Cây xanh là di sản không thể đốn bừa

 05:58 | Thứ sáu, 28/11/2014  0

Để có một hệ thống cây xanh đô thị hoàn chỉnh, để có các đường phố - công viên rợp bóng cây xanh, không thể ngày một ngày hai. Theo thời gian trên ba trăm năm, trải qua bao cuộc bể dâu, bộ mặt đô thị Sài Gòn - TP.HCM luôn được chính quyền các thời đại và cộng đồng cư dân quan tâm tạo dựng, bảo tồn và phát triển. Hiện trạng cây xanh đường phố của thành phố hôm nay là thành quả của hàng vạn trái tim, khối óc bao thế hệ.

Nếu chỉ nhìn những hàng cây xanh trên các nẻo đường với con mắt thuần túy cơ học thì chúng ta chỉ thấy hình thái, sắc màu. Nếu nhìn bằng con mắt nghệ thuật, chúng ta cũng chỉ thấy được giá trị tôn tạo mỹ quan đô thị. Nhưng nếu nhìn ở góc độ thuỷ chung thì chắc hẳn chúng ta không thể không nhìn nhận sự đóng góp trí và lực của biết bao con người đã làm nên lịch sử cho hệ thống cây xanh ngày nay. 

Khi nhìn nhận các công trình kiến trúc chúng ta thường nghĩ tới dấu ấn văn hoá, và rồi biết bao công trình đã được công nhận là di sản văn hoá, thậm chí di sản văn hoá của nhân loại, vậy còn hệ thống cây xanh thì sao? Bài trí cây trên vỉa hè, công viên, quảng trường... cũng đòi hỏi tính nghệ thuật.Trồng và chăm sóc cây cũng đòi hỏi kỹ thuật cao không thua kém kỹ thuật kiến tạo công trình kiến trúc. Một công trình kiến trúc hoành tráng, sắc sảo, tinh tế nhưng đứng chơi vơi giữa không gian không một bóng cây đã vô duyên, nhưng đứng giữa một tổ hợp cây xanh lộn xộn, nhếch nhác, thiếu tính hài hoà càng vô duyên gấp bội. Nói thế để thấy cây xanh luôn gắn bó với bản sắc văn hoá vùng miền, đặc biệt là nhiều cây xanh cổ thụ lại là chứng tích của văn hoá - lịch sử mà TP.HCM là nơi có những ví dụ điển hình. Chính vì ý nghĩa này, từ cuối năm 2010 phong trào tôn vinh cây di sản được khởi xướng, và tính đến nay trên toàn quốc đã có khoảng 700 cây cổ thụ được hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) tiến hành công nhận cây di sản quốc gia.

Nếu ai cũng nghĩ rằng cây xanh là di sản văn hoá thì việc đốn bỏ cây xanh là điều phải cân nhắc. Trong ảnh: Đường Tôn Đức Thắng đoạn từ Lê Duẩn đến mé sông Sài Gòn dài gần một km có khoảng 260 cây cổ thụ. Ảnh: Trung Dũng

Nhiều đường phố ở TP.HCM đang sở hữu những cây xanh có tuổi đời trên trăm năm, thậm chí có trường hợp lên đến 200 - 300 năm như ở đường Tôn Đức Thắng, đoạn chạy qua nhà Truyền thống Ba Son có những cây xà cừ (sọ khỉ) với đường kính thân trên 150cm. Nhìn vào những cây đó, chúng ta không nên đơn thuần thấy sự đồ sộ của nó mà cần thấy được những dấu ấn văn hoá - lịch sử gắn liền với những năm tháng nó vươn lên. Trong quá trình hình thành và phát triển của thành phố, hệ thống cây xanh là một hợp phần quan trọng. Bởi vậy, trong công tác quản lý cây xanh, Nhà nước và chính quyền các cấp không chỉ quan tâm đến sinh thái môi trường, mà còn quan tâm đến cả sinh thái nhân văn.

