Công dụng của chế phẩm sụn cá mập
Sụn cá mập, một dạng thực phẩm bổ sung đang được bán trên thị trường, là một hợp chất được chiết xuất từ sụn của một số loại cá mập (cá đầu búa, cá mập gai…).
Sụn cá mập với thành phân chính là mô liên kết, bao gồm chất có tên là mucopolysaccharides (chứa chondroitin sulfate), glycosaminoglycans, chất đạm, calcium, và collagen.
Cho đến nay lợi ích trên lâm sàng của sụn cá mập với bệnh ung thư chưa được chứng minh, và còn nhiều tranh cãi về hiệu quả thật sự của sụn cá mập. Ảnh: TL
Do thành phần cấu tạo như vậy, nên sụn cá mập có một số lợi ích cho sức khỏe con người như sau:
Bổ sung khoáng chất: Với thành phần của sụn cá mập, có thể xem là một nguồn cung cấp các khoáng chất, đặc biệt là canxi và phospho cho cơ thể. Canxi là một khoáng chất cần thiết cho xương và răng cũng như có lợi cho hệ tim mạch. Phospho giúp cơ thể sử dụng được các khoáng chất và cần thiết trong một số chức năng riêng của thận.
Sụn cá mập và các bệnh về khớp: Thoái hóa khớp là một tình trạng bệnh mạn tính, diễn tiến từ từ và đặc trưng bởi tổn thương lớp sụn khớp. Chất glycosaminoglycans có trong sụn cá mập có vai trò giúp duy trì độ ẩm và chống lại áp lực đè lên sụn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, chất glycosaminoglycans và mucopolysaccharides (chứa chondroitin sulfate) có vai trò kích thích sản xuất các thành phần của sụn khớp, giúp làm chậm quá trình thoái hóa khớp diễn ra.
Ngoài ra, đặc tính bổ sung dịch khớp giúp cho khớp hoạt động dễ dàng hơn. Chondroitin là nguyên liệu chủ yếu trong quá trình tái tạo mô sụn và xương. Chất này cũng có tác dụng ức chế enzym elastase (men này là chất trung gian gây thoái hóa sụn khớp); kích thích quá trình tổng hợp các proteoglycan nên được chỉ định dùng bổ trợ trong các chứng tổn thương và thoái hóa khớp.
Nghiên cứu của khoa Dược và Khoa học đời sống, trường Đại học Tokyo đã chứng minh mối liên quan của chất chondroitin sulfate với vai trò điều hòa chức năng của tế bào sợi hoạt dịch và tế bào sụn trong việc bảo vệ khớp và chống tháo hóa khớp.
Bên cạnh đó, chất mucopolysaccharides (chứa chondroitin sulfate) có tính năng kích thích các đáp ứng miễn dịch có lợi cho phản ứng viêm trong cơ thể qua đó giúp giảm triệu chứng trong bệnh viêm khớp.
Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu về lợi ích của sụn cá mập và bệnh khớp chưa đủ lớn để có thể đưa ra khuyến cáo cính thức về tác dụng có lợi này cho người dân.
Sụn cá mập và bệnh ung thư: Bệnh ung thư là một bệnh lý có liên quan đến việc hình thành một số khối tế bào lạ (khối u). Quá trình hình thành và phát triển khối u liên quan đến hình thành các mạch máu mới để cung cấp chất dinh dưỡng cho khối u. Các khối ung thư phát triển rất nhanh nên phải luôn luôn tạo ra các mạch máu mới. Nếu quá trình sinh mạch máu mới không được tạo ra, khối u sẽ thiếu máu nuôi, các tế bào ung thư không sinh sản được, khối u sẽ ngừng tăng trưởng, bệnh.
Có nhiều nghiên cứu trên thế giới phát hiện ra đặc tính ức chế hình thành mạch máu mới của chất chondroitin sulfat có trong sụn cá mập. Ngoài ra, một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng chỉ ra một số chất có tên Troponin I, SCAIF-I có trong sụn cá mập, có tác dụng ức chế khả năng tân tạo mạch máu.
Đã có một thời gian, sụn cá mập được xem là thuốc điều trị ung thư và được bán trên thị trường nước ngoài rất nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay lợi ích trên lâm sàng của sụn cá mập với bệnh ung thư chưa được chứng minh, và còn nhiều tranh cãi về hiệu quả thật sự của sụn cá mập.
Nhiều nghiên cứu trên bệnh nhân ung thư không cho thấy sự khác biệt về diễn tiến bệnh, giảm các triệu chứng của bệnh, hoặc cải thiện thời gian sống còn của bệnh nhân khi có dùng thêm sụn cá mập trong thời gian điều trị. Các tác giả khuyến cáo nên có những nghiên cứu thêm và chi tiết hơn về các thành phần trong chiết xuất của sụn cá mập để làm rõ hiệu quả của sản phẩm này.
Sụn cá mập và các bệnh lý nhãn khoa: Ngoài ra, chất chondroitin sulfat có trong sụn cá mập cũng góp phần nuôi dưỡng các tế bào giác mạc mắt, tái tạo lớp giác mạc giúp mắt không bị khô do chondroitin sulfat có tác dụng tạo độ nhớt thích hợp và lớp dịch trước giác mạc.
Người ta cũng ghi nhận tác dụng duy trì độ trong suốt của giác mạc của chất chondroitin sulfat. Chrondroitin sulfat còn được dùng điều trị hỗ trợ trong các phẫu thuật nhãn khoa (đục thủy tinh thể, bệnh tăng nhãn áp…). Tuy nhiên, các bằng chứng y học về lợi ít của sụn cá mập trên bệnh lý nhãn khoa vẫn chưa có đủ số lượng và chưa đạt được mức đủ thuyết phục cho chỉ định lâm sàng.
Sử dụng sụn cá mập nên được cân nhắc trong từng hoàn cảnh để mang lại lợi ích tốt nhất. Ảnh: TL
Không phải ai cũng dùng được
Hiện tại sụn cá mập được bán rộng rãi dưới dạng thực phẩm bổ sung (thực phẩn chức năng), chứ không phải là thuốc điều trị. Tuy nhiên, để có thể sử dụng cho hợp lý nhằm đạt được hiệu quả, cần đúng liều dùng. Một số trường hợp cần lưu ý:
Tránh dùng chondroitin sulfat trong những trường hợp cơ thể cần hiện tượng tăng sinh mạch để phát triển, lành vết thương hoặc có hiện tượng tăng nhu cầu năng lượng như: trẻ em đang lớn, phụ nữ muốn có thai hoặc đang mang thai, đang thời kỳ nuôi con bú, người bị tai biến về tim mạch, bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật lớn, bệnh nhân bị phỏng diện rộng, hoặc vận động viên cần phát triển cơ bắp (tập thể hình, cử tạ...)
Không nên dùng sụn cá mập đối với bệnh nhân bị đái tháo đường do sụn cá mập có tác dụng thay đổi đường huyết nên sẽ gây khó khăn trong kiểm soát lượng đường trong máu của bệnh nhân.
Ngoài ra, do lượng calcium có trong sụn cá mập nhiều, việc dùng chung sản phẩm này với sản phẩm bổ sung calcium cần được lưu ý và nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Tóm lại, sử dụng sụn cá mập nên được cân nhắc trong từng hoàn cảnh để mang lại lợi ích tốt nhất. Vì thực phẩm chức năng không phải là thuốc điều trị nên để điều trị các bệnh như nói trên, bệnh nhân vẫn cần được khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa.
TS-BS. Lê Nguyễn Trung Đức Sơn
(Giảng viên thỉnh giảng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM)