Thời gian ngâm rượu là khác nhau tùy từng loại thảo dược, tùy theo số lượng, mức độ phân chia của dược liệu. Ngâm từ 10 - 100 ngày hoặc hơn. Thời gian ngâm có thể ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng rượu, nhưng không nhất thiết làm tăng giá trị dinh dưỡng hay lợi ích sức khỏe.
Chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh rằng uống loại rượu càng ngâm lâu năm sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Ảnh: CTV
Mỗi loại rượu có yêu cầu khác nhau về thời gian ủ, có loại ngâm càng lâu càng tốt (rượu vang), có loại có thể yêu cầu thời gian ủ ngắn hơn nên dùng ngay không nên để lâu (rượu hoa quả,…).
Rượu càng ngâm lâu các tinh chất có trong dược liệu càng được tiết ra. Thời gian ngâm quá lâu có thể dẫn đến việc chiết xuất các chất độc tố từ một số nguyên liệu thảo mộc, tăng nguy cơ ngộ độc khi uống.
Rượu ngâm nếu điều kiện lưu trữ không tốt, thời gian quá dài sẽ ở một mức độ nào đó làm cho ethanol bay hơi, khiến nồng độ giảm thấp, tác dụng kháng khuẩn sẽ giảm đi, thảo dược có thể sinh ra nấm mốc, khi uống có thể gây ngộ độc rượu.
Chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh rằng uống loại rượu càng ngâm lâu năm sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Quan trọng là uống một lượng rượu có giới hạn, cân nhắc tình hình sức khỏe cụ thể của bản thân và hỏi thầy thuốc đông y về loại rượu thuốc mà mình uống.
Một số loại rượu ngâm thông dụng mà các gia đình có thể sử dụng: Rượu thuốc sâm dương đại bổ tửu (giúp đại bổ khí huyết, tăng cường sinh lực); Rượu thuốc khí huyết đại bổ tửu (giúp điều hòa khí huyết, tăng cường miễn dịch)...
Mỗi ngày chỉ nên dùng 1 đến 2 lần, mỗi lần 20 - 30ml trong hoặc sau bữa ăn để có tác dụng tốt nhất. Không nên lạm dụng rượu thuốc. Sản phẩm không dùng cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 15 tuổi, dị ứng với bất kỳ thành phần nào của của rượu thuốc.
BS-CK2. Huỳnh Tấn Vũ
(Giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM; Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Cơ sở 3)