Càng ngày con người càng sống trong lo âu.
Con người sợ đói, sợ không có chỗ ở, sợ xấu, sợ bị khinh rẻ, sợ không hưởng thụ vật chất được như người… Và khủng khiếp nhất là xu thế miệt mài đi rao khoe về sự “trải nghiệm” hưởng thụ và xem đó là “thành công”, “giá trị”, “thành đạt” cho dù cái ý niệm về “thành đạt” chỉ là sản phẩm của trí não và mang tính ảo giác. Cái ảo giác này cũng “vì” cái thân thể được gọi tên là ông Y, cô Z, bà L... Cái thân thể gói trong một cái tên, để mọi người gọi và biết đến đó nó dắt con người đi (các loài khác không cần). Thân thể quá quan trọng. Cái giá thể thịt da quá quan trọng. Dù biết rút cái phần linh hồn ra khỏi giá thể kia, thì nàng hoa hậu hay chàng tỷ phú cũng rỗng không như bao kẻ khác.
Chút hữu cơ của cái giá thể nó kỳ diệu, quyền lực đến vậy.
Giá không có cái tên, cái “Tôi là...”, “Đây là tôi” thì con người không chìm đắm trong cái giá thể đó. Tạo hóa ác thiệt, cho cái tên, để rồi đày đọa từng sinh thể. Biến từng sinh thể thành từng sinh phận. Nổi trôi trên dương thế. Nhưng con người sẽ cho cuộc đọa đày đó là hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống. Hoan hô ý nghĩa cuộc sống. Hãy nói với nhau rằng: Cuộc đời là một bữa tiệc...
*
“Món” đầu tiên của bữa tiệc là được chạy nhảy hồn nhiên ít năm rồi kiếm chút kỹ năng (hoặc chữ/ tri thức...) để chuẩn bị sổ chuồng. Rồi thoát “chuồng” đi kiếm ăn, cùng lúc thưởng thức ái dục, gầy ra một gia đình riêng. Rồi nhấm nháp ăn ngon, sắm sửa, văn nghệ, đi đây đó và rượt tìm danh vị. Từng chút “món” đó phải lao động, nỗ lực và giành giật để có.
Và “món đời” cuối cùng là mọi người quen biết suốt chuỗi dài năm tháng đã qua có mặt để tiễn thế nhân đến lò thiêu hoặc ra nghĩa địa. Công thức “đến và đi” đơn sơ ngắn gọn vậy đó, nhưng con người khi sống phải điệp trùng trong niềm vui và nỗi đau, bấn loạn tâm trí, dày vò xác thân.
Những mảnh tìm vui.
Những mảnh niềm vui nhặt được trong hành trình đó được ngộ nhận là hạnh phúc. Nó đơn giản như niềm vui khi sắm được một chiếc xe hơi với những dày vò sau đó ở những lúc đi tìm chỗ đậu, đổ xăng, bị va quẹt trầy xước, hay bị kẻ gian cạy cửa. Hạnh phúc không phải là sự khoái chí, hả hê. Hạnh phúc là sự toàn giác, viên thành, an nhiên, tĩnh tại, vững vàng trong thân tâm, không xao động, là như không. Mà cái này thì không có được ở con người, càng khó với cõi phàm phu.
Con người không để con người hạnh phúc đâu, vì kéo nhau xuống là đặc điểm của loài hai chân này, và như một định lý rằng: “hạnh phúc là thứ không có thật”. Cứ thế, quần thảo nhau. Sống chung với các cực trượng phu và tiểu nhân, cao thượng và thấp hèn.
Nên đời là cả một bữa tiệc triền miên thăng giáng, ngọt đắng, trộn thành công vào trắc trở, trộn hoan hỉ vào sầu hận, trộn kiêu hãnh vào bi ai, trộn tiếng cười vào tiếng than. Nhìn lại đi, nó đơn giản như ta kết thúc một buổi dạ hội và trở về với chiếc giường loãng ở nhà. Chả có gì để mà gọi khoảnh khắc vừa qua là hạnh phúc hay niềm tự hào cả, khi giáp mặt với trụ cột chính thật của mình là sự “một mình”. Khổ đau nó luôn rập rình chực chờ sau niềm vui, trong hình thù thợ săn. Nhích trong từng centimet đó là một chuỗi dài. Có “thân”, đã là... khổ. Cái thân ngũ uẩn này là một gánh nặng.
*
Vì si mê vật chất mà loài người xung đột, từ mỗi đôi lứa lấy nhau, đến người thân, xóm giềng, các quốc gia, các dân tộc. Ngay cả đi “show” sự giàu sang hay sự thành đạt của mình cũng đã là nỗi khổ. Cứ thế, sơn trét phấn son, “diễn” cho đến lúc lực kiệt hơi tàn. Đời không phải là “bể khổ” mà lòng ham muốn của con người là bể khổ. Trong lịch sử loài người trên mặt đất, chưa bao giờ con người phải để ý đến từng mét đất như bây giờ. Cõi người, “mảnh đất” màu mỡ của quyết liệt sinh tồn, bi mộng, và tình thương.
Khoa học kỹ thuật là phương tiện (để thiết tạo sự thái hòa và văn minh ở cõi người), đã biến thành mục đích mất rồi.
