Làn sóng chỉ trích và giễu cợt những tác giả trẻ như Anh Khang càng dâng cao khi Buồn làm sao buông xếp đầu bảng sách bán chạy tại Hội sách 2014, đứng trên cả tác giả Nguyễn Nhật Ánh, Dan Brown. Anh Khang đang có một lượng fan cực lớn khi chưa đầy hai năm, anh đã in hơn 100.000 bản sách cho ba tựa Ngày trôi về phía cũ, Đường hai ngả người thương thành lạ, Buồn làm sao buông - cuốn sau cùng in đến 40.000 bản trong lần in đầu! Từng là phóng viên viết mảng kinh tế cho một tuần báo trong bốn năm, nay chuyển sang làm biên tập viên cho tạp chí Mốt và cuộc sống, những dòng tâm sự riêng của Anh Khang trên facebook đã được một lượng lớn người theo dõi, kết bạn. Hơn 40.000 lượt like trên các fan page, hơn 25.000 người theo dõi trên trang cá nhân cho thấy sức hút của Khang.
Buồn làm sao buông tiếp tục là cuốn sách được góp nhặt từ những status, note trên facebook của Khang. Làm sao bạn có thể tâm sự được chuyện riêng tư trước sự dòm ngó của hàng chục ngàn người?
Mạng xã hội là nơi trút tâm sự, xả cơn buồn. Khi viết ra, mọi người khen hay chê cũng không làm mình nặng lòng. Tôi không cảm thấy trở ngại khi chia sẻ tình cảm chỗ đông người vì ngôn từ có giá trị rất biến ảo, mỗi người có thể hiểu một lớp nghĩa khác nhau. Cả ba cuốn sách của tôi đều là tình cảm dành cho một người, có lẽ xuất phát từ tình cảm chân thật đó nên mọi người đồng cảm chăng.
Với lượng fan đông đảo, đợi chờ bạn tại hội sách đến 12 giờ khuya để xin chữ ký, có vẻ như bạn đang nổi tiếng như một nghệ sĩ showbiz?
Người yêu chữ có cách thể hiện nền nã chứ không phấn khích, rần rần. Hội sách 10 giờ tối đóng cửa nhưng có các bạn đợi Khang đến 12 giờ để xin chữ ký. Họ là học sinh, sinh viên, nhưng cũng có bác tuổi bằng mẹ mình. Tấm lòng ấy của mọi người làm tôi cảm thấy mình đang nợ họ.
Sau khi Ngày trôi về phía cũ tái bản lần thứ 5, Buồn làm sao buông xếp vị trí số một tại hội sách, bạn có quan tâm đến những bài báo, những ý kiến giễu cợt về việc thống lĩnh bảng xếp hạng của các cây bút trẻ và cho rằng văn hoá đọc đang đi xuống?
Tôi đọc hết tất cả những lời giễu cợt, phê bình, bởi bên cạnh là một người viết văn, tôi còn là người làm báo. Tôi quan niệm các cuốn sách best-seller không minh chứng rằng cuốn đó nhất thiết phải có giá trị văn chương, nhưng số lượng in 40.000 bản được bán sạch cho thấy tôi đang được yêu thương.
Tôi không dám nhận mình là nhà văn. “Tác giả trẻ” cũng không dám. Tôi chỉ nhận mình là một người chuyên chở cảm xúc, viết ra cảm xúc của mình để đi tìm sự đồng điệu.
Những ngày qua, tôi cảm giác mình đang hứng chịu búa rìu dư luận khi trở thành tác giả best-seller. Các ý kiến đó là của những người lớn, bạn đọc trên mạng và cả của những người viết sách nhưng bán không được. Tôi không buồn vì bị chê, mà buồn vì nhiều người không hoặc chưa đọc sách cũng phán đủ điều (thậm chí báo Tiền Phong số ra ngày 1.4 còn không phân biệt được tôi và ca sĩ Anh Khang là hai người!). Tôi tin chắc rằng mình đã trau chuốt đủ độ cần thiết cho tác phẩm cả về câu chữ và hình ảnh.
Bạn nghĩ gì về nhận định văn của bạn chỉ có tính thời thượng?
Ít nhất, sách của các tác giả trẻ bán chạy bây giờ đều góp phần định hình nên cái gọi là cảm xúc, suy tư của một thế hệ người đọc trẻ. Trong một giai đoạn mà văn hóa đọc bị lấn át, mọi thứ trở nên gấp gáp, giới trẻ đôi khi hoang mang, không đủ thời gian và sự sâu lắng để hiểu mình muốn gì thì họ rất cần những người đồng trang lứa, không dạy bảo, không lên lớp mà có thể lắng nghe, đồng cảm với họ.
Sau Buồn làm sao buông, tác phẩm tiếp theo của bạn là gì?
Tôi chưa bắt đầu viết tiếp nhưng chắc chắn tôi sẽ buông những câu chuyện buồn cũ. Độc giả cần điều gì đó mới mẻ nên cuốn tiếp theo sẽ là một cuốn sách về tình yêu tươi đẹp. Và cuốn này tôi sẽ viết cùng người bạn thân của mình là Phan Ý Yên.
Trâm Anh thực hiện
“Hàng chợ” cũng cần cho thị trường
Nói về các đầu sách bán chạy trong Hội sách vừa qua, trong đó có Buồn làm sao buông của Anh Khang, dịch giả Cao Việt Dũng cho biết: “Tôi thấy mừng với một danh mục sách bán chạy như vậy, nó xác nhận một cách hùng hồn rằng quả thật thị trường có tồn tại, tồn tại một cách hữu hiệu và tồn tại một cách đàng hoàng. Với dân xuất bản, danh mục bán chạy ấy cho họ thấy rằng thị trường do họ chung tay gây dựng từ nhiều năm đã thực sự hoạt động, rằng nếu hiểu được thị trường, họ hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm bán chạy (hiểu thị trường sách như thế nào lại là chuyện khác). Nhưng phải nói rằng sách bán chạy ở nước nào cũng thế, chủ yếu là “hàng chợ”; không chỉ best-seller ở Mỹ, mà ngay ở Pháp, nhìn các danh mục đỉnh cao hằng năm là ngán luôn đấy; nhưng ở nước nào các danh mục này cũng cần thiết, nó bơm thêm nhiệt tình, nó khẳng định niềm tin rằng ngành xuất bản có lợi nhuận, nó lại còn là cơ hội để các độc giả tử tế mặc sức giễu cợt.
Ngoài ra, theo tôi, đừng quá quan tâm đến best-seller. Sai lầm của hầu hết cơ sở xuất bản bùng nổ hồi 2005 chính là đã quá quan tâm đến best-seller; best-seller là thứ rất thích, rất vui, nhưng long-seller mới là thứ quan trọng; làm sao những đầu sách in lần đầu năm 2005 mà đến nay vẫn tái bản đều đặn mới giỏi”.