Chàng trai Huế dạy máy tính học

 05:56 | Thứ sáu, 02/01/2015  0

ây là lần đầu tiên có một người Việt Nam: TS. Lê Viết Quốc, 32 tuổi - được trao giải thưởng này, với ý nghĩa tiên phong trong việc phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo cho máy tính. Trước đó, nhiều tên tuổi lớn của giới công nghệ đã từng được trao giải TR35, như: Larry Page và Sergey Brin (hai nhà đồng sáng lập Google), Jonathan Ive (thiết kế huyền thoại của Apple), Linus Benedict Torvalds (cha đẻ hệ điều hành Linux)...

Tuổi thơ mê sách

“Tôi học rất bình thường, chỉ có một đam mê lớn nhất là đọc sách…” - là câu trả lời quen thuộc của Quốc. Nói thêm về điều đó, Quốc cho biết ở nước ngoài người ta rất chú trọng đến lòng đam mê của cá nhân vì theo họ, dù không quá giỏi nhưng nếu đam mê cũng sẽ cố gắng thành người giỏi, và không bỏ cuộc giữa chừng.

Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo ở Hương Thuỷ (Huế), tuổi thơ của Quốc không có điện để sinh hoạt, không có tivi, mưa bão phải chong đèn học... Quá nhiều thiếu thốn nhưng đổi lại, Quốc may mắn được sống trong dòng họ có tình yêu sách bất tận. Gần nhà anh cũng có một thư viện để những lúc rảnh rỗi anh có thể đến mượn đọc say sưa. Năm lớp bảy, Quốc tình cờ tìm thấy trong tủ sách của cha những cuốn sách thật khác lạ, viết về những bước tiến của lịch sử nhân loại và người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Những cuốn sách ấy khiến “cây” tuổi thơ của anh được “tưới” lên niềm tin, rằng khoa học có sức mạnh kỳ diệu, có thể làm được những điều vĩ đại. Từ đó, Quốc miệt mài tìm đọc sách về không gian, các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thế giới... Một lần tình cờ, anh đọc được những cuốn truyện tranh Doreamon và vô cùng thú vị với ý tưởng một robot đến từ tương lai đã giúp đỡ con người nhiều việc trong cuộc sống hiện tại. Sau khi tìm hiểu, Quốc nhận thấy để tạo ra con robot là một quá trình công phu, nhưng quan trọng nhất chính là yêu cầu về “trí thông minh” cho robot. Từ đó Quốc đã liên tục đặt ra những câu hỏi về lĩnh vực này và nỗ lực đi tìm câu trả lời.

Trí khôn của máy đây!

Tốt nghiệp trường Quốc học Huế năm 2000, Quốc chọn điểm đến tiếp theo cho đam mê nghiên cứu của mình ở đại học Bách khoa TP.HCM. Học ở đây khoảng một học kỳ, Quốc nhận được học bổng phát triển của Úc (AusAID) du học chuyên ngành khoa học máy tính ở đại học Quốc gia Úc. Quốc cho biết, cơ duyên lớn nhất trong cuộc đời anh, có ảnh hưởng sâu sắc đến định hướng nghiên cứu, là giữa năm 2004 khi còn là sinh viên ở Úc anh có dịp làm việc về machine learning - một chuyên ngành của bộ môn trí tuệ nhân tạo - với giáo sư Alex Smola, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Năm 2007, với sự giới thiệu của giáo sư Alex Smola, Quốc sang Đức làm nghiên cứu với viện Max Planck Institute for Biological Cybernetics. Cùng thời gian đó, Quốc nộp hồ sơ nghiên cứu tiến sĩ ở đại học Stanford (Mỹ). Quốc đến Stanford làm việc về machine learning dưới sự hướng dẫn của giáo sư Andrew Ng - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo.

Bài viết của tác giả Tom Simonite trên tạp chí Technology Review cho biết, từ khi học tại Úc đến khi làm nghiên cứu tiến sĩ tại Standford, Quốc đã tìm hiểu về trạng thái của một cỗ máy thông minh. Những sản phẩm gọi là “phần mềm máy học” (machine learning software, một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến phát triển kỹ thuật cho phép máy tính có thể “học”, ứng dụng trong những lĩnh vực như truy tìm dữ liệu, nhận dạng giọng nói, phân tích thị trường chứng khoán... - NV) trên thực tế vẫn rất cần sự hỗ trợ từ con người. Người ta phải giải thích dữ liệu, như phân loại những tấm ảnh có gương mặt người hoặc không, trước khi phần mềm “tiếp thu” chúng. Sau đó, họ phải lập trình cho phần mềm rằng những dữ liệu nào đáng chú ý, như đặc điểm hình dáng của những chiếc mũi. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù này không tạo được hứng thú cho Quốc. “Tôi không phải là người kiên nhẫn cao”, Quốc cười khi trả lời Tom Simonite.

