Đặc sản mùa mưa

 01:36 | Thứ tư, 06/07/2016  0
Mùa mưa Sài Gòn chẳng báo trước, ngoài một đám mưa đầu mùa có thể bất thình lình rớt xuống bất cứ lúc nào.

Mà cái mùa kì cục đó ở xứ này, giữa rừng rậm bê-tông, cũng chẳng có chi đáng gọi là đặc sản. Chỉ là một mùa mà người ta dễ buồn hơn, chậm chạp hơn. Mùa mà những bữa cơm nhà bỗng trở nên ngon miệng hơn, và một bản bolero nghe cũng có vẻ sầu đời mùi mẫn hơn thường lệ.

Chỉ có tụi con nít là hồn nhiên nhứt. Chỉ cần một đám mưa đầu mùa cũng đủ để khai mùa đại hội tắm táp của chúng, cũng là mùa mà con nít nhà giàu bỗng thấy mình thiệt thòi cùng khổ, thò lõ dòm tụi bạn bè đồng lứa tí tởn bày trò đá banh đánh lộn lội nước ngay trên đường, trong những hẻm nghèo ngập nước, hoặc thậm chí, cao cường võ nghệ hơn, là tắm ngay trên những mái nhà.

Hồi đó vẫn còn cái bùng binh cây liễu phía trước thương xá Tax, gặp đám mưa cuối chiều, tôi lại thèm thuồng lén tém một góc vạt áo mưa của ba mà nhìn tụi con nít nhảy ùm xuống hồ nước cạn xợt rồi ì oạp trong đó như lũ ếch nhỏ. Mưa nện xuống mặt nước, văng bọt nước trắng xóa từ mặt hồ, thành ra trông như có tới hai đám mưa: một từ trời, và một bay lên từ mặt nước. Vài đứa táo tợn nhún mình phóng lên ôm cổ nhành liễu mà đu, đám dương liễu rũ tóc rùng mình đùng đùng.

Chuyến xe mưu sinh trong đêm mưa Sài Gòn. Ảnh minh hoạ..

Mãi tới sau này, hồ nước bùng binh bị lấp không còn dấu vết, những gốc liễu cũng đã bị bứng gốc mang đi. Tôi leo lên lầu cao nhất của thương xá, đứng cạnh con gà trống bằng đồng và tận mắt nhìn thấy xác chúng rũ tóc nằm sóng soài giữa bãi đất công trường và cứ nuối tiếc hoài những trận lội mưa xí hụt của tuổi thơ.

Nhưng người lớn đón mùa mưa với một lòng rộn ràng rất khác, bằng những tiếng thở phào khoan khoái trong cuộc giải thoát khỏi những cơn nắng nóng quỷ thần của vùng nhiệt đới. Nhưng cơn hân hoan đó qua đi nhanh chóng khi ngay dưới chân người, làn nước cứ dâng cao, đen ngòm uế tạp.

Người ta nguyền rủa mưa, lùng bùng bên dưới những lớp khẩu trang, mũ nón và áo mưa. Dòng thị dân lúng túng như bị bất ngờ đánh ụp bởi trò đùa nhây của thời tiết. Người ta loay hoay cố chèo thoát khỏi những ốc đảo người đang ngập trong bể nước bẩn của thị thành, bơi bập bùng giữa bao rác rưỡi bụi bặm lưu cữu thành thứ trầm tích thời vụ trên mặt đường, từ dưới lòng kênh, miệng cống suốt mùa khô. Những cuộc họp vẫn phải đúng giờ, và những chiếc thẻ nhân viên vẫn cần phải quẹt qua máy kiểm soát vào cùng một thời điểm trong ngày, trong khi những đứa trẻ đang gần đến giờ tan trường… Phố thị không ngừng lại, bất luận trò phá bĩnh cắc cớ của đất trời. Đồng hồ sinh học của Sài Gòn đã được quốc tế hóa như vậy, và những cơn mưa bất thình lình trở nên quê mùa, lạc quẻ ngay trên chính xứ sở của mình.

Cứ như thể nếu họ chuyển động thật nhanh thì những cơn mưa sẽ không còn bao giờ đuổi kịp vậy.

Thành phố không có những mái hiên

Mưa nhiệt đới bấy lâu vẫn thế, nhưng đến một lúc nào đó, tôi giật mình nhận ra có một điều gì đó đã không còn như cũ: người ta đã không còn đụt mưa nữa.

