Một người phụ nữ có ngoại hình đẹp là người có những đường cong tự nhiên thu hút, uyển chuyển, biết cách ăn mặc phù hợp, tôn lên vẻ đẹp của vóc dáng. Một người phụ nữ đẹp như thế khiến bao người đàn ông khát khao, như một sự khao khát bản năng về cái đẹp.
Nên đôi khi, đàn ông thường hoang tưởng về vẻ quyến rũ của phụ nữ, mong muốn được vẽ nên, được thấy, được tự tay cảm nhận nét đẹp rất tự nhiên đó một cách mãnh liệt. Là một nhà thiết kế nội thất, lại là một người đàn ông, tôi cũng như bao người, ao ước nồng nhiệt được thể hiện vẻ đẹp ấy một cách chân thực nhất, trong những tác phẩm của mình.
Oscar Niemeyer – kiến trúc sư nổi tiếng người Brasil, ông vua của những đường cong – đã từng nói: “Khi có một không gian lớn để chinh phục, đường cong là giải pháp tự nhiên”.
Quả đúng thật, như cái đẹp, cái quyến rũ, tự nhiên người ta mơ tưởng, tự nhiên người ta nghĩ đến và tự nhiên người ta mong muốn đạt được. Những đường cong trong thiết kế làm mềm đi những khối sắt thép bê tông thô ráp, làm mượt mà những lối đi, góc cạnh, làm đôi mắt người nhìn chìm đắm trong những đường nét thướt tha, quyến rũ mải miết, tựa như chẳng có điểm dừng…
Tôi yêu việc thiết kế nên một không gian đẹp, quyến rũ và thật gợi cảm cho những cô nàng văn phòng đỏm dáng, quần là áo lượt. Tôi gọi tên không gian ấy là “Góc nhan sắc”(*)
Một không gian ấm áp với tone màu hồng nồng nàn, như người phụ nữ ở độ chín muồi của nhan sắc. Lẽ tất nhiên, người phụ nữ ấy phải rất đẹp. Nàng đẹp từ cái nhìn đầu tiên, ở những đường cong mềm mại của nàng, cứ như lượn lờ, ôm ấp lấy người đối diện. Từng đường nét uốn lượn trên trần, trên vách, trên cả thảm lót dưới lối đi, và tất nhiên là cả bàn, cả ghế, cả cái không gian trưng bày, kệ, tủ, đến ghế ngồi dành cho khách đến với nàng, cũng đều cong cong một đường cong hoàn mỹ.
Chưa kể khách hàng, ngay cô bé nhân viên trẻ trung xinh đẹp sống cùng nàng mỗi ngày còn thấy ghen tị với nhan sắc của nàng. Nhưng trên tất cả, cô sung sướng được sống trong vẻ đẹp ấy. Làm việc trong một không gian đẹp như thế, dễ có mấy ai mà không thích cơ chứ! Cô thấy vui, và cô kể với bạn bè về niềm vui, niềm tự hào đó. Chẳng phải một cách quảng bá rất mềm và rất thực tế đấy sao!
Nàng đã đẹp, thì đến những chi tiết ít ai để ý cũng đẹp. Không gian sâu bên trong khi bước qua khu vực lễ tân và phòng làm việc là phòng họp. Khi họp nàng cũng điệu đà lắm. Nàng là thế. Bàn họp là sự kết hợp rất duyên của ba vòng tròn đan lẫn vào nhau, những đường cong làm người đối diện dễ thấy mặt nhau hơn, người ngồi họp cảm thấy thoải mái hơn tại những khoảng lõm lượn lờ. Đến đèn trên trần cũng uốn lượn hài hoà với tổng thể thiết kế thì phải nói rằng: Hoàn hảo!
Dáng cong không chỉ dành riêng cho những không gian mang sắc màu nữ tính. Cũng như phụ nữ, một thế giới toàn người đẹp thì lấy ai hưởng thụ hết tất cả những vẻ đẹp ấy! Cho nên, dáng cong đem nhấn nhá vào những nơi công sở trang trọng mà người ta thường mặc định là khuôn mẫu và có phần tẻ nhạt, thì sẽ dung hoà được tính âm dương phong thuỷ, một sự tương giao trong tương phản.
Một quầy lễ tân dáng mềm mại, thấp thoáng một lọ hoa tươi mỗi sáng có lẽ khiến cho sự chờ đợi của khách nhẹ nhõm hơn chăng. Hay một băng ghế được thiết kế một chút cong cong, một chút lạ lạ sẽ làm khách hàng thích thú hơn!
