- Chẳng điều gì đáng sợ bằng bóng đêm
- Hy vọng đến lúc xác thân tan rã
Vài ánh thơ còn nhấp nháy trong em
Nguyễn Việt Anh
Nhà thơ Nguyễn Việt Anh rất đặc biệt. Anh là một thi sĩ khiếm thị[1]. Công việc làm thơ của anh, bởi vậy, khó khăn hơn một nhà thơ bình thường nhiều. Bởi thơ làm bằng phương tiện như giấy bút hay máy tính là thứ được viết hoặc gõ ra, có thể đọc lại nhiều lần và điều chỉnh, còn Nguyễn Việt Anh phải làm thơ bằng tiếng nói từ tâm tưởng, từ trí nhớ. Tôi hình dung anh, tựa như ngồi giữa một căn phòng bốn bề tối đen như mực. Một không gian cô độc, tĩnh mịch và im lặng toàn phần. Nhưng rồi, có một thứ ánh sáng đã len lỏi và thắp sáng thế giới này, đó là ánh sáng cứu cánh của thi ca.
Nhà thơ Nguyễn Việt Anh tại Ngày thơ Việt Nam.
Ánh sáng là phẩm tính chủ đạo trong thơ Nguyễn Việt Anh, như một đối trọng với thực thể căn phòng tối. Căn phòng tối là hiện thân không gian lấp đầy bóng tối của sự thiệt thòi số phận, mặc cảm mù lòa, hữu hạn của thời gian người, nơi xảy đến những ác mộng hay cơn mê thảng thốt, là ẩn dụ tượng trưng cho một không gian âm, không gian chết.
Để cởi thoát khỏi sự bóp nghẹt về mặt không gian này, nhà thơ cần đến ánh sáng, nhưng không phải là thứ ánh sáng vật lý, mà là ánh sáng của ngôn từ. Do đó, anh luôn tự tạo ra ánh sáng hoặc tìm đến nguồn sáng trong thơ của mình (Tự thắp mình thành đèn biển anh đi hay Anh vẫn đi trong hy vọng u hoài/ Bằng ánh sáng ngọn đèn câm quá khứ/ Dẫu cho những tia sáng này chỉ đủ/ Xua đuổi một phần bóng tối tương lai – Ngẫu hứng độc hành), hoặc đồng nhất với ánh sáng (Nhà thơ anh cũng đang cùng chiếu sáng/ Với những ngôi sao lấp lánh đêm đêm/ Hy vọng đến lúc xác thân tan rã/ Vài ánh thơ còn nhấp nháy trong em – Chiếu sáng).
Bìa tập thơ Phản thời gian Anti-Time của nhà thơ Nguyễn Việt Anh. |
Khác với chúng ta, nhận thức hình ảnh từ thế giới bên ngoài mang tính trải nghiệm và trực quan, thì hình ảnh trong thơ của Nguyễn Việt Anh, là những cảnh tưởng (imaginary scenes). Đó là hình dung được kiến tạo bên trong tâm trí của nhà thơ, chứa đựng một sự muôn màu vạn trạng khác. Mặc dù những hình ảnh trong thơ anh tương đối dung dị, không giàu màu sắc thị giác, nhưng đổi lại, chúng hàm chứa một màu sắc của khí chất, của sắc thái tinh thần. Bảng màu xanh, đỏ, vàng của thực tại bị thay thế bởi màu tỏ rọi của ánh sáng, hay màu lạnh lẽo của cô độc. Và thậm chí, anh dám vươn mình lên vương quốc thiên thể bất khả tri, để mường tượng về những vì sao, hố đen và thiên hà.
Những nghệ sĩ bị khiếm khuyết về một giác quan nào đó, như một bù trừ, họ lại nhận được sự tăng cường của một giác quan khác, hay nói khác, một giác quan của họ trở nên ưu trội và nhạy bén hơn. Ở trường hợp Nguyễn Việt Anh, thính lực đã bù đắp cho thị lực. Anh rung động và cộng cảm với những nhà soạn nhạc nổi tiếng như Ludwig van Beethoven, Franz Schubert và Maurice Ravel, đặc biệt là Beethoven. Nhạc sĩ thiên tài người Đức cũng bị điếc cả hai tai khi mới ngoài 30 và đang bước vào độ chín của sự nghiệp. Tưởng như bị tước đoạt mất giác quan quan trọng nhất để sáng tạo, thì Beethoven càng viết nhiều hơn, càng mang lại những sáng tác bất hủ hơn, điều nhiều nghệ sĩ đương thời đầy đủ thính lực không thể làm được. Dường như ông là nguồn cảm hứng lớn lao cho con đường thi ca của Nguyễn Việt Anh.
Một số tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Nguyễn Việt Anh.
Nhà thơ Nguyễn Việt Anh sinh năm 1982 tại Hà Nội.
Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam
Các tập thơ đã ra mắt: Thức cùng bóng tối (2014); Tập thơ thiếu nhi Bầu trời nhỏ (2015); Em là đôi mắt (2016); Nhân đôi bầu trời (2017, tập thơ thiếu nhi) và tái bản Em là đôi mắt (lần 1); Mắt chiều khép ánh hoàng hôn (2018); Biển nhìn (2019); Thanh Châu (2019); Mật ngữ N.V.A (2019); Nhìn ngược (2020); Tâm hồn đối thoại (2021); tập thơ song ngữ Việt - Anh Phản thời gian – Anti-time (2022).
Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)
[1] Năm 15 tuổi Nguyễn Việt Anh gặp tai nạn đứt dây thần kinh thị giác, khiến phải vĩnh viễn sống trong bóng tối.