Từ nguồn gốc đến sự kiện khi gây trồng, từ địa danh đến ý nghĩa tôn tạo cảnh quan... đều là ý nghĩa sinh thái nhân văn gắn liền với từng cây xanh khiến nó được bảo tồn theo dòng thời gian phát triển của thành phố. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng cây xanh nói chung, cổ thụ nói riêng là di sản và không chỉ là di sản vật thể mà còn có thể xem là di sản phi vật thể. Vì nhìn vào hệ thống cây xanh đô thị, người ta có thể đoán được bản sắc văn hoá của một thành phố. Rất tiếc là mãi cho đến nay TP.HCM chưa hoà nhập phong trào tôn vinh cây di sản.

Nếu ai cũng nghĩ rằng cây xanh là di sản văn hoá thì việc đốn bỏ cây xanh là điều phải cân nhắc, không thể dễ dàng tuyên bố đốn bỏ hàng trăm cây cổ thụ trên một đường phố như trường hợp đường Nguyễn Văn Hưởng vừa qua. Tôi nghĩ rằng, Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định bảo tồn cây xanh cổ thụ là cơ sở pháp lý giúp chúng ta bảo vệ một loại di sản văn hoá đáng trân trọng.

Để phát triển đô thị, việc cải tạo nâng cấp, mở rộng đường phố là cần thiết, nhưng không thể vì thế mà thẳng tay đốn bỏ hết những “di sản văn hoá” từng chở che, bảo bọc cho cộng đồng, cho di tích, cho cảnh quan văn hoá hằng trăm năm. Nên chăng thành phố dành một diện tích để xây dựng “vườn bảo tàng cây di sản” nhằm đón nhận những cây cổ thụ được bứng dưỡng, di dời từ các trục đường phố cần nâng cấp, mở rộng.

_____________________ 

Ký tên bảo vệ cây xanh

Một cây sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng đã bị cắt hết phần ngọn (Ảnh chụp ngày 20.11). Ảnh: Trung Dũng 

Một nhóm người trẻ đã thành lập website http://happytreeinsaigon.com/home/, nhằm tập hợp danh sách chữ ký - dự kiến danh sách này sẽ được tổng hợp gửi cho những cơ quan, tổ chức có liên quan để chính quyền biết ý nguyện của nhân dân liên quan đến việc hạn chế chặt cây, giữ gìn màu xanh thành phố, đồng thời kêu gọi cân nhắc trong việc tiến hành các dự án, công trình công cộng làm ảnh hưởng đến mảng xanh vốn nhỏ nhoi của TP.HCM. Trước đó, sáng 16.11, một nhóm các bạn trẻ yêu cây xanh thuộc website Happytreeinsaigon.com đã đến ngã tư đường Tôn Ðức Thắng - Lê Duẩn để căng băng rôn dài 150m với những khẩu hiệu bảo vệ cây xanh, cây cổ thụ trong thành phố, đặc biệt là kêu gọi cân nhắc việc chặt bỏ cổ thụ trên đường Tôn Ðức Thắng. Sự việc diễn ra sau khi hai cây sọ khỉ trước cổng nhà máy đóng tàu Ba Son bị đốn bỏ (ngày 12.11) để thi công tuyến metro.  

Về việc đốn hạ hàng loạt cây xanh, trả lời báo chí ông Nguyễn Khắc Dũng, trưởng phòng quản lý công viên cây xanh của sở Giao thông Vận tải cho biết, các loại cây xanh được đề nghị đốn hạ cho dự án cầu Thủ Thêm 2 là cây nằm dọc theo chiều dài của cầu và gần các trụ cầu. Ðây là những cây lớn, có đường kính thân từ 80cm trở lên, nếu bứng dưỡng thì khả năng cây chết rất cao và đòi hỏi chi phí thực hiện lớn. Ngoài dự án cầu Thủ Thiêm 2, mới đây khu quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc sở đã đề nghị đốn bỏ 215 cây sọ khỉ trên đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2 để mở rộng đường và đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Trên một bản tin của Vnexpress, cho biết TP.HCM có khoảng 5.000 cây cổ thụ, so với số dân hơn 8 triệu người hiện nay thì 1.600 người đang chia nhau một cây. Tháng 10 vừa rồi, hàng trăm cây trên đường Nguyễn Huệ bị đốn hạ.

N.Trực

__________________________ 

NGƯT Đỗ Xuân Cẩm, cựu giảng viên đại học Nông lâm - Huế

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.