Thống kê chưa đầy đủ cho biết, hiện Việt Nam có hơn mười ứng dụng phổ biến định vị tự động dùng để đặt và điều phối xe taxi trên điện thoại thông minh, trong đó có một số ứng dụng của các nhà phát triển Việt Nam: Pingtaxi, Gọi xe taxi, Taxi và xe tải Việt Nam, Taxinavi, Taxi - Viet Nam… Tuy nhiên chỉ từ khi có cuộc đổ bộ của các ứng dụng gọi taxi trên điện thoại của các hãng nước ngoài với dịch vụ chuyên nghiệp, hiện đại, khuyến mãi lớn mới gây cơn sốt tiêu dùng trong đông đảo hành khách.
Đi taxi trúng iPhone 6 plus, được giảm giá
Mặc dù có cùng cách thức hoạt động dịch vụ trung gian thông qua ứng dụng di động trên dòng điện thoại thông minh có kết nối wifi, 3G… nhưng mô hình hoạt động của Grabtaxi và Easytaxi khá khác biệt so với Uber. Cụ thể, Grabtaxi và Easytaxi tạo lập những “áp” riêng để khi hành khách cài đặt xong thì có thể đặt chỗ taxi của những hãng taxi là đối tác của mạng lưới Grabtaxi và Easytaxi, theo khung giờ định sẵn, đồng thời có thể theo dõi hành trình tài xế taxi từ điểm đậu đang chạy đến đón; hành khách cũng ước lượng được số tiền phải trả trước khi bước chân lên xe và có thể thanh toán bằng tiền mặt theo giá cước của hãng taxi chuyên chở... Trong khi đó, cũng sử dụng “áp” riêng nhưng mô hình của Uber gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe. Xe tham gia vào mạng lưới Uber không phải của hãng taxi như dịch vụ của Grabtaxi và Easytaxi, mà là xe của cá nhân đã đồng ý tham gia vào mạng lưới Uber. Do đó xe rất đa dạng, thậm chí có cả những chiếc cao cấp. Ngoài ra, khi sử dụng Uber hành khách không dùng tiền mặt mà xài thẻ tín dụng, sau mỗi chuyến đi số tiền được Uber tự tính, thông báo trên app và trừ trực tiếp vào thẻ tín dụng hành khách. Chi phí phải trả cho quãng đường đi được tính theo công thức: tiền mở cửa 5.000 đồng + (600 đồng x thời gian đi) + (10.000 đồng x số km đã đi).
Xuất hiện gần như cùng thời điểm, công khai coi nhau là đối thủ cạnh tranh, Grabtaxi và Easytaxi liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi để hút hành khách sử dụng “áp” của mình. Chỉ chưa đầy 24 giờ thông tin xuất hiện trên facebook của Grabtaxi: “Từ 18.9 đến 31.10.2014, khách hàng sử dụng Grabtaxi hãy nhập mã KM IPHONE6 (giảm 10.000 đồng/chuyến). Mỗi lần bạn đặt xe thành công với mã này sẽ được một cơ hội trúng IPHONE 6 PLUS…”, thì trên facebook của Easytaxi cũng xuất hiện khuyến mãi tương tự: “Từ 19.9 đến hết 20.10.2014, với mỗi 6 chuyến đi thành công cùng Easytaxi, bạn sẽ nhận một vé tham gia bốc thăm trúng một chiếc điện thoại iPhone 6 - 16GB...”. Trước đó, cả hai hãng cũng ráo riết cuộc đua trong tháng 5.2014: Easytaxi cho phép người dùng hưởng khuyến mãi 3 lần/tháng với tổng trị giá 90.000 đồng (mỗi chuyến được miễn phí 30.000 đồng); Grabtaxi cho hành khách được hưởng miễn phí tới 50.000 đồng/chuyến mà không giới hạn số chuyến khuyến mãi trong tháng; tài xế được nhận hoa hồng (khoảng từ 10.000 - 30.000 đồng/chuyến), miễn phí 6 tháng 3G… Hãng Uber ngay trong tháng chính thức triển khai dịch vụ ở TP.HCM (tháng 6.2014) cũng khuyến mãi miễn phí 10 lượt đi Uber (tối đa 200.000 đồng/lượt) với các điểm xuất phát từ quận 1 hoặc quận 3.
Cuộc đua quyết liệt trên truyền thông
Theo quan sát của ông Nguyễn Hải Triều, nhà đồng sáng lập và tổng giám đốc YouNet Media, cả Grabtaxi, Easytaxi và Uber đều đang ở giai đoạn đầu trong quá trình thâm nhập thị trường Việt Nam nên rất nỗ lực tung ra các chiến lược marketing khác biệt nhằm gây sự chú ý và thuyết phục các “thượng đế”. Grabtaxi được đánh giá có các chiến lược quảng bá bài bản và khôn ngoan. Theo thống kê từ hệ thống Social Listening của Younet Media, Grabtaxi đang có độ nhận diện thương hiệu tốt nhất trên môi trường trực tuyến nhờ tập trung khai thác khả năng lan truyền (viral) của facebook và sức mạnh của những người có khả năng dẫn dắt cộng đồng trên mạng (influencers) như: Thích Ăn Phở, Robbey… và fanpage riêng của hãng. Grabtaxi cũng đẩy mạnh hợp tác với báo giới, cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời tung ra các gói khuyến mãi hấp dẫn. “Hiện Grabtaxi đang chiếm ưu thế tuyệt đối so với các đối thủ về độ nhận diện thương hiệu trực tuyến khi chiếm đến 62% lượng thảo luận và tin tức về dịch vụ chia sẻ taxi”, ông Triều cho biết.
