Ngày 28.1.2015, phiên họp đặc biệt về Don Sahong sau 6 tháng các nước bị ảnh hưởng thực hiện Tham vấn trước với đập này vừa được tổ chức bởi Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Kông (MRCS). Theo đó, quá trình Tham vấn trước cả cấp quốc gia và cấp vùng đã đi đến kết luận rằng, các thông tin do chủ đầu tư cung cấp chưa đầy đủ, thiếu nhiều số liệu, chưa đề xuất được các biện pháp phù hợp để giảm thiểu các tác động, đặc biệt là giải pháp cho đường di cư của cá.
Vì vậy, cả ba nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều cho rằng cần có thêm thời gian và thông tin, dữ liệu để các đối tác của Ủy hội nghiên cứu, đánh giá sâu và chi tiết hơn về các tác động xuyên biên giới, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đường di cư của cá, cũng như có đánh giá về hiệu quả các biện pháp giảm thiểu do chủ đầu tư đề xuất.
Thủy điện Trung Quốc trên thượng nguồn Mekong - ảnh: TL
Tại phiên họp, phớt lờ kết quả trên cũng như của hàng loạt phản ứng mạnh mẽ của dư luận trong khu vực, cùng kết quả của các cuộc tham vấn cộng đồng các địa phương bị ảnh hưởng, Lào vẫn giữ vững quan điểm: quy trình PNPCA đã kết thúc.
Trước những quan điểm khác nhau của các nước thành viên đó, phiên họp kết thúc với nhất trí: MRCS sẽ đưa vấn đề lên Hội đồng MRC - cấp cao nhất - đưa ra ý kiến chỉ đạo.
Tuy nhiên, với kết quả này, trong thông cáo báo chí của mình, tổ chức Sông ngòi quốc tế đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với yêu cầu gia hạn thời gian Tham vấn trước với Don Sahong của ba nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, bởi lỗ hổng kiến thức vẫn đang tồn tại và rủi ro cao của các giải pháp giảm thiểu hiện nay. Tổ chức này cho rằng: Don Sahong không nên được xây dựng.
Đồng tình, trao đổi với Người đô thị, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, nguyên trưởng nhóm Tư vấn Quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược hệ thống đập dòng chính hạ nguồn Mê Kông, hiện là chuyên gia độc lập sông Mê Kông phân tích, với Don Sahong, Lào đang có những lập luận tránh né. Theo ông Thiện, tác động chính của đập Don Sahong là về cá di cư vì đập Don Sahong chắn ngay nút thắt cổ chai của đường cá di cư, sẽ có rủi ro tác động rất lớn về thủy sản ở Tonle Sap và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam; và vấn đề nữa là Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Lào cho đập Don Sahong thiếu hẳn Đánh giá tác động xuyên biên giới và tác động kinh tế xã hội. Các biện pháp giảm thiểu tác động đối với thủy sản đưa ra trong báo cáo chỉ mang tính lý thuyết, thiếu tính khoa học và khó thuyết phục.
“Lào đã không hề đề cập đến những vấn đề chính, gây quan ngại của Don Sahong mà lại chuyển sang nói là đập Don Sahong không gây xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Quả đúng như thế, nhưng đó không phải là chuyện của đập Don Sahong. Thay vào đó, Lào dùng lập luận nói đập Don Sahong là đập nhỏ để trấn an dư luận, nhưng không nói rõ là đập nhỏ, lợi ích do điện mang lại nhỏ (chỉ 260MW) nhưng lại có khả năng gây tác hại lớn đối với thủy sản. Câu hỏi đặt ra là: lợi ích nhỏ, thiệt hại lớn, sao Lào lại cương quyết làm? Phải chăng đây là phép thử sự phản ứng quốc tế, với đập Xayaburi chặn trên và Don Sahong chặn dưới trong số 9 đập ở Lào?”. Ông Thiện đặt vấn đề.
Còn tổ chức Sông ngòi quốc tế thì cho rằng: kết quả phiên họp cuối cùng về Don Sahong chưa đưa đến một thỏa thuận thống nhất cho thấy tranh chấp trong khu vực vẫn đang tiếp tục bởi Don Sahong. Trong khi đó, với tính chất của mình, MRC không có vai trò trong việc quyết định các đập này được xây dựng hay không, vì MRC chỉ là một diễn đàn hợp tác để các Chính phủ thảo luận. Vì vậy, một lo ngại rất lớn vẫn đang treo lơ lửng trên đầu bất cứ ai quan tâm và đang đấu tranh cho sự sống còn của dòng Mê Kông là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng: dù việc Lào vẫn quyết tâm xây dựng trên dòng chính Mê Kông - việc có thể khó kiểm soát được - thì vẫn rất cần những tiếng nói minh bạch và khoa học! Đó còn là trách nhiệm, nhất là khi thực tế hiện nay, quy trình PNPCA chưa thực sự được thực hiện một cách có ý nghĩa. Hàng chục triệu người dân bị ảnh hưởng trong lưu vực chưa hề được nghe và hiểu về những gì đang diễn ra, sắp ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ. Những người được tham vấn nêu quan ngại của họ nhưng không được phản hồi và đưa vào xem xét trong quyết định xây dựng đập.
