Tuy thế ít ai biết rằng trước khi làm thơ, ông cũng đã từng dấn thân vào mảng truyện ngắn. Với việc thu thập cũng như tìm kiếm thời gian gần đây, một Thâm Tâm truyện ngắn đã được hiện ra vô cùng khác biệt.
Cảo thơm lần giở...
Theo đó, ngoài 38 truyện ngắn được viết trong giai đoạn 1941 – 1944 từng được giới thiệu vào năm 2000 cũng như tiểu thuyết Thuốc mê đã được xuất bản trong những năm qua, thì thời gian qua, gia đình của cố tác giả cũng đã cất công tìm kiếm trong các kho tư liệu trong và ngoài nước để hoàn thiện thêm di sản của ông.
![]() |
Nhà thơ Thâm Tâm. Ảnh: wikipedia |
Mới đây, hai tác phẩm mới là tiểu thuyết Nỗi ân hận dài và tập truyện ngắn Gió thu hoa cúc gầy rồi là những phát hiện mới nhất, đã được xuất bản. Cùng với Thuốc mê, thì Nỗi ân hận dài là tiểu thuyết thứ hai của Thâm Tâm, từng được ra mắt bởi Nhà xuất bản Á Châu dưới tên Nguyễn Tuấn Trình (tên thật của Thâm Tâm), vào năm 1945. Bản gốc của tác phẩm này được PGS-TS Lưu Khánh Thơ – em gái của cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cung cấp cho gia đình.
Bà Thơ cho biết, cách đây gần 20 năm khi thực hiện bộ Từ điển Tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945), bà cùng với các cộng sự có nhiệm vụ khảo sát, tìm hiểu các tác phẩm văn xuôi ra đời trong thời gian này. Khi tìm thấy Nỗi ân hận dài của Nguyễn Tuấn Trình, bà đã có sự nghi ngờ đây là tác phẩm của cố nhà thơ Thâm Tâm, vì nhân vật chính trong đó mang nhiều chi tiết giống cuộc đời thực của chính tác giả.
Và khi hỏi qua nhà văn Tô Hoài, thì bà được biết là trước Cách mạng tháng Tám, quả thật Thâm Tâm từng có cho in một cuốn tiểu thuyết. Tuy vậy cũng chưa có gì là thật rõ ràng, chỉ cho đến khi bà bắt gặp lời giới thiệu ở bìa bốn một cuốn sách khác: “Mời độc giả đón đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay Nỗi ân hận dài của Thâm Tâm”, thì lúc đó mọi thứ mới được khẳng định.
Nỗi ân hận dài theo đó ra đời trong thời gian ông sống cùng gia đình ở Hà Nội, kiếm sống bằng nghề vẽ tranh, bắt đầu làm thơ cũng như viết văn. Tuy nhiên nếu không vô tình có lời quảng cáo cũng như tiết lộ từ nhà văn Tô Hoài, thì ta cũng dễ xác định đây là một tác phẩm của Thâm Tâm, khi hai truyện ngắn Mưa khuya và Chiều thơ tìm thấy sau đó, đã một lần nữa khẳng định điều này, khi sở hữu cốt truyện hoàn toàn tương đồng với tiểu thuyết trên.
Các bản in do gia đình thu thập trong di sản của Thâm Tâm. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa, con trai cố nhà văn.
Thuộc tập truyện ngắn Gió thu hoa cúc gầy rồi, hai truyện đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy là Mưa khuya (số 274 ngày 2.9.1939) và Chiều thơ (số 288 ngày 9.12.1939) không chỉ chính là nền tảng cho tiểu thuyết trên, mà còn khẳng định Thâm Tâm bước vào văn nghiệp từ sớm, và loại hình đầu tiên mà ông chọn chính là truyện ngắn chứ không phải thơ, khi bài thơ sớm nhất được cho là viết vào năm 1940.
Nỗi ân hận dài là tiểu thuyết kể về anh họa sĩ Lê, người trong những ngày đáng chán cùng cực, bỗng dưng gặp được cô Hoàng, một người thiếu nữ với vẻ ngoài lạnh lùng nhưng đã thắp sáng hồn anh. Tuy vậy hạnh phúc thì chẳng tày gang, cô bị lao xương dẫn đến đôi lứa sớm bị chia cắt bởi những lễ nghi thời xưa cũng như số phận có phần khắc nghiệt với người thiếu nữ.