Trong khi đó, trước khi chính thức vào thị trường Việt Nam ngày 20.6, dịch vụ chia sẻ xe hạng sang Uber đã được biết đến thông qua các sự kiện Google Map tích hợp dịch vụ Uber và thông tin Uber được định giá 17 tỉ USD sau khi nhận đầu tư bởi hàng loạt các quỹ đầu tư tầm cỡ thế giới như Google Ventures, Menlo Ventures, Summit Partners, Kleiner Perkins Caufield & Byers... Với hình ảnh thương hiệu lớn, sự kiện Uber gia nhập thị trường Việt Nam cũng được ủng hộ lớn của cộng đồng mạng khi có đến 23% ý kiến ủng hộ. Lượng earned media (hiệu quả thu hút truyền thông) rất lớn từ kênh online news (tin tức trên mạng) và forum (các diễn đàn mạng). “Dường như việc sử dụng hình ảnh của các hot influencer như Hoàng Thuỳ Linh, Chi Pu và các forum công nghệ uy tín là một sự khởi đầu đúng đắn của Uber. Google Trends cũng cho thấy xu hướng tìm kiếm của netizens (công dân mạng) nghiêng về phía thương hiệu lớn hơn, Uber, trong giai đoạn ba tháng gần đây, với Grabtaxi theo sát”, ông Triều chia sẻ.
Các dịch vụ đặt chỗ taxi trên điện thoại dưới dạng ứng dụng app sẽ giúp hành khách đi taxi an toàn, có lợi hơn. Ảnh: Tinh Tế
Cũng theo ông Triều, thông qua các con số ông thu nhận được, mặc dù hiện diện trên thị trường Việt Nam cùng lúc với Grabtaxi (tháng 2.2014) nhưng có vẻ Easytaxi đang loay hoay trên con đường tiếp cận khách hàng. Lượng thảo luận về dịch vụ và ứng dụng của Easytaxi ít hơn hẳn so với Grabtaxi và chỉ có dấu hiệu khởi sắc vào ngày 10.7 khi Easytaxi chính thức đặt chân đến Hà Nội. “Tuy nhiên, chủ yếu sự hiện diện của hãng này là từ các diễn đàn và đều ở dạng đưa tin, không gây sức hút hay kích thích sự tương tác cao với khách hàng. Fanpage của Easytaxi cũng chưa hoạt động thực sự hiệu quả, trong khi Grabtaxi và Uber đều hợp tác với các facebook influencer và đạt được những thành công đáng kể”, ông Triều nhận xét.
Ngày vui có qua mau?
Theo ThS. Võ Tuấn Nam, nhà phát triển ứng dụng dành cho thiết bị di động, thành viên hiệp hội Internet Việt Nam, các dịch vụ đặt chỗ taxi trên điện thoại dưới dạng “áp”. như Grabtaxi, Easytaxi… sẽ giúp khách hàng yên tâm hơn vì biết chắc chắn có xe đến đón, thoải mái ngồi đợi trong văn phòng hay nhà mình mà không cần xuống đường (giảm thiểu khả năng bị giật đồ, mưa nắng…). “Bên cạnh đó, hành khách có thể biết trước số tiền ước lượng để không bị lừa. Danh tánh tài xế cũng được xác nhận thông qua hình ảnh trong hồ sơ, biển số, số điện thoại tài xế để gọi khi cần. Chất lượng tài xế được đảm bảo hơn vì các tài xế có đánh giá thấp sẽ bị loại ra khỏi hệ thống. Trong trường hợp khách hàng để quên đồ, họ có thể tìm lại trên hệ thống để biết được mình đã để quên trên xe nào”, ông Nam nói. Các tài xế taxi tham gia mạng lưới của dịch vụ này sẽ có cơ hội tăng thu nhập, giảm lãng phí xăng vì không cần chạy lòng vòng tìm khách (tài xế có số điện thoại của khách để liên lạc). “Đặc biệt, điều này sẽ giúp an toàn hơn cho tài xế về đêm, không lo bị cướp vì biết rõ nguồn gốc của khách đi và vị trí đón, thả khách để quyết định có nhận hay không. Có thể đề nghị khách bồi dưỡng thêm nếu trời mưa hoặc đang trong giờ cao điểm, có ghi chú trước trong “áp”…”, ông Nam cho biết. Ngoài ra, các hãng taxi cũng sẽ có cơ hội tăng cảm tình của khách với thương hiệu do các tài xế đã chọn có chất lượng cao, dịch vụ tốt. Bên cạnh đó, “áp” còn giúp tăng thu nhập cho hãng vì chạy theo phương thức ăn chia, tài xế tăng thu nhập thì hãng sẽ tăng theo. Hiệu suất sử dụng của xe được tối ưu hoá, giảm lãng phí và hao mòn xe.
