Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã phải đối diện với đại dịch COVID-19 đợt thứ 4. Các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ được áp dụng, đã tạo được niềm tin trong dân chúng, cho dù vẫn còn đây đó một số bất cập trong vận hành, lơ là chủ quan ở một số địa phương đơn vị... khiến nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng xã hội tiếp tục phải đối diện với những thách thức mới.
Cho đến nay, các đợt dịch tái đi tái lại, cuộc sống phải ở “trạng thái bình thường mới” với sự suy giảm kinh tế, nhiều khó khăn hơn. Thế nhưng, khi đối phó với dịch bệnh, trên bình diện xã hội đặc thù ấy, chúng ta nhìn rõ hơn những bất cập, hoặc nhiều thói quen cũ, suy nghĩ cũ, kiểu làm cũ không còn phù hợp trong trạng thái xã hội mới và dịch bệnh như hiện nay. Chính vì vậy, những thách thức dịch bệnh đang buộc cả bộ máy vận hành xã hội phải giã từ những lề thói cũ, kiểu cách cũ, để những tư duy mới, phương thức mới được thực thi, đi vào đời sống.
Thói quen dùng khẩu trang khi ra đường, có thể về lâu dài sẽ không còn, một khi xã hội đã an toàn. Thế nhưng từ nay, những cuộc giao ban trực tuyến, những buổi học online, dù có thể hiện tại chưa hoàn hảo, sẽ là một phương thức quen thuộc, bởi lợi thế thích nghi về nhiều mặt, tiện ích, tiết kiệm của nó, đã thể hiện được cả trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua nên sẽ trở thành xu hướng mới. Những thay đổi trong tâm lý xã hội dẫn đến thay đổi quan điểm, lối sống sau những tác động của đại dịch thật đa diện, và tự mỗi người đều cảm nhận được.
Cách đây gần 10 năm (năm 2012, 2013) có phong trào trang bị iPad cho các đại biểu HĐND ở một số địa phương, hướng đến “tiện ích số” trong các sinh hoạt nghị trường địa phương. Trong bối cảnh “bình thường cũ”, nhiều ý kiến công luận đã đặt vấn đề về sự lãng phí ngân sách, có thể đó cũng có phần vì cách sử dụng của nhiều người được trang bị. Tất nhiên, những ý kiến lúc đó là một cách phản biện, giám sát và đòi hỏi tính minh bạch, hiệu quả của việc chi tiêu tiền thuế của dân. Giờ đây, những hạ tầng này đã trở nên một yêu cầu cấp bách trong hoạt động Quốc hội, Đảng, Chính phủ, bởi tính thuyết phục của nó, không chỉ trong phòng chống dịch mà còn hướng đến tiết kiệm chi phí xã hội.
Cho dù chưa có một báo cáo tổng kết đánh giá nhiều mặt về ích lợi của việc số hóa trong giao dịch xã hội, nhưng nhìn vào hoạt động của Cổng Dịch vụ công quốc gia có thể thấy một xu hướng khó đảo ngược. Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương từ tháng 12.2019 (thời điểm COVID-19 khởi phát ở Vũ Hán - Trung Quốc), lập tức thu hút người dân, nhất là từ tháng 1.2020. Theo số liệu, lượng truy cập của người dân tăng vọt từ 11 triệu lượt vào cuối tháng 1.2020 lên đến 28 triệu vào cuối tháng 3.2020.
Theo Báo Chính phủ, tính đến cuối tháng 2.2021, có khoảng 112 triệu lượt truy cập, gần 452.000 tài khoản đăng ký; hơn 34 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái và hơn 840.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chính phủ điện tử được khởi động từ năm 2000 nhưng có thể nói, chỉ hơn một năm qua Cổng Dịch vụ công quốc gia càng trở nên phổ biến và hữu ích mà tình hình đại dịch COVID-19 hẳn có vai trò xúc tác không nhỏ.
Dịch bệnh COVID-19 tạo ra cú sốc đã đưa đến một nhận thức sâu sắc hơn, nhằm củng cố mạng lưới y tế cộng đồng, như một “lưới đỡ sức khỏe” hữu hiệu cho người dân trong mọi tình huống.
Hạ tầng phục vụ họp hành và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) thay thế việc phát hành, in ấn, sao chụp hàng trăm ngàn bộ hồ sơ, tài liệu giấy, liên kết với các đầu mối địa phương, giúp điều hành chung của Chính phủ đã diễn ra thông suốt. Không chỉ Chính phủ, mà Quốc hội, các ban ngành của Đảng đã tăng cường họp, chỉ đạo, điều hành trực tuyến. Các phiên họp online của Quốc hội trong năm 2020, mở đầu một phương thức sinh hoạt nghị trường mới không chỉ thích nghi trong thời dịch bệnh mà còn có thêm hiệu quả, đó là tiết kiệm rất nhiều ngân sách chi phí cho các triệu tập họp hành theo phương thức cũ.
Ở khía cạnh xã hội, các chuyển động rõ nét nhất là giao dịch qua mạng, bán hàng online, thanh toán online, chi trả trợ cấp xã hội, đã triển khai vào thực tế, đem lại tiện ích cho người dùng. Ở lĩnh vực giáo dục, việc học online, trước mắt là thực hiện giãn cách xã hội theo quy định chung, nhưng để tận dụng cơ hội thay đổi này cũng cần có chính sách khuyến khích, không chỉ là kiện toàn hệ thống hạ tầng mà các chính sách học phí, thi cử cũng phải thay đổi cho phù hợp với phương thức giảng dạy, học hành thay đổi đó.
Cú sốc dịch bệnh COVID-19 chưa có tiền lệ hiện nay cũng cho thấy hệ thống y tế của Việt Nam cần được củng cố và có những thay đổi căn bản. Hệ thống y tế cơ sở/cộng đồng, trong đại dịch đã phát huy được vai trò rất lớn trong việc khoanh vùng, dập dịch. Phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cho dù được coi là cốt lõi của nền y tế Việt Nam, nhưng vẫn chưa được thực thi một cách đầy đủ trong thời gian dài. Dịch bệnh COVID-19 tạo ra cú sốc đã đưa đến một nhận thức sâu sắc hơn, nhằm củng cố mạng lưới y tế cộng đồng, như một “lưới đỡ sức khỏe” hữu hiệu cho người dân trong mọi tình huống. Những dự án triển khai như khai báo y tế qua mạng, dù là để phục vụ hoạt động cấp thời chống dịch, nhưng từ nền tảng đó hoàn toàn có thể phát triển thành cơ sở dữ liệu y tế quốc gia để hoạch định chính sách chung, cũng như thêm tiện ích cho từng người dân. Đại dịch cũng đẩy mạnh dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến ở nhiều nơi...
Việt Nam đã có chủ trương chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu tổng quát được ghi trong Nghị quyết 52-NQ/TW (tháng 9.2019): “Phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân...”. Những chuyển động trong thời gian qua là một cú hích quan trọng, cần được thúc đẩy mạnh hơn nữa bằng thể chế chính sách theo chủ trương đó.
Duy Thông