Bệnh nhân nữ, 61 tuổi, nhập viện Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai với triệu chứng ngứa và bong da vùng quầng và núm vú bên phải. Theo lời kể của bệnh nhân, bệnh diễn biến khoảng một năm, khởi phát với triệu chứng ngứa vùng quầng và núm vú bên phải. Bà đã tự mua thuốc bôi chống ngứa nhưng không khỏi.
Sau đó đi khám bệnh ở tỉnh, bác sĩ da liễu nghi ngờ tổn thương nấm, cho xét nghiệm nấm âm tính, điều trị vẫn không đỡ ngứa. Bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai khám và được chẩn đoán bị Paget vú, phải phẫu thuật cắt tuyến vú.
Dấu hiệu nhận biết Paget vú
BS-CK2. Vũ Anh Tuấn (Phó trưởng Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Paget vú là một loại ung thư vú hiếm gặp, xảy ra trên bề mặt núm vú hoặc quầng vú (xuất hiện vòng tròn màu đen quanh núm vú). Bệnh không “sản xuất” ra những khối u, song phần lớn người bệnh sẽ bị ung thư vú xâm lấn hoặc ung thư biểu mô không xâm lấn, từ đó gây ra những khối u vú liên quan.
BS-CK2. Vũ Anh Tuấn |
Paget vú có thể xuất hiện ở cả nam và nữ. Căn bệnh này chiếm tỷ lệ 5% trong số những loại bệnh ung thư vú ở phụ nữ, 0,5% đối với nam giới và thường xuất hiện ở giai đoạn mãn kinh, mãn dục.
Biểu hiện ban đầu của Paget vú thường là núm vú và vùng da xung quanh bị đỏ ửng, đau, bong tróc và có một vài vảy nhỏ. Theo thời gian, các triệu chứng này ngày càng tệ hơn. Các lớp vảy sẽ gắn chặt vào da, khi bóc đi lại hình thành một lớp vảy khác, sau một vài năm sẽ lan rộng ra khắp đầu vú.
Lúc này, bệnh nhân cảm thấy ngứa râm ran rất khó chịu ở vùng da bị bệnh. “Theo số liệu thống kê, có đến 98% trường hợp Paget vú gắn liền với ung thư vú. Do vậy, người bệnh không được chủ quan và lơ là trong việc khám chữa bệnh. Hơn nữa, Paget vú rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh da liễu nên càng khó phát hiện, rất nhiều người chỉ đi khám khi bệnh đã quá nặng và chuyển sang ung thư vú. Nếu để lâu khiến các khối u di căn thì rất khó điều trị”, BS. Tuấn khuyến cáo.
Để phát hiện sớm Paget vú, khi vú có những dấu hiệu bất thường sau thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời: núm vú phẳng hoặc bị tụt núm; vùng núm vú bị đau nhức, xuất hiện mảng đỏ hoặc xám; vùng da đóng vảy; sờ vú thấy có chỗ u lồi lên; núm vú bị loét, tiết dịch vàng hoặc chảy máu; các tình trạng đó chỉ xuất hiện ở một bên vú…
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị Paget vú
Theo BS. Tuấn, những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ bị Paget vú: tuổi tác (hầu hết Paget vú xuất hiện ở người từ 50 tuổi trở lên); chủng tộc (tỷ lệ phụ nữ da trắng mắc ung thư vú thường cao hơn phụ nữ da đen); di truyền (nếu có mẹ, chị gái, con gái bị ung thư vú thì người đó có nguy cơ bị ung thư vú di truyền cao hơn so với người khác); tiền sử bệnh về vú (nếu trước đó từng bị u vú lành tính, ung thư vú một bên, ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ hay tăng sản không điển hình thì cũng có khả năng bị Paget vú).
Ngoài ra còn có các yếu tố, như: đột biến gen (đột biến gen ức chế khối u BRCA-1 hoặc BRCA-2 cũng khiến tế bào chuyển thành ác tính); mô vú dày đặc (phụ nữ có bộ ngực lớn, mô vú dày có thể mắc bệnh cao hơn); thừa cân (phụ nữ bị thừa cân sau kỳ mãn kinh dễ mắc ung thư vú); có bức xạ ngực trước đó (phụ nữ có gen đột biến khi chụp X-quang ngực có thể làm gia tăng nguy cơ bị Paget vú); tiêu thụ rượu quá mức (nhất là đối với phụ nữ trung niên); sử dụng liệu pháp hormon thay thế (HRT) sau kỳ mãn kinh (HRT chứa nội tiết tố nữ estrogen cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú)…
Chụp nhũ ảnh giúp chẩn đoán Paget vú và cho thấy những thay đổi trên da có phải do ung thư vú tiềm ẩn hay không. Ảnh: T.A.T
Điều trị Paget vú bằng cách nào?
Khi có những triệu chứng của Paget vú, người bệnh cần lập tức đi khám ở các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán. Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành các bước: khám vú lâm sàng (50% người bị Paget vú sẽ có khối u hoặc vùng da dày lên ở vú và có thể cảm nhận được khi khám lâm sàng); chụp nhũ ảnh (cho thấy những thay đổi trên da có phải là do ung thư vú tiềm ẩn hay không, nếu không phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành chụp cộng hưởng từ - MRI); sinh thiết vú (bác sĩ lấy một mẫu mô nhỏ trên da núm vú, khối u ở ngực và dịch tiết ra từ núm vú nếu có); sinh thiết hạch bạch huyết (bác sĩ loại bỏ các hạch báo hiệu, bởi một hạch âm tính thì kiểm tra những hạch còn lại cũng không thể phát hiện ung thư).
Vì Paget vú không quá phổ biến nên rất ít người nghe nói về chúng và gặp khó khăn khi phát hiện chúng sớm. Vì thế, cách tốt nhất là tự kiểm tra hoặc đi viện khám ngay khi có triệu chứng bất thường.
Chỉ định điều trị chính Paget vú là phẫu thuật với hai phương pháp phổ biến: phẫu thuật cắt bỏ khối u vú (bác sĩ sẽ mổ để loại bỏ núm vú, quầng vú, một phần hình nón của vú bị bệnh - các mô vú được dự phòng càng nhiều càng tốt để chắc chắn những tế bào ung thư được loại bỏ hoàn toàn); và phẫu thuật cắt bỏ vú (khi bị xâm lấn do ung thư vú tiềm ẩn, bác sĩ sẽ yêu cầu cắt bỏ vú; nếu hạch bạch huyết cũng bị ảnh hưởng thì bác sĩ sẽ trực tiếp loại bỏ bằng sinh thiết).
Hậu phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tiến hành hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone để phòng ngừa ung thư vú tái phát. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh, mức độ bị ung thư và bản chất khối u có thụ thể estrogen/progesterone hay không. “Vì Paget vú không quá phổ biến nên rất ít người nghe nói về chúng và gặp khó khăn khi phát hiện chúng sớm. Vì thế, cách tốt nhất là tự kiểm tra hoặc đi viện khám ngay khi có triệu chứng bất thường”, BS. Tuấn lưu ý.
Hữu Đức - Tấn Khải