Cũng vì “không hứng thú” với công nghệ hiện tại mà trong quá trình nghiên cứu ở Stanford, Quốc xây dựng một chiến lược có thể khiến phần mềm tự “tiếp thu”. Các học giả trước đó đã công bố những báo cáo đầy hứa hẹn, dù kết quả còn hạn chế, về một phương pháp gọi là “học tập sâu sắc” vốn sử dụng một mạng lưới nơron mô phỏng. Quốc đã nhìn ra cách thúc đẩy phương pháp này đáng kể bằng việc xây dựng mạng lưới quy mô gấp 100 lần để có thể xử lý dữ liệu nhiều hơn hàng nghìn lần. Phương pháp chứng tỏ tính thực tiễn cao, và lọt vào tầm mắt của Google. Nhận được lời mời cộng tác của Google, Quốc đến làm việc ở đây hai năm cùng các nhà nghiên cứu khác, do giáo sư Andrew Ng làm trưởng nhóm. Công trình nghiên cứu mang tính đột phá này đã được vinh danh trên trang nhất New York Times xuất bản ngày 25.6.2012, gây xôn xao trong công đồng khoa học quốc tế và khiến các “ông lớn” về công nghệ: Facebook, Microsoft và nhiều công ty khác đua nhau đầu tư vào nghiên cứu. “Google không chỉ là tìm kiếm. Ở Google, người ta luôn muốn tập hợp những người hàng đầu. Tôi rất ấn tượng với môi trường làm việc và kỹ sư ở Google. Là những nhà khoa học, kỹ sư hàng đầu, nhưng họ rất bình dị, khiêm tốn, và trân trọng những người xung quanh. Khi tôi đưa ra ý tưởng, họ đều muốn giúp mình, phát triển để hoàn thiện ý tưởng của mình”, Quốc nhận xét.

Không đi theo đám đông

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào đầu năm 2013 ở Stanford, Quốc nộp hồ sơ ứng tuyển làm giáo sư ở các trường đại học của Mỹ, để có điều kiện tiếp tục theo đuổi các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Kết quả, Quốc được nhận vào làm giáo sư đại học Carnegie Mellon. “Muốn làm cái gì to tát đôi khi phải nghĩ khác một chút, chấp nhận mạo hiểm. Hãy đi và phát triển con đường cho chính mình”, Quốc chia sẻ ngắn gọn.

Mặc dù đã được vinh danh quốc tế, được báo giới nhận xét là một trong những người Việt Nam trẻ tuổi sớm tiến nhanh ra thế giới, đi cùng những giá trị toàn cầu và đã lưu chữ ký cá nhân trong địa hạt nghiên cứu khoa học, nhưng Quốc vẫn cho rằng: “Tôi không giỏi lắm đâu, may mắn là được học bổng, được tiếp xúc với môi trường nghiên cứu quá hiện đại. Tôi luôn nghĩ mình phải phấn đấu”, Quốc nói. Điều vui nhất với Quốc là đã trở thành một trong những người góp công cho mảng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, làm việc trong môi trường có rất nhiều người giỏi đã giúp anh học được rất nhiều. “Tôi được học cách làm việc chăm chỉ và vì giá trị mình hướng tới, phải tự khám phá ra chính mình, khám phá đam mê của bản thân, thiếu thì tìm tòi học hỏi. Tôi cũng được học phải biết tôn trọng ý kiến của người khác, sai đúng chỉ là tương đối, và phải có khả năng độc lập để không đi theo đám đông”, Quốc chia sẻ.


 Bao nhiêu máy tính để nhận biết một con mèo?

TS. Lê Viết Quốc đang thuyết trình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cho các cử toạ quốc tế. Ảnh: TLNV

Công trình nghiên cứu của nhóm các giáo sư và nghiên cứu sinh thuộc đại học Stanford làm việc ở Google, trong đó có Lê Viết Quốc, đăng trên New York Times ngày 25.6.2012 có nhan đề “Bao nhiêu máy tính để nhận biết một con mèo? 16.000” (“How many computers to identify a cat? 16,000”). Theo đó, các nhà khoa học đã tạo ra một trong những mạng thần kinh lớn nhất bằng cách nối 16.000 bộ vi xử lý máy tính với nhau bằng một tỉ kết nối. Sau đó, bộ não nhân tạo này được cung cấp 10 triệu ảnh thumbnail chọn ngẫu nhiên trên youtube. Tiếp theo, bộ não được giới thiệu 20.000 vật thể khác nhau và nó bắt đầu nhận ra hình ảnh con mèo bằng cách sử dụng những thuật toán chuyên sâu. Những bộ vi xử lý này kết nối lỏng trên internet để tự học và sau đó tự nhận ra đâu là hình ảnh một con mèo cho dù không hề được “dạy” rằng một con mèo trông như thế nào. Thuật toán này có thể nhận diện những vật thể phổ biến trên youtube như người, vật nuôi, xe cộ... với độ chính xác cao. Công nghệ này đã được ứng dụng một phần trong phát triển phần mềm tìm kiếm hình ảnh và nhận diện giọng nói của Google…


 

Phan Tú - Dương Nữ

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.