Nhiễu nhương ê chề đến mức đó, nhưng con người lại thấy nó “bình thường”, và xem ấy cũng là bữa tiệc, bữa tiệc dài. Bữa tiệc hỉ - nộ - ái - ố. Một thứ “tiệc tùng” khủng khiếp.
Ngộ nghĩnh là con người lại đang bảo đây là buổi của “văn minh”, và “tiên tiến”. Người ta đang nhầm lẫn giữa thành tựu khoa học kỹ thuật với thành tựu văn minh của loài người, giá trị nhân tính, phẩm giá của loài. Nhân tính thụt lại so với khoa học kỹ thuật, rất xa. Chưa bao giờ trái đất hỗn loạn như bây giờ.
Bữa tiệc hỗn loạn.
Con người ngày nay sẽ tìm cách biện hộ hay ho về những lầm lạc của mình, nhưng sẽ không “lừa” được Thượng đế, đơn giản vì từng thân phận họ luôn cần phải đến nhà chùa, nhà thờ, thánh đường. Và không phải ngẫu nhiên tôn giáo nào cũng 3.000 năm, 2.600 năm, 2.022 năm, 1.500 năm mà vẫn không bao giờ lạc hậu, lạc thời.
*
Nghèo thì ước có cái để ăn, và giấc ngủ trằn trọc. Giàu thì lo mất đi của cải, giấc ngủ cũng không tròn. Con người thèm khát sự an lạc, cần tâm mình được an bình, trong trẻo. Bao giờ vô lo, vô ưu?
Cả thế giới tôn thờ vật chất. Kể cả khi bước chân vào thánh đường, hay đi chùa cũng chủ yếu để cầu cạnh lợi lộc, chứ không phải để phát triển tâm linh và hoàn thiện vận hành cuộc sống theo lời Chúa, Phật. Cứ mỗi độ đầu năm, người ta hay hỏi nhau về “kế hoạch phát triển tài chính” của năm mới mà không hỏi “kế hoạch phát triển nhân tính” hay “kế hoạch phát triển tâm hồn” của năm. Chắc “tiền” đã trở thành tâm linh, hoặc đức tin mất rồi.
Mấy ai thấy cuộc đời là một vũng lầy.
“Thiểu dục tri túc” - lời của bậc toàn giác Buddha khuyên dạy con người, nghĩa rằng ít ham muốn ắt là hiểu biết, sáng suốt, tránh được nhiều khổ đau. Nhưng lòng tham nó cứ chế ngự, khiêu vũ, gợn sóng, rủ rê. “Vực thẳm dễ lấp, túi tham khó đầy”. Rất khó để dừng. Con người phủ phục thôi.
Nguyên nhân của phiền não là ham cầu. Đối trị với những ham cầu là hạnh phúc, nhưng ai dám chọn khước từ ham cầu, “biết đủ” là đủ. Càng ngày con người càng cách xa bờ giác.
*
Con người khám phá hết mọi người, mọi nơi, nhưng không khám phá được mình. Nào ai quán chiếu mình. Tưởng hiểu mình, nhưng thực ra thì không, cái “thế giới” bên trong của mình.
Bước chân mưu sinh.
Đâu đó có khi con người cũng thấy mình bé mọn, nên cần bàn tay che chở của thần linh, Thượng đế, cụ thể là tôn giáo. Không phải ngẫu nhiên mà giữa thời buổi hoành tráng hiện đại này con người vẫn hét lên “Trời ơi!”, hoặc “Chúa ơi!” khi hữu sự, va phải niềm vui, hay bất hạnh. Giẫm đạp lên nhau để sinh tồn. Sự tử tế thật, phải vật lộn để được hiện hữu. Đạo đức thanh cao chỉ là mơ ước. Loài người khát vọng mãi về nó. Với không tới. Mà không thế ai gọi nó là cõi ta bà. Con người bất trắc. Con người cô đơn. Cả loài người cô đơn. Tôn giáo có “môi trường” để tồn tại, có “đất” để sống. Từ đó con người biết ơn “địa chỉ” cuối cùng: Chúa, Phật, thánh thần. Mấy ngàn năm rồi tôn giáo vẫn chưa ế thân chủ, “khách hàng”, nghĩa là chưa xong nhiệm vụ.
Tham - sân - si thiêu đốt con người. “Trong thế giới này, có đủ các thứ để cho mọi người sử dụng, thế nhưng không đủ cho một người có lòng tham vô đáy”, bậc đại nhân Mahatma Gandhi của xứ sở minh triết Ấn Độ từng nói vậy về sự tàn hại khi lòng tham hình thành nơi con người.
Con người đã đạt đến “cảnh giới”... buồn cười nhất, loài hài hước nhất.
Bữa tiệc tàn khốc.
Chặt đứt cái gốc rễ của vô minh, là ly lìa lòng cuồng say vật chất đó. Con người có đủ can đảm để “chơi lớn” như vậy không? Mấu chốt chỉ có vậy, rất đơn giản.
Chỉ riêng mỗi chuyện ái tình thôi mà tâm trí con người đã đoạn trường loay hoay với cái “đống” hiện tại - tương lai - ký ức rồi.
Cái ông Đen Vâu đó làm hưng phấn người trẻ, nhưng nhói tim người già, khi nhận ra được cái sự thật cuối cùng, là đặc tính của cô đơn và quy luật bọt bèo úa tàn mọi thứ nơi con người.
“Bữa tiệc đời” món nào cũng hỗn độn hương vị lừa mị sâu hiểm...
Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình