“Trong tình hình người dân đang có nhiều mối lo về an toàn thực phẩm, việc chỉ cho họ thế nào là thực phẩm sạch là chưa đủ. Về phía nhà cung cấp, chúng tôi mang tới cho người tiêu dùng những lựa chọn, là những dòng sản phẩm nội địa, hướng tới sự tươi ngon, bổ dưỡng, tiện ích nhưng được làm theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hàng xuất khẩu”, bà Trần Thị Hòa Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu Cầu Tre, nói.
Bán hàng xuất khẩu ở... nội địa
Câu chuyện về thành công của Cầu Tre, trong việc chinh phục thị trường hơn 30 nước, cũng bắt đầu từ cách tiếp cận như thế. Họ đã có một quá trình chuẩn bị công phu, bền bỉ và khá thức thời. Bởi, để có thể đưa hàng thâm nhập thị trường các nước, năm 1999 Cầu Tre đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP.
Đến năm 2000, được phép xuất hàng thủy sản và nhuyễn thể hai mảnh vỏ vào thị trường châu Âu. Đồng thời Cầu Tre đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9002 và năm 2003 đã nâng cấp ISO 9001:2000 của tổ chức TUV CERT - Đức. Cầu Tre nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại 25 nước và đang tiếp tục đăng ký tại 23 nước khác.Đó là những mặt hàng thực phẩm tinh chế, những món ăn Việt Nam như: chả giò, há cảo, xíu mại, chạo tôm, bánh xếp... Cứ vậy, Cầu Tre mang “bếp Việt”ra thế giới. Một hành trình bền bỉ!
Cầu Tre đã nâng cấp hệ thống sản xuất bằng trang thiết bị, công nghệ của châu Âu và Nhật Bản
Những đầu tư về mặt công nghệ, quản lý bởi các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất hàng xuất khẩu, được minh định rõ hơn trong chuyến tham quan mới đây của đoàn công tác liên ngành của Trung ương và TP.HCM, muốn mục sở thị một doanh nghiệp 20 năm liền được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao (1997 - 2016).
Ông Nguyễn Hậu, Giám đốc chất lượng của Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu Cầu Tre, là người dẫn đoàn tới xưởng chế biến thực phẩm. Tại đây lúc này, công nhân đang bận rộn chuẩn bị lô hàng chả giò để xuất khẩu qua Nhật Bản. Ai bước vào khu vực vô trùng này, cũng phải trải qua thủ tục khá nghiêm ngặt: bốn lần rửa tay bằng cồn; đeo khẩu trang, bao tay, áo, ủng chuyên dụng và nón trùm kín tóc. Đó là khách, công nhân thậm chí còn có thêm những quy định nghiêm ngặt hơn. Tập trung đông công nhân nhất là ở khâu cuốn chả giò, mỗi bàn làm việc có hai người. Trên bàn, ngoài nguyên liệu còn để một chiếc cân nhỏ, đảm bảo mỗi chiếc chả giò có lượng nhân đồng đều nhau. Chả giò sau khi cuốn sẽ qua các khâu kiểm tra, đông lạnh, đóng gói...
Trong quy trình ấy, cùng với chả giò, nhiều mặt hàng khác như thủy sản, thực phẩm chế biến, trà và các loại mặt hàng nông sản đã “chu du” châu Âu, Nhật, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc... với khối lượng xuất khẩu trung bình hàng năm trên 7.000 tấn (đạt kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm từ 17 - 18 triệu USD/năm). Cùng với sự nâng cấp hệ thống máy móc trang thiết bị, công nghệ của châu Âu và Nhật Bản, cho phép Cầu Tre cung cấp khoảng 8.500 tấn các loại sản phẩm/năm. Trong khi đó, hệ thống cấp đông có công suất trên 60 tấn/ngày và dung lượng của hệ thống kho lạnh là 1.000 tấn sản phẩm...
Ông Hậu cho biết: “Chúng tôi có kinh nghiệm là khi làm ăn với những quốc gia phát triển, với hàng rào kỹ thuật khắt khe dành cho các mặt hàng thực phẩm, thì yếu tố ngon, sạch, an toàn với sức khỏe phải đặt lên hàng đầu. Tất cả phải minh bạch. Mà không chỉ những quy chuẩn chung của quốc gia, mỗi địa phương, chẳng hạn ở Nhật Bản lại có những quy chuẩn riêng, và phải tuyệt đối tuân thủ. Khi quay lại nội địa, chúng tôi cũng bán hàng trên tinh thần ấy. Chỉ khác là hàng theo tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng bán giá nội địa”.
Ông Hậu mô tả, nguồn nguyên liệu được mua trực tiếp từ các cơ sở nuôi trồng, chế biến, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ví dụ giấy chứng nhận VietGap, HACCP) thì giá cao hơn 30 - 50% và phải đặt hàng trước với số lượng lớn.