Chuẩn đẹp của người phụ nữ thường được thực tế hoá bằng thước đo “nhất dáng, nhì da” thì đường cong trong thiết kế chính là một trong những hình dáng ban đầu: “nhất dáng”, để gây ấn tượng với những người đầu tiên bước đến một công ty. Một nét cong duyên dáng làm dịu đi góc cạnh khô khan, tạo vẻ thân thiện và khiến mọi người xích gần nhau hơn.
Một chiếc bàn tròn sẽ tạo cảm giác như một cuộc thảo luận thân mật hơn là một chiếc bàn dài chữ nhật trong một cuộc họp mang tính trang trọng. Một kệ hồ sơ cong mềm mại tạo cảm giác tương tác nhiều hơn một chiếc tủ sắt vuông vức lạnh lẽo, đồng thời linh hoạt hơn trong việc lưu trữ, trưng bày. Thậm chí một chiếc sofa uốn lượn với những cái đôn ghế tròn cũng tạo cảm giác thoải mái và thú vị hơn hẳn một chiếc ghế dài nhàm chán, quen thuộc.
Thiết kế đường cong không phải là một thiết kế đơn giản như đặt một chiếc bàn chữ nhật giữa phòng họp, đặt một quầy tiếp tân vuông vức ở sảnh hay đặt bốn chiếc kệ tủ vào bốn bốn góc phòng. Đường cong nếu không chăm chút sẽ dễ lạc lõng giữa mẫu không gian hình hộp đô thị.
Kiến trúc sư phải tính toán về độ cong, về hình dáng cong, về kích thước, về vị trí cùng sự kết hợp với nhiều chi tiết khác trong một bản thiết kế hoàn thiện. Khi đường cong không còn là một đường gợi mà gần quá với tả thực, và sử dụng quá nhiều trong một không gian thì gần như sẽ có cảm giác bó buộc, lẩn quẩn, không thông thoáng.
Nhưng với một chút tinh tế, mảng tường chỉ hơi cong cong được kết hợp với cửa sổ bằng kính kích thước rộng, vậy là vấn đề không gian chật đã được giải quyết. Ngoài tính thẩm mỹ, đường cong giúp giải quyết khúc mắc về không gian và góp phần tạo đường dẫn cho một tầm nhìn rộng hơn.
Tôi gọi thiết kế của mình là “Nút thắt” cho điểm nhấn cầu thang uốn lượn, trong một công trình cũng khá lâu rồi. Ngoài việc giải quyết vấn đề không gian, phong cách là một yếu tố được đặc biệt quan tâm cho lần sáng tạo này. Tôi thích những người phụ nữ có phong cách.
Nàng có thể mặc một chiếc váy dài của thập niên 70, khác hẳn với những chiếc váy cũn cỡn thấy hàng ngày ngoài đường, nhưng một đường xẻ tà ôm ót, khoe khéo đôi chân thon, thì sức quyến rũ mới thật sự chết người. Hay một chiếc quần ống rộng của các thiếu nữ Sài thành những năm đầu thế kỷ 20 nhưng biến thể một chút sáng tạo, thành chiếc quần dáng palazzo gấp pli sành điệu kết hợp cùng đôi giày cao gót và một chiếc vòng cổ lấp lánh, nàng thơ thật sự đã xuất hiện. Phong cách chính là sự kết hợp giữa cái cũ và cái mới theo hướng thời thượng, nổi bật và mang được cá tính riêng.
Kiến trúc là môn nghệ thuật sáng tạo cái đẹp, thì một cách tự nhiên nhất, phong cách luôn được thể hiện trong những tác phẩm của hàng trăm ngàn kiến trúc sư trên thế giới này. Trở lại với bản thiết kế cầu thang ngày trước, tôi mang niềm khát khao về sự kết hợp phong cách và đường cong phụ nữ tuyệt mỹ ấy vào công trình của mình, vừa cổ điển, vừa hiện đại, cuốn hút, với ước mơ chinh phục chính mơ ước của mình.
Công trình nội thất du thuyền RV. La Marguerite lấy ý tưởng từ bộ phim kinh điển L’Amant (Người tình) với những thiết kế đặc trưng những năm 1920, cổ điển và sang trọng. Thật không gì phù hợp hơn một chiếc cầu thang bậc gỗ uốn lượn dáng iconic xoay vòng, mềm mại, uyển chuyển và gợi cảm như chính cái tên Người tình.