Chẳng biết từ lúc nào về trước, hình ảnh nỗi nhớ mùa mưa vẫn luôn là những con đường thường ngày đông đúc bỗng vắng lặng. Mưa trôi tất thảy những gì vướng bận như thể mưa cuốn trôi cả những dòng người. Tôi, đâu như 13, 14 tuổi, đạp xe vọt đi trên đường, thoải mái lạng từ lề bên này sang tận hè bên kia. Mặt đường trơn trượt, chúng tôi chơi trò tạt nước bằng những cú lượn bánh xe rồi thả hai tay ngửa mặt lên vòm xanh ướt sũng trên đầu mà đạp băng đi trong mưa. Chỉ riêng việc tôi còn sống lành lặn tới ngày hôm nay, kể hầu quý độc giả câu chuyện cũ kỹ của mình, cũng đủ hình dung những đường mưa xưa đã từng thênh thang trắng xóa ra sao.

 

Người ta sẽ chưa kịp mơ hết giấc mộng giữa ban ngay thì cơn mưa đúng điệu Sài Gòn đã kịp tạnh tỉnh queo, và những cuộc tình nảy sinh dưới mái hiên mưa đó, thường cũng kịp lợt phai thi vị ít nhiều vừa lúc cơn mưa kịp tạnh.

Lớn hơn một xíu, con gái bận áo dài tới trường đã biết mắc cỡ trốn chạy những cơn mưa nghịch ác dễ bày biện lắm sự thất thố trước ánh mắt nhìn. Chỉ một thoáng mưa bóng mây cũng đủ khiến tà áo thoắt trong veo như…bánh tráng nhúng nước, bọn tôi khối đứa rảo quàng chân cho kịp tới trường, bị cơn mưa sớm bắt kịp, đành thẹn thò vô lớp với lớp mái tóc ẩm, thịt da con gái hôi hổi phập phồng ửng lên trong tà áo mỏng. Chiếc cartable trở nên hữu hiệu hơn bao giờ hết, cứ ôm chéo ấp sát trước ngực mà che chắn cái tuồng trễ nải bất thình lình.

Những mùa mưa tuổi dậy thì, với con gái Sài Gòn thời ấy, cũng từ đó mà bắt đầu biết chạy trốn những cơn mưa, mà nói một cách bình dân là đụt mưa vậy.

Cũng từ đó mà tôi yêu cái thú đụt mưa ở Sài Gòn. Học trò không sẵn tiền dằn túi, chẳng thể dễ dàng ngông nghênh tạt vô quán nước một mình để chờ trời tạnh. Mà vốn dĩ, mưa Sài Gòn đồng bóng vậy, có khi chỉ dăm ba phút là lại kịp hửng nắng, người ta vẫn lẹ chân chọn trú đỡ dưới mái hiên bên đường. Đứng sát giữa những thị dân xa lạ, cùng bắt chuyện tào lao dông dài đợi mưa ngớt, hay đăm chiêu cùng hướng ánh mắt âu lo ngó ra con đường chỉ còn là vệt xám mờ len giữa màn trời trắng xóa. Thị thành như một cỗ máy chợt được một bàn tay tài tình nào đó nhận nút “pause”, một nốt lặng mùi mẫn lọt thỏm giữa ngày. Tựa sát vào vách cửa sắt kéo, hít ngửi được cả mùi xào nấu và tiếng con nít vọng ra, chợt thấy thèm cái hơi âu yếm trong một tiếng “nhà” hơn bao giờ hết.

Vả chăng thời ấy, cái tốc độ xoay vòng của thời gian trong ngày chưa khốc liệt như nay, một cú ngưng cũng không khiến tất thảy đứt tung lên vì quán tính quay cuồng quá nhanh.

Thì chẳng phải người ta nói một khi đi quá nhanh, người ta không còn thể dừng lại bất ngờ như vậy, dưới những mái hiên.

