở các cấp, tạo điều kiện cho người dân.
Cũng liên quan đến nhà ở, một đề xuất mới đây nhận được sự quan tâm của dư luận đó là về định danh số nhà. Để minh bạch thị trường bất động sản, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ nhận thấy cần thiết phải định danh số nhà và triển khai sàn giao dịch bất động sản quốc gia cho phép định danh cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia giao dịch.
Theo đề xuất, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng giải pháp quản lý đánh số nhà, đánh số và gắn biển số nhà để Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ.
Ngoài ra, triển khai hệ thống sàn giao dịch bất động sản quốc gia tích hợp với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cơ sở Dữ liệu Đất đai Quốc gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách này sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, đặc biệt là giảm tình trạng đầu cơ, tích trữ và giúp những người thu nhập thấp có thêm cơ hội tiếp cận với nhà ở.
Luật sư Trần Thế Anh (Phó Giám đốc Công ty Luật XTVN - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng chính sách định danh số nhà sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, đặc biệt là giảm tình trạng đầu cơ, tích trữ và giúp những người thu nhập thấp có thêm cơ hội tiếp cận với nhà ở, làm cơ sở xây dựng dự thảo các quy định về đánh thuế đối với người sở hữu nhiều bất động sản, người đã sở hữu nhà nhưng vẫn tham gia chiếm dụng suất mua nhà ở xã hội, thu nhập thấp. Trong tương lai gần, đây sẽ là cơ sở tiền đề để tính đến việc đánh thuế, thu thuế bất động sản, bao gồm các loại thuế kinh doanh bất động sản, thuế sở hữu nhà đất.
"Để làm được việc này, cần phải có cơ sở dữ liệu. Nếu không, khi triển khai sẽ không được minh bạch hóa và chuẩn hóa" - Luật sư Trần Thế Anh nhấn mạnh.
Việc định danh số nhà, quản lý chặt chẽ bất động sản là xu hướng của nhiều quốc gia, đặc biệt là khi ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Việc thực hiện quản lý bất động sản theo hướng "nhà chính chủ," quản lý tài sản trong xã hội là việc cần làm, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý hành chính, thu thuế, giao dịch dân sự.
Xuân Tùng