Những điều con muốn...
1. Dù là con một duy nhất, được ba mẹ yêu thương và cưng chìu như trứng mỏng nhưng Vy vẫn thấy thiếu thốn tình cảm, bởi thời gian ba mẹ dành cho cô bé không có. Ba mẹ luôn an ủi với cô bé rằng ba mẹ rất vất vả với công ăn việc làm và ba mẹ làm như vậy để sau này tương lai của Vy sẽ được sung sướng, cô bé cứ thắc mắc mãi tại sao ba mẹ quá bận rộn đến nỗi không có thời gian để gặp bé? Bù lại xung quanh Vy lúc nào cũng có 3,4 cô chú thay ba mẹ phục vụ mọi nhu cầu cho Vy.
2. Khoa, 13 tuổi đã từng viết trong nhật ký của mình “Mẹ nói mẹ yêu thương con nhất, nhưng thật sự mẹ đã hiểu gì về con? Con cần gì? Con suy nghĩ gì? Con muốn gì? Đã bao giờ mẹ biết chưa? Mẹ mua sắm cho con rất nhiều áo quần đắt tiền, các vật dụng học tập sang trọng nhưng toàn là những thứ mẹ chọn theo sở thích của mẹ. Mẹ mua cho con bảo hiểm cả tỷ đồng nhưng con lại không cần, mẹ hướng cho con sau này đi du học nhưng con lại không hề muốn...”.
3. Sinh ra trong gia đình ba mẹ đều là những người tài giỏi và thành đạt, vì vậy mà ngay từ nhỏ, Bảo đã được ba mẹ ép vào “khuôn khổ” rất sớm, với nhiều kỳ vọng vun đắp cho Bảo thành tài. Bảo luôn phải sống theo sự xếp đặt, theo quỹ đạo của cha mẹ đặt ra.
Những niềm mơ ước của Bảo rất nhỏ nhoi nhưng vẫn khó thực hiện được. Bảo chưa bao giờ được nô đùa, chạy giỡn như bạn bè, được chơi những trò chơi trẻ con như thả diều, chơi bi, bắn súng,… Ai cũng nói Bảo là giỏi, là sung sướng nhưng chỉ mỗi Bảo thì luôn thấy cuộc sống của mình buồn, chán và tẻ nhạt.
Ảnh minh họa
Và tương lai, hạnh phúc của con
Tất cả những điều cha mẹ làm đều bắt nguồn từ mong ước cho con có một tương lai tốt đẹp. Buộc trẻ làm theo những điều ba mẹ thích và khi con cái làm được những yêu cầu của mình thì cha mẹ sẽ hài lòng và hãnh diện về con. Cha mẹ thường áp ước mơ, mong muốn của mình lên cuộc đời trẻ để nhào nặn trẻ theo khuôn mẫu của ba mẹ, tước đi những cơ hội cho con được là chính bản thân con.
Ba mẹ yêu con theo cách của ba mẹ, quá quan tâm nhiều đến sự thành đạt, đến tương lai tốt đẹp của trẻ nhưng lại ít chú ý đến nhu cầu tinh thần của trẻ. Vì không hiểu và không chia sẻ được với con những cảm xúc, suy nghĩ nên khoảng cách giữa cha mẹ và con tuy gần trong gang tấc nhưng lại xa cách trong tâm hồn.
Nhiều đứa con hiện diện trước cha mẹ là một dấu hỏi lớn bởi cha mẹ không thể nào hiểu được tâm tư, tình cảm của con. Con đường đi ngắn nhất đến trái tim của trẻ phải thông qua sự hiểu biết cảm xúc của trẻ. Chính sự chia sẻ vui, buồn, mong ước, nhu cầu của trẻ rất có lợi cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ luôn cảm nhận niềm hạnh phúc được cha mẹ yêu thương, quan tâm và tôn trọng; từ đó xác lập được sự tín nhiệm, lòng yêu thương và trách nhiệm của trẻ đối với cha mẹ.
Mỗi giai đoạn lớn lên của con, những nhu cầu tình cảm của trẻ về cha mẹ cũng khác nhau, vì vậy sự quan tâm thương yêu của cha mẹ dành cho con cũng thay đổi cho phù hợp với tâm sinh lý của trẻ. Cha mẹ yêu con, hiểu con ở mức độ nào để đứa con có thể cảm nhận trọn vẹn tình yêu thương của cha mẹ thật sự là điều quan trọng và cần thiết.
Chỉ khi thật sự gần gũi con, nắm bắt được nhu cầu của con, thấu hiểu con thì những điều cha mẹ làm cho con mới thật sự có ý nghĩa và giá trị để đứa trẻ luôn trân trọng, biết ơn và hãnh diện về cha mẹ.
Vì vậy, cha mẹ đừng quá lo lắng về tương lai của con mà quên đi khoảng thời gian hiện tại của con, làm sao để con luôn cảm nhận được cuộc sống mỗi ngày trải qua đều có ý nghĩa, trẻ cần có những cảm xúc tích cực về tình cảm gia đình.
Gieo trồng ở con những nét tính cách tốt như sự tự lập, tính mục đích, lòng tự tin và sự quyết đoán để khi con đến đúng độ tuổi trưởng thành, môi trường và nhu cầu phù hợp, thì chính con sẽ có đủ sức mạnh tạo nên tương lai cho chính mình bằng mục tiêu của bản thân con, bằng sự nỗ lực, quyết tâm và bản lĩnh của con.
Điều đó có nghĩa là cha mẹ đã tạo cơ hội để con được trưởng thành trong cuộc sống.
Nguyễn Thị Mỹ Linh (Thạc sỹ Tâm lý học)