Phiên họp thứ nhất đoàn Giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”.
Tại phiên họp, các thành viên đoàn giám sát thảo luận, góp ý kiến về Kế hoạch và đề cương của đoàn giám sát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8.2023; thống nhất một số vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm các thành viên đoàn giám sát và việc tổ chức thực hiện các hoạt động của đoàn.
Theo Nghị quyết số 95/2023/QH15 của Quốc hội về thành lập đoàn giám sát, mục đích giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội. Đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua.
Về phạm vi giám sát, đoàn giám sát sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ ngày 1.7.2015 đến hết 31.12.2023 trên phạm vi cả nước.
Về nội dung giám sát, đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS, đoàn sẽ tập trung giám sát các nội dung về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường BĐS; công tác quy hoạch; tình hình hoạt động của doanh nghiệp BĐS; việc triển khai các dự án BĐS; tín dụng của thị trường BĐS; các nguồn vốn tín dụng cho thị trường BĐS; kinh doanh dịch vụ BĐS; công khai, minh bạch thông tin về thị trường BĐS; điều tiết thị trường BĐS; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh BĐS; thông tin, truyền thông để hỗ trợ phát triển thị trường BĐS…
Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, đoàn giám sát sẽ tập trung giám sát các nội dung về chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; về quản lý, vận hành nhà ở xã hội; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiểm toán, xử lý vi phạm; việc thực hiện các kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội…
Đoàn giám sát dự kiến sẽ tổ chức giám sát trực tiếp tại 12 địa phương gồm các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là một trong bốn chuyên đề sẽ thực hiện giám sát trong năm 2024 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Chuyên đề giám sát có nội dung, phạm vi giám sát rộng, là lĩnh vực khó, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương và nhiều đối tượng chịu sự tác động.
Ông Mẫn nhấn mạnh, thị trường BĐS hiện có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, tác động trực tiếp và rộng lớn đến người dân, doanh nghiệp, tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhưng hiện nay thị trường BĐS đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà yêu cầu cơ bản, xuyên suốt đó chính là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ và thực thi minh bạch thông tin thị trường. Tương tự, giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực thi đối với lĩnh vực nhà ở xã hội, sẽ góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, cùng với đó là bảo đảm về chất lượng, đáp ứng được mức sống ngày càng cao của người dân và phù hợp xu hướng phát triển bền vững, là động lực phát triển kinh tế xã hội.
Do đó, một trong những mục đích, yêu cầu cơ bản đặt ra đối với đoàn giám sát, là phải đề cao trách nhiệm, góp phần “giải mã” được thực chất những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để quá trình tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật tốt hơn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, đoàn giám sát chuyên đề cần tiếp tục tinh thần đổi mới, cải tiến trong cách làm, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, hành động trong tư duy, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước.
Trung Kiên