Sản phẩm làm ra hầu hết là sản phẩm đông lạnh nên chi phí cho công tác bảo quản, phân phối rất tốn kém. Ngoài vận chuyển bằng xe bảo ôn thì sản phẩm phải được bảo quản ở nhiệt độ - 180C đến -200C. Đó là chưa kể chi phí nhân công, khấu hao máy móc... Ông Hậu cho biết: “Hiện nay thị phần hàng xuất khẩu Cầu Tre chiếm 70%, nội địa chiếm 30%. Chúng tôi muốn mở rộng thêm tỉ trọng hàng nội địa, tuy nhiên có một thách thức là giá cả một số mặt hàng của Cầu Tre vẫn cao hơn các sản phẩm cùng loại ở chợ truyền thống. Biết là giảm chất lượng sẽ giảm chi phí đầu tư, có mức giá thu hút người mua hơn nhưng chúng tôi không làm thế. Và Cầu Tre vẫn có thế mạnh riêng để vững tâm mở rộng thị trường nội địa”.
“Bếp Việt” của mọi nhà
Và Cầu Tre đã phát triển được thị trường, với hệ thống phân phối là các kênh bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ truyền thống... với các nhóm sản phẩm, như: thức ăn chế biến sẵn, bữa ăn nấu sẵn, thực phẩm chế biến đông lạnh, hải sản đông lạnh...
Trong bữa tiệc buffet chiêu đãi đoàn khách tham quan hôm đó, có thể coi là “ngày hội” của các món truyền thống Việt Nam, được thực khách tấm tắc khen, đó là những bữa ăn nấu sẵn như: cháo thịt, cháo lươn, cháo ếch, cháo nấm, cháo tôm, bún bò Huế, xôi bắp. Hay những thực phẩm chế biến đã làm nên thương hiệu Cầu Tre, như: chả giò, chả lụa, chạo tôm. Rồi cả những sản phẩm súc sản mới hơn, như xúc xích... Bên tiệc buffet, lý do ra đời của những sản phẩm trên được diễn giải. “Đã mang được thực phẩm tươi, sạch ra nước ngoài, tại sao không mang những sản phẩm ấy phục vụ dân mình, ngay trên quê hương mình? Và chúng tôi bắt tay ngay vào việc đưa Cầu Tre thành “bếp Việt” của mọi nhà”, bà Bình nói.
Tiệc buffet chiêu đãi đoàn khách tham quan trong tháng 6.2016
Bắt đầu từ thị trường thành phố, các sản phẩm hướng đến sự tiện lợi, đảm bảo tươi ngon. Bà Bình cho biết vẫn tập trung chính cho thị trường thành phố bởi thói quen tiêu dùng của người dân nơi đây, và cũng vì điều kiện bảo quản những mặt hàng này khá đặc thù, “Sản phẩm tốt nhưng bảo quản không đúng cũng không còn an toàn nữa mà các địa phương ở nông thôn lại còn thiếu hệ thống bảo quản đúng tiêu chuẩn. Mặt khác, giá cả và loại hình sản phẩm cũng là một thách thức, bởi vẫn còn nhiều người bị ấn tượng với hàng đông lạnh. Tuy nhiên chúng tôi không chủ trương giảm chi phí đầu tư, đồng nghĩa với giảm giá để tăng người mua”, bà Bình nói.
Thay vào đó, Tổng giám đốc Cầu Tre tin vào quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”, khi gia tăng chất lượng, gia tăng tiện ích cho sản phẩm thì người mua sẽ tìm tới: “Rất nhiều người sẵn sàng dừng xe để xem một vụ tai nạn vì tò mò, nhưng cũng nhiều người trong số họ sẵn sàng vượt đèn đỏ, dù chỉ phải dừng có ít giây. Vấn đề tiêu dùng cũng vậy, thêm dăm bảy ngàn để mua rau quả đạt chuẩn, hay thực phẩm an toàn thì tiếc nhưng sau này lại phải bỏ tiền triệu để chữa bệnh. Vì vậy khi có thực phẩm sạch rồi cũng cần tạo cho người tiêu dùng thói quen dùng thực phẩm sạch”.
Trước những nhiễu loạn về tình hình an toàn thực phẩm, sự xuất hiện tràn lan của thực phẩm bẩn đang làm xã hội bất an, càng cần những doanh nghiệp, đơn vị và những kênh phân phối... bắc thêm “nhịp cầu” để người dân đến dễ hơn với thực phẩm sạch. Và đây chính là “thời cơ” để chứng minh giá trị mà 40 năm qua Cầu Tre đeo đuổi.
Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu Cầu Tre (tiền thân là Xí nghiệp chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre) được xây dựng từ năm 1983 và được cổ phần hóa từ tháng 1.2007, với tỉ lệ vốn nhà nước còn nắm giữ là 45%, do Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một Thành Viên (SATRA) đại diện. Sản phẩm của công ty đa dạng, chế biến từ các nguyên liệu thủy sản, súc sản và nông sản, được xuất qua hơn 30 nước trên thế giới (trong đó thị trường chính là Nhật Bản, Mỹ và EU) đồng thời tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc thông qua hệ thống bán lẻ của SATRA, cũng như nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi khác. |
Bài và ảnh: Trọng Văn