Cử tri phản ánh công chức làm việc quan liêu, hiệu quả thấp

 14:45 | Thứ năm, 25/03/2021  0
Cử tri phản ánh việc thực hiện một số chính sách còn chậm, một số công chức, viên chức còn quan liêu, hiệu quả làm việc thấp.

2.278 ý kiến gửi đến kỳ họp

Tại phiên họp sáng 25.3 kỳ họp 15 Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho hay từ sau kỳ họp thứ 14, có 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp 15.

Theo đó, cử tri và nhân dân quan tâm nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và mong muốn cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng; đại biểu được bầu có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Ảnh: VPQH

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, cử tri và nhân dân còn lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gây khó khăn rất lớn đến sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân; lo ngại trước tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và tình trạng khai báo y tế thiếu trung thực.

Cử tri và nhân dân cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh vẫn phải ngừng hoạt động hoặc giải thể; đời sống của một bộ phận nhân dân vùng bị thiên tai, dịch bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, ngành thương mại, dịch vụ bị tác động tiêu cực. Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp. Chất lượng dịch vụ, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn.

Về an ninh, trật tự và an toàn xã hội, cử tri và nhân dân còn lo lắng, bức xúc về tình trạng cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo; đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; khai thác tài nguyên trái phép; buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em còn xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong nhân dân…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Cử tri và Nhân dân mong muốn việc xây dựng chính sách pháp luật phải tiếp tục được đổi mới, tránh chồng chéo; cần lấy ý kiến góp ý và tiếp thu phản biện thiết thực hơn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện một số chính sách còn chậm, nhất là vấn đề lao động, việc làm. Một số công chức, viên chức còn quan liêu, hiệu quả làm việc thấp. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu phát triển của đất nước.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp.

Tỷ lệ trả lời đạt 98,1%

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết đến nay có 1.870 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 98,1%.

Theo ông Bình, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 58/58 kiến nghị, đạt 100%. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị được các đại biểu quốc hội tiếp thu, phản ánh khi đóng góp xây dựng pháp luật và trong hoạt động chất vấn.

Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tiếp nhận 1.807 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời 1.773 kiến nghị, đạt 98,1%, trong đó: 1.474 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 136 kiến nghị đã giải quyết xong; 163 kiến nghị đang được xem xét, giải quyết.

Đặc biệt, những vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được tiếp thu xem xét, giải quyết.

Ví dụ Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 130 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó quy định về người có nghĩa vụ kê khai hàng năm, việc xử lý đối với những người kê khai không trung thực... nhằm công khai, minh bạch tài sản, thu nhập để phòng ngừa tham nhũng ở những người có chức vụ, quyền hạn.

Không thống nhất giữa các cơ quan trong giải quyết kiến nghị

Ông Dương Thanh Bình cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế như vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến cử tri không đồng tình; một số kiến nghị cử tri qua nhiều kỳ họp chưa được giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn còn chậm.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Ảnh: VPQH

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu, từ Kỳ họp thứ 8, cử tri tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị có văn bản hướng dẫn kinh phí cho Kỳ thi THPT quốc gia để các địa phương có căn cứ thực hiện và kịp thời ban hành quy định mức chi chuẩn bị cho kỳ thi THPT năm 2020 theo quy định.

Tuy nhiên đến nay, Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính vẫn chưa thống nhất ý kiến nên văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.

Cử tri tỉnh Tây Ninh, Quảng Trị phản ánh một số trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chưa được bàn giao về địa phương quản lý, trong khi những cơ quan này đã được bố trí đất xây dựng trụ sở mới.

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các cơ quan trung ương và các địa phương khẩn trương phối hợp thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công, nhất là tài sản công là nhà, đất nhằm bảo đảm quản lý và khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng có sự không thống nhất về quan điểm giữa Bộ, ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật
Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị sớm có văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

Trả lời cử tri, quan điểm của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao chưa thống nhất.

Bộ Tư pháp cho rằng: hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ với bất kỳ số lượng nào đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, Tòa án nhân dân tối cao lại trả lời cử tri: trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể tham khảo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01 trong đó có quy định cụ thể về số lượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện các hành vi nêu trên.

Tuy nhiên, trên thực tế, thông tư liên ngành số 01 đã hết hiệu lực thi hành. Quan điểm của 02 cơ quan không thống nhất, có thể gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong áp dụng pháp luật.

Do đó, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 của Bộ luật Hình sự.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.