Trong tiểu thuyết này, ta sẽ thấy lại một sự tương đồng với truyện ngắn Xóm khuya trong các miêu tả nội tâm, như tiếng gà gáy thưa, tiếng mưa đập vào ca nước, những chiếc lá rơi như thân phận người… Ngoài ra tuyến truyện thứ hai trong Nỗi ân hận dài cũng hoàn toàn trùng khớp với Chiều thơ, khi cũng là những phân cảnh đi trên ruộng lúa, đôi lứa nô đùa đắm trong tình yêu…
Như vậy, từ sự tương đồng giữa các truyện ngắn và tiểu thuyết trên, cũng như một số lượng lớn truyện ngắn tìm thấy gần đây, có thể khẳng định bên cạnh mảng thơ, thì Thâm Tâm cũng có di sản truyện ngắn vô cùng phong phú, đăng trên các tạp chí lớn của thời điểm đó như Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm, Truyền bá quốc ngữ…
Thế nhưng vì sao lại có sự tương đồng này?
Đặc điểm truyện ngắn Thâm Tâm
Theo nhà phê bình văn học Văn Giá, Thâm Tâm từng có thời gian góp bài cho Tiểu thuyết thứ bảy rải rác suốt từ 1941 – 1944. Đây là ấn phẩm của nhà Tân Dân, do ông Vũ Đình Long làm chủ nhiệm và có sự góp mặt của nhiều những văn nghệ sĩ lớn, như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư… Thâm Tâm thuộc lớp văn nghệ sĩ thứ hai, cùng Nam Cao, Ngọc Giao, Tô Hoài… nhận được nhiều sự yêu quý của đông đảo độc giả, bởi khoảng thời gian cộng tác lâu dài.
Tuy nhiên cũng có thể do sự thúc bách trong một giai đoạn mà phải lo cơm ăn áo mặc hằng ngày, dẫn đến truyện ngắn của Thâm Tâm thường có đề tài khá tương đồng nhau, hoặc các truyện này sẽ được sử dụng để làm tiền tố cho các tiểu thuyết tiếp sau, như Nỗi ân hận dài là một ví dụ. Điều này ta có thể thấy ở nhiều truyện ngắn khi cùng khai thác chung một đề tài hay các vấn đề nhân sinh có cùng cốt truyện, cũng như bài học nhân văn mà nó gửi gắm.
Bộ ba tác phẩm vừa mới ra mắt của nhà văn - nhà thơ Thâm Tâm. Ảnh: Linh Lan Books
Nói về đặc điểm truyện ngắn của Thâm Tâm, ta có thể thấy tác phẩm của ông không đi dài rộng suốt một quãng đời, mà đó chỉ là những thời khắc nhỏ với các diễn biến tâm lý được miêu tả lại thật sự tinh vi. Ông cũng không thiên về hướng hành động, mà đó chủ yếu là các diễn biến nội tâm có phần phức tạp và đầy vi tế. Những truyện ngắn như Xóm khuya, Ánh thuốc lóe trong đêm tối hay Yêu hoa, há phải yêu riêng cúc, Mùa cúc tàn xong, thật hết hoa!... đều có diễn biến nội tâm của các nhân vật chứa nhiều nỗi niềm.
Nhân vật của Thâm Tâm cũng thường là những con người vô cùng nhỏ bé trong xã hội này. Họ thường gặp phải cảnh huống éo le, và bị nhấn chìm trong số phận đó. Chiếm giữ phần đông vẫn là những người đàn bà góa chồng, những cô thiếu nữ vắng mẹ từ sớm… chịu nhiều đè nén từ phía dì ghẻ cũng như nhà chồng, với mẹ chồng cay nghiệt, người chồng vô tâm cũng như những chứng bệnh nan y bất đắc kỳ tử.
Ngoài ra Thâm Tâm cũng rất chú ý đến những người già, với nỗi tiếc nuối cũng như hoài nhớ đầy sự u buồn… Cõi nhân vật của Thâm Tâm dường như cũng mang theo tính phù du, biến ảo nhanh chóng… phần nào vận vào đời ông, minh chứng cho cái chết trẻ vô cùng đáng tiếc của cố nhà văn.
Tuy đây là các áng văn đầy tính hiện thực, thế nhưng dễ thấy phong cách của riêng Thâm Tâm là rất lãng mạn. Trong những miêu tả xét về bối cảnh, ông thường dùng những từ ngữ đậm đặc chất thơ, có tính ước lệ một cách đặc biệt. Và cũng do sự gần gũi khi viết về đời sống đô thị những năm xưa cũ mà cho đến nay, các truyện ngắn này vẫn còn sống động và đầy lôi cuốn.
Như vậy từ các tác phẩm mới được ra mắt, thì 83 truyện ngắn viết trước thời điểm 1945 của Thâm Tâm đã được giới thiệu cũng như ra mắt. Hy vọng với sự giúp đỡ của các bạn đọc, bạn văn - những người yêu quý Thâm Tâm, cũng như quy trình số hóa các tài liệu cũ của thời hiện đại, thì di sản của ông từ sau Cách mạng tháng Tám đến khi qua đời sẽ sớm được tìm thấy, cũng như giới thiệu cho đông đảo bạn đọc trong nước, làm trọn vẹn thêm di sản của nhà văn – nhà thơ Thâm Tâm.
Minh Anh