Vừa qua, qua phản ánh của người dân và kiểm tra của các cơ quan chức năng, một khối lượng lớn chất thải của Formosa đã được phát hiện bị chôn lấp trái phép tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn Hà Tĩnh các (đồi Con Trò, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh và công viên Xanh, bãi rác Kỳ Tân).
Khu vực rừng tràm nơi phát hiện 100 tấn chất thải tự chôn lấp của Formosa - Ảnh: Vnexpress
Sau khi Bộ TNMT tổng hợp kết quả, so sánh, đối chứng, đánh giá kết quả phân tích từ các phòng thí nghiệm cho thấy: trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải có chứa thông số xyanua (CN-) vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Vì vậy, bùn thải bị chôn lấp trái phép đã được bốc xúc, lưu giữ với khối lượng là 390,72 tấn (bao gồm cả đất đá bị lẫn) là chất thải công nghiệp có lẫn chất thải nguy hại; phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại và phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, được cấp phép xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ TNMT, kết quả phân tích mẫu bùn thải nêu trên cho thấy công ty Formosa Hà Tĩnh đã có có nhiều vi phạm, như không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý theo quy định.
Đồng thời, Formosa đã chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định đối với trường hợp chuyển giao từ 5.000 kg trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xử phạt các vi phạm hành chính nêu trên theo quy định của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh phải khắc phục ngay hậu quả do việc chuyển giao bùn thải không đúng quy định”, thông cáo báo chí từ Bộ TNMT viết.
Cụ thể, công ty Formosa chịu hoàn toàn trách nhiệm phối hợp với công ty Kỳ Anh tiến hành ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý chất thải nguy hại để xử lý ngay 390,72 tấn bùn thải lẫn đất đá nêu trên, và chịu toàn bộ chi phí cho việc xử lý này. Quá trình vận chuyển, xử lý giao Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm chủ trì và phối hợp giám sát, kiểm tra
Đồng thời, Formosa phải tiến hành đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với các loại bùn thải nguy hại phát sinh theo quy định; xây dựng kế hoạch xử lý chất thải (công nghiệp rắn thông thường, chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại) cho toàn bộ Dự án và phải hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền trước ngày 30.8.2016.
Riêng với việc chôn lấp trái phép bùn thải nguy hại của Công ty Kỳ Anh, theo Bộ TNMT, là có dấu hiệu tội phạm về môi trường. Do vậy, Bộ sẽ bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm của công ty Kỳ Anh cho Công an tỉnh Hà Tĩnh để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sau khi phát hiện Formosa thải bậy, đoàn công tác của Bộ TNMT và cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã yêu cầu công ty Kỳ Anh phải thu gom, đóng gói toàn bộ lượng chất thải đã chôn lấp trái phép, phối hợp với đơn vị có chức năng vận chuyển về xử lý chất thải; đưa lượng chất thải thu được đến ngày 17.7.2016 là 390,72 tấn (bao gồm cả đất đá) được niêm phong và chuyển về lưu giữ tại cơ sở xử lý chất thải của công ty TNHH Một Thành viên chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh.
Các mẫu bùn thải, mẫu đất và mẫu nước mặt, nước ngầm tại các khu vực chôn lấp chất thải trái phép đã được lấy (gồm 38 mẫu bùn thải, 30 mẫu đất tại vị trí chôn lấp và khu vực đất xung quanh, 01 mẫu nước giếng khoan và 03 mẫu nước suối trong khu vực).
Bên cạnh kết quả bùn thải của Formosa là chất thải nguy hại, cũng theo Bộ TNMT, kết quả khảo sát môi trường đất, môi trường nước cho thấy: nước mặt, nước ngầm và đất tại vị trí chôn lấp bùn thải và khu vực xung quanh chưa bị ô nhiễm do việc chôn lấp trái phép bùn thải nêu trên gây ra.
Lê Quỳnh
» Phát hiện 100 tấn chất thải Formosa chôn trong trang trại
>>Vụ Formosa: Bao giờ thì khôi phục môi trường biển để làm ăn lại bình thường?
» Vân Lâm: Thủ phủ Formosa, tâm điểm của ung thư
» Vụ cá chết hàng loạt: Dân miền Trung cần khởi kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại
» Thảm họa Formosa: đã làm được gì và còn phải làm gì?
» Hậu sự cố Formosa: “phải rà soát lại tất cả dự án tại Việt Nam”
» Một vài suy nghĩ sau khi Formosa nhận lỗi gây sự cố môi trường miền Trung
» Bốn bài học rút ra từ thảm họa môi trường Formosa
» Từ cá chết Vũng Áng đến Formosa: Nhìn lại quy hoạch môi trường
» Thảm họa Formosa: Pháp lý của việc bồi thường và quyền của người dân bị thiệt hại
» Thảm họa Formosa: Từ cảnh báo di dân đến đề xuất ngừng hoạt động