Theo ông Thiện, việc Lào quyết tâm xây dựng các đập trên dòng chính Mekong là điều đáng tiếc. Vấn đề ở đây không phải là hy vọng hay không hy vọng, mà là vấn đề yêu cầu các bên cần phải tuân thủ Hiệp định hợp tác Mekong 1995, trong đó đặc biệt là PNPCA cần được thực hiện một cách có ý nghĩa, việc đánh giá tác động phải là thật và phải khoa học. Thực tế cho thấy, cả hai báo cáo Đánh giá tác động môi trường của đập Xayaburi trước đây và đập Don Sahong hiện nay do Lào cung cấp đều kém chất lượng, dưới chuẩn khoa học, không có đánh giá tác động xuyên biên giới và các biện pháp gọi là khắc phục đưa ra đều chỉ là “phán” lý thuyết, không có cơ sở để tin rằng các biện pháp này hữu hiệu. Đặc biệt là không có ai chịu trách nhiệm khi các biện pháp này không hữu hiệu trong tương lai và khi nguồn tài nguyên chung của người dân trong lưu vực bị mất đi.
Lê Quỳnh
“Chia sẻ lợi ích trên dòng chính Mê Kông là điều không tưởng”
-Người đô thị: Khi Lào quyết tâm xây dựng các đập thủy điện trên sông Mê Kông vì vấn đề kinh tế, có ý kiến đưa ra giải pháp chia sẻ lợi ích giữa các bên trên dòng Mê Kông (thực tế trên nhiều dòng sông xuyên quốc gia trên thế giới đã làm điều này). Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Chia sẻ lợi ích là điều không tưởng, vì mấy lý do sau. Thứ nhất là lợi ích mà các đập thủy điện mang lại rất nhỏ so với tổng thiệt hại trên toàn lưu vực đối với 60 triệu người. Chỉ riêng tổn thất về cá Mekong đã là to lớn hơn nhiều so với doan thu từ điện của các đập này. Thứ hai, toàn bộ các đập này là do nhà tư bản nước ngoài đầu tư xây dựng theo phương thức BOT, tức là trong 25 năm đầu thì nhà đầu tư nước ngoài lấy 69% và nước chủ nhà chỉ được 31% doanh thu bán điện. Thứ ba, chia sẻ lợi ích thì dựa trên cơ sở nào? Nếu dựa trên cơ sở thiệt hại thì việc đầu tiên là phải đo đếm được điều kiện nền hiện nay, sau đó đo đếm lại sau khi có đập, loại trừ các yếu tố ảnh hưởng môi trường khác, thì mới tính được thiệt hại. việc này vô cùng phức tạp và rất dễ tranh cãi.
- Trong tình hình đang như hiện nay, với tư cách là một nhà nghiên cứu độc lập, đã có nhiều nghiên cứu, khảo sát về các đập trên dòng Mê Kôn, theo ông giải pháp nào cho hiện nay?
Vẫn là yêu cầu các bên tuân thủ Nghị định hợp tác Mekong 1995, dựa trên khoa học, và cân nhắc cẩn thận quyết định xây đập vì một khi đã ra quyết định thì sau này hối tiếc đã muộn bởi vì tác động của các đập này là vĩnh viễn và không phục hồi được.
Còn giải pháp khắc phục tác động cho ĐBSCL là rất khó. ĐBSCL được hình thành cách đây 6000-3000 năm trong thời kỳ biển lùi, do quá trình kiến tạo đồng bằng là một quá trình tự nhiên, miệt mài của Sông Mekong trong nhiều ngàn năm. Nay nếu 11 đập được xây dựng, mất nguồn phù sa, quá trình này sẽ bị ngưng hoàn toàn và quá trình ngược lại sẽ diễn ra, sạt lở, sụt lún, và như thế trong thời gian dài nếu tính bằng thế kỷ thì ĐBSCL chưa chắc còn tồn tại được. Vấn đề trước mắt là mất dinh dưỡng trong phù sa thì dù tăng phân bón cũng không duy trì năng suất lúa được, và mất phù sa thì giảm năng suất thủy sản ven biển. Mất nguồn cá biển và mất nguồn cá nước ngọt thì ngành thủy sản khó đứng vững vì thủy sản nuôi phụ thuộc rất nhiều vào cá trắng nước ngọt và cá tạp biẻn làm nguồn thức ăn. Kể cả thức ăn viên công nghiệp cũng sản xuất từ cám và cá biển, cả hai đều phụ thuộc vào phù sa.
Lê Quỳnh thực hiện
Ngoài các dự án thủy điện dòng chính trên thượng nguồn sông Mê Kông mà Trung Quốc đã, đang và sẽ xây dựng, hiện nay ở hạ lưu vực Mê Kông các quốc gia cũng có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện dòng chính, trong đó 9 đập được dự kiến ở Lào và 2 đập ở Campuchia.
Tháng 12.2012, mặc dù còn nhiều tranh cãi, Chính phủ Lào đã khởi công đập Xayaburi, đến nay đã đạt khoảng 30% tiến độ xây dựng. Tiếp theo, tháng 10.2013, Chính phủ Lào thông báo cho MRC và các quốc gia thành viên về việc xây dựng đập thứ hai là Don Sahong. Dự án này có công suất 260 MW và chỉ cách biên giới Campuchia 1,5 km về phía hạ lưu. Tuy nhiên, trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá trước đây và hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng: Don Sahong có thể gây những tác động xuyên biên giới, đặc biệt về sự di cư của cá và đa dạng sinh học, chưa kể đến nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của Lào ở vùng Siphan Don nói chung và thác Khone nói riêng.