Tay vịn kết hợp giữa gỗ và sắt uốn, hoa văn chạm trổ tinh tế, tuy nhiên không quá rườm rà mang cảm giác nặng nề. Khi đặt chiếc cầu thang cong vào vị trí cầu thang thẳng thì hiệu quả khác hẳn. Chỉ với đường cong nhẹ giữa một không gian trang trọng đã tạo được sự thướt tha nhất định nhưng không kém phần cao sang, đài các.
Khi đứng phía dưới, người ta chỉ thấy được thấp thoáng những đường cong ẩn hiện phía trên, mà những thứ ẩn hiện thì luôn thu hút trí tò mò vốn có, và khi đặt bước chân cuối cùng lên tầng trên, không gian mới thật sự mở ra, khoả lấp cho sự thoả mãn trí óc ấy. Đó là ý nghĩa của hai chữ “Nút thắt”.
Nếu nhìn từ dưới lên, cầu thang được kết hợp với ánh sáng, thì các đường cong dường như đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. Sự nặng nề thô kệch của chiếc cầu thang biến mất, và một cách khéo léo, đã trở thành điểm nhấn, nối kết hai tầng vô cùng ấn tượng.
Vẻ đẹp của đường cong ứng dụng trong cầu thang mang lại nhiều nét duyên ngầm tinh tế: nhẹ nhàng, sang trọng, quý phái như một quý bà nhưng lại mạnh mẽ, vững chãi như một quý ông. Chiếc cầu thang dường như thoát ra khỏi chức năng kết nối không gian theo chiều đứng một cách khô khan mà đã trở thành điểm xuyết đặc biệt cho cả công trình. Thiết kế này đã đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2010 thể loại nội thất.
Bản chất của đàn ông là chinh phục. Quý ông luôn mải miết trên con đường chinh phục của mình, và dường như chẳng bao giờ thấy hết hứng thú với việc đó. Tôi cũng thế. Mải miết với những nét cong cong duyên dáng trong những thiết kế của mình, ngày qua ngày, không biết chán và chưa bao giờ thôi ngừng lại.
Ngoài những đường cong hiện hữu bên cạnh, xung quanh, tôi mơ đến những đường cong cao hơn, rộng hơn và hoang hoải hơn, tựa như nhắm mắt lại và mở ra đã thấy ngay những đường cong mơn trớn ấy. Tôi mang giấc mơ của mình vào những nét vẽ đầy phóng khoáng cho những đường cong rộng lớn trên… trần nhà. Tôi thích sự choáng ngợp của không gian, khi vô tình ngước mắt nhìn lên.
Tôi thích cảm giác mênh mang của những đường cong, đường tròn vô định, dường như không gian như rộng hơn, mở hơn và vời vợi hơn… Cảm giác thật là thế hay là chỉ tôi tưởng thế! Ít nhất trong một khoảng không với cột cao, với góc nhọn, với bốn bức tường vuông, thì trần nhà với những đường cong khéo để thông thoáng, để tạo hiệu ứng ánh sáng hay đơn giản là để làm đẹp cũng đã mang một ý tưởng phá cách và sáng tạo đầy tính thẩm mỹ.
Đường cong muôn đời có nét quyến rũ riêng của nó. Để lưu giữ được nét đẹp ấy thì hãy cứ hiện thực hoá và tôn vinh. Hãy thử mang những thiết kế dáng cong vào chốn công sở khô khan đầy máy móc, một không gian nhà hàng rộng lớn, xa hoa hay một ngôi nhà nhỏ giữa bốn bức tường quen thuộc. Hãy để chính vẻ đẹp của dáng cong lên tiếng, một cách tinh tế nhất.
Và cũng như phụ nữ, trước một sắc đẹp rạng rỡ, yêu kiều, người ta còn biết làm gì hơn ngoài ngắm nhìn và trân trọng. Những dáng cong kiêu kỳ – hãy trân trọng sự sáng tạo ấy – vì chính chúng đã mang đến nét duyên ngầm cho không gian sống của mỗi chúng ta.
(*)Công trình Nội thất văn phòng Beauty Corner Unilever Việt Nam – Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2010. Các công trình minh hoạ được thực hiện bởi TTT Corporation.
Thanh Nhàn