Trước khi sụt giá mạnh vào năm nay, hơn mười năm vừa qua sản phẩm cao su luôn mang lại lợi nhuận cao. Có lẽ vì thế mà việc trồng cao su ở nước ta phát triển rất mạnh, nhanh đến mức… phá vỡ cả qui hoạch cho nhiều năm sau.
Theo viện Khoa học lâm nghiệp, năm 2009 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch phát triển cao su toàn quốc đến 2020 ổn định ở mức 800.000 hécta. Song, chỉ ba năm sau khi có phê duyệt đó, diện tích cao su đã lên tới 950.000 hécta, vượt xa mục tiêu ổn định nói trên. Đặc biệt, địa bàn Tây Nguyên, Chính phủ chủ trương qui hoạch từ 90.000 – 100.000 hécta, thế mà đến nay đã có tới 200 dự án cao su, trong đó chỉ riêng tỉnh Gia Lai đã có tới 61.000 hécta cao su. Hay như tại Đắc Lắc, dù ưu tiên số một là cà phê mà cũng có 37 dự án trồng cao su với diện tích hơn 26.000 hécta. Việc ồ ạt trồng cao su ở Tây Nguyên, ngoài ý nghĩa kỳ vọng kinh tế do tạo ra khối lượng lớn sản phẩm mủ, gỗ cao su trong tương lai, người ta còn lộ ra ý đồ mang tính lợi ích nhóm như lợi dụng “tận thu” lâm sản, chuyển nhượng dự án kiếm chênh lệch khủng… Như một nhà khoa học đã chỉ ra rằng, ở Gia Lai, thông qua việc gọi là “khai hoang rừng nghèo kiệt”, người ta thu được tới gần 400.000m3 gỗ tự nhiên các loại. Cũng tương tự, ở Đắc Lắc, trong hơn 26.000 hécta qui hoạch trồng cao su, các dự án mới trồng được hơn 7.000 hécta nhưng đã nhanh chóng “tận thu” 44.000m3 gỗ. Những con số “tận thu” nói trên cho thấy nhà đầu tư dường như không chỉ chú tâm trồng cao su trên đất rừng nghèo kiệt theo chủ trương của Chính phủ hay như các thuyết minh dự án trình duyệt mà thực chất, núp dưới danh nghĩa ấy, người ta đang ồ ạt phá rừng tự nhiên. Cảnh báo chuyện phát triển cao su quá nóng ở Tây Nguyên, đã từng có ý kiến cho rằng thực chất diện tích rừng nghèo kiệt chuyển đối chỉ chiếm từ 10-20%, còn lại là rừng giàu, trung bình và rừng đang hồi phục… Thậm chí thông tin của ban chỉ đạo Tây Nguyên còn chỉ rõ: mỗi năm vùng này bị mất đi 26.000 hécta rừng, trong đó do chuyển đổi sang trồng cao su chiếm tới 46,7%!
Xét ở khía cạnh nào đó, trồng cao su, ngoài mục đích kinh tế, cũng còn hình thành rừng, tức là góp phần tăng độ che phủ mặt đất mà nước ta đang phấn đấu. Tuy nhiên, về ý nghĩa sinh thái học và môi trường thì cao su - cho dù trồng thành rừng - vẫn không thể sánh được với rừng tự nhiên, kể cả rừng tự nhiên đang hồi phục. Cho nên nói gì đi chăng nữa, phá rừng tự nhiên trồng cao su là “tham bát bỏ mâm”, lợi bất cập hại. Nếu chỉ vì cái lợi trước mắt, mai sau con cháu chúng ta, đất nước chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt do mất rừng tự nhiên dẫn đến môi trường, khí hậu bị biến đổi nhanh chóng, lũ lụt hoành hành, đất đai bị xói mòn… Điều đó càng đặc biệt nghiêm trọng với “nóc nhà Đông Dương” - Tây Nguyên!
Cũng vẫn là vấn đề cây cao su, tuần đầu tháng 10 vừa qua, hứng chịu cơn bão số 10 tàn khốc đổ bộ vào miền Trung, thiệt hại nặng nề nhất thuộc về những người trồng cao su theo phong trào. Báo cáo nhanh của ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương cho biết có tới 16.900 hécta cao su bị bão tàn phá, trong đó tỉnh Quảng Bình có hơn 10.000 hécta, tỉnh Quảng Trị gần 6.900 hécta. Hàng ngàn hộ dân trồng cao su ở “thủ phủ cao su” Bố Trạch (Quảng Bình) và huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chưa kịp thu hồi vốn đầu tư bỗng chốc trở thành trắng tay do trang trại, vườn cây cao su bị gãy đổ gần hết. Không ít gia đình mới hôm nào vui mừng tưởng chừng đổi đời nhờ cây cao su cho thu nhập mỗi ngày tới gần cả triệu đồng nay phải khóc ròng, thề không bao giờ trồng cao su nữa.
Vì sao lại có bi kịch như vậy? Câu trả lời vẫn là ngoài sự khắc nghiệt đến mức cực đoan của “ông trời”, còn có yếu tố sai về qui hoạch và kế hoạch của con người. Thực ra, gần một thế kỷ trước, khi chiếm đóng Việt Nam, do nghiên cứu rất kỹ điều kiện tự nhiên, người Pháp chỉ trồng cao su ở vùng Đông Nam bộ. Cho đến những năm 60 thế kỷ trước, các nhà đầu tư cao su cũng chỉ thí điểm trồng ở địa bàn Tây Nguyên chứ không ai mạo hiểm mang cây cao su trồng tại vùng ven biển vốn thường xuyên hứng chịu gió bão, lũ lụt như miền Trung. Mà, việc này cũng đã từng được không ít nhà khoa học cảnh báo nhiều năm trước chứ không phải đến bây giờ mới nói. Nhưng bất chấp tất cả, cho rằng ở đâu có diện tích đất đồi, đất bazan lớn là có thể phát triển “vàng trắng” nên người ta đã bỏ qua kinh nghiệm lịch sử và những lời khuyên khoa học để trồng cao su bằng mọi giá. Đây phải chăng là bài học đắt giá về lĩnh vực qui hoạch, kế hoạch mà những người có trách nhiệm cần phải thấm, nếu không muốn tiếp tục đem của cải, vốn liếng, công sức nhân dân dâng cho gió bão, thủy thần.
Đúng là hai câu chuyện, một bài học đau đớn.
Nguyễn Văn Hùng