Theo ông Triều, mặc dù chiếm ưu thế về danh tiếng thương hiệu, Uber vẫn sẽ đối mặt với không ít khó khăn.Grabtaxi và Easytaxi đã gia nhập thị trường sớm hơn và cũng đã có một lượng khách nhất định. Trong khi mô hình hoạt động của Grabtaxi và Easytaxi hướng đến liên kết với hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh và Vinataxi, việc phát triển mô hình hoạt động của Uber thực sự gặp nhiều khó khăn khi lượng người sở hữu xe hơi cá nhân tại Việt Nam không nhiều so với các hãng taxi phổ thông, nhất là xe hơi hạng sang, thường là những người có thu nhập cao và thành đạt. Vì vậy, cũng không dễ dàng thuyết phục họ chia sẻ phương tiện cá nhân của mình với lý do tăng thêm thu nhập, nhất là đối với văn hoá trọng hình thức của phương Đông, trong đó có người Việt. Ngoài ra, vấn đề an ninh cá nhân và hình thức thanh toán tín dụng chưa phổ biến ở Việt Nam sẽ là những rào cản không nhỏ đối với các nhà điều hành của Uber.
Theo ông Nam, hình thức kinh doanh dịch vụ mới mẻ này phải đối mặt với một số trở ngại. Đầu tiên và quan trọng nhất chính là mô hình doanh thu. Cả Easytaxi lẫn Grabtaxi tại Việt Nam đều chưa thu phí dịch vụ trong thời gian đầu vì cần mở rộng thị trường và khuyến khích khách hàng dùng thử ứng dụng. Nhưng nếu áp dụng hình thức thu phí từ người dùng trên mỗi chuyến taxi kết nối thành công như cách Easytaxi đang làm tại Thái Lan hay Grabtaxi ở Malaysia thì sẽ khó “được lòng” hành khách ở Việt Nam. Chưa kể, tỉ lệ tài xế sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam hiện chưa cao nên nếu thu phí cả tài xế taxi sẽ dẫn đến hạn chế khả năng mở rộng hệ thống.
“Mặc dù ở thời điểm hiện tại Grabtaxi đang chiếm nhiều ưu thế nhưng nếu được chú trọng vào tiện ích, dịch vụ, giá cả hợp lý cùng chiến lược marketing hiệu quả, Uber và Easytaxi vẫn có thể xoay chuyển tình hình. Để làm được điều đó, các hãng cần hiểu rõ nhu cầu khách hàng, nguyện vọng, mối quan tâm cũng như phản hồi của họ về chất lượng của loại hình dịch vụ còn khá mới mẻ này, và một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất là lắng nghe khách hàng thông qua các kênh truyền thông trực tuyến”, ông Triều lưu ý.
_______________________________
Ảnh: Tinh Tế
Grabtaxi: ra đời đầu tiên tại Malaysia năm 2011 với tên gọi MyTeksi, do Anthony Tan và Hooi Ling Tan sáng lập. Hiện ứng dụng này có mặt tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines với hơn 250.000 người sử dụng và hơn 25.000 lái xe taxi. GrabTaxi chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 2.2014.
Ảnh: Ngọc Hân
Easytaxi: khởi phát tại Brazil năm 2012 và được sự hậu thuẫn của Rocket Internet, Easytaxi đã có hơn 5 triệu lượt tải về, thu hút hơn 100.000 tài xế trên khắp thế giới, và hoàn thành hàng triệu chuyến đi mỗi tháng. Ngoài thành công lớn tại thị trường châu Mỹ Latinh, Easytaxi cũng đã đạt được những thành công nhất định tại thị trường châu Á sau khi ra mắt tại: Thái Lan, Hồng Kông, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và tại Việt Nam hồi tháng 2.2014.
Ảnh: Lê Kiên
Uber: được thành lập vào năm 2009 bởi hai nhà sáng lập Travis Kalanick và Garrett Camp, trụ sở ở bang California - Mỹ. Hiện Uber có mặt tại 128 thành phố, trong đó có 20 thành phố lớn ở châu Âu. Tuy gặp một số vấn đề pháp lý (từng nhận được thư yêu cầu ngừng hoạt động của cơ quan vận tải thành phố San Francisco vì sử dụng tài xế không có giấy phép hành nghề và uỷ ban Dịch vụ công cộng California vì sử dụng xe limousine chưa được cấp phép; bị hàng ngàn tài xế taxi tại châu Âu biểu tình phản đối vì mô hình hoạt động này làm ảnh hưởng đến lượng khách hàng và thu nhập của họ…) Uber vẫn nhận được hơn 300 triệu USD đầu tư từ các công ty đầu tư mạo hiểm như Google Ventures, Benchmark, cùng các nhà đầu tư cá nhân như CEO Jeff Bezos của Amazon.com…
_______________________________
Châu An – Thiều Vinh