Cũng không ít mối tình không tiền khoáng hậu của đời học trò cũng đã bắt đầu dưới những hiên mưa như vậy, khi tấm màn sáo của dòng mưa chảy thành chuỗi từ mái tôn lại như đồng lõa bày biện cảnh trí lí tưởng cho mùa lãng mạn lên ngôi. Trong hơi mưa, người ta cô độc hơn nhiều lắm, chắt chiu hơi ấm mượn từ một thân thể xa lạ trái dấu nào đó lắm, khi mà những người xa lạ, ngày thường vẫn trôi tuồn tuột qua nhau vô phương nắm giữ nọ lại chợt buộc phải đứng gần nhau đến vậy trong một cơn mưa bất luận vắn dài. Thành phố chợt như không người, như thể mưa đã vô tâm cuốn trôi tất cả, và những mảnh đời xa lạ còn sót lại như lũ học trò chúng tôi ngày ấy, dưới mái hiên mưa, những Eva và những Adam duy nhất dạt vào những ốc đảo khô ráo giữa tứ bề bể nước từ trời…

Tới khi đó, lại chợt ước cơn mưa đừng bao giờ tạnh, và lớp học thêm của cô giáo Toán sẽ phá sản, tất cả các trường trung học sẽ đóng cửa, và người ta có thể chôn chân đứng đó mãi với nhau.

Nhưng người ta sẽ chưa kịp mơ hết giấc mộng giữa ban ngay thì cơn mưa đúng điệu Sài Gòn cũng đã kịp tạnh tỉnh queo, và những cuộc tình nảy sinh dưới mái hiên mưa đó, thường cũng kịp lợt phai thi vị ít nhiều cũng vừa lúc cơn mưa kịp tạnh. Người ta lại lục tục đổ xô túa ra mặt đường từ dưới những mái hiên trú tạm, chúng tôi, lũ trẻ nít học bài học lãng mạn đầu đời cũng tản đi, chỉ vài vòng bánh xe là đã kịp vĩnh viễn ra khỏi đời nhau, như thế.

Cũng từ đó tôi bắt đầu biết mê nghe Tình Khúc Tháng Sáu “trời mênh mang xõa kín bờ mi ngoan”, hay “nếu chiều nay không có anh, ai sẽ đưa em về…”, và cả những câu láo lếu “đưa em về dưới mưa, ép em vô gốc dừa…”

Bây giờ phố thị tấc đất tấc vàng, nhà nhà cho mướn mặt bằng, những mái hiên mặt tiền cũng chẳng còn hào phóng cho kẻ độ đường như xưa. Nhưng cửa tiệm, quán xá ken đặc trên mọi vỉa hè, căn phố, như những cái lỗ ánh sáng vẫn cứ mở toang hoác mà lòng người lại đóng kín hơn bao giờ.

Những địa đàng bên dưới vạt poncho

Khi người ta bắt đầu ít trú mưa hơn, cũng là thời bắt đầu xuất hiện những kiểu áo mưa poncho, như một phát kiến tối tân cho thị dân miền nhiệt đới sáu tháng mưa dai. Một chiếc poncho như vậy trùm rộng có thể che chắn ngon lành cả người lẫn xe, hoặc tiện lợi hơn, là người ngồi phía sau chỉ việc chui tọt vào vạt áo như một tấm bạt đủ che nửa người. Thế là cứ hai người một chiếc áo mà đi ngon ơ trong mưa.

Từ dưới những mái hiên phố thị, không gian dưới vạt áo đi mưa đó bỗng trở nên cả một hành tinh tư hữu say mê của những cặp tình nhân. Những vòng tay, nững hơi ấm san sẻ cứ ấm sực lên vì được hong khô ráo và ấp ủ an toàn bên trong túp lều di động. Người ta cứ vậy, ngồi nép sát vào nhau hơn ngày thường một chút, vòng tay quấn quít cũng rối bời hơn lệ thường một chút, được cứu rỗi và dung túng trong cái cõi riêng tư ấm áp đó, che chắn khỏi tất cả thế gian. Ở đó, trong mưa, người ta chung nhau một mái lều, một bộ da, một bầu khí quyển bé bỏng con con. Ở đó, những thân thể đang run vì lạnh cũng tự do mà nép rất chặt vào nhau, rồi bén hơi nhau, đậm đặc, bên dưới những vạt poncho.

Có lần, trong một đêm về muộn lúc mưa khuya đổ trắng xóa đất trời, nhìn qua cửa kính xe, cặp vợ chồng lang thang giăng chiếc áo poncho duy nhất bắt chéo vô cửa sắt mà ấp ủ nhau trong giấc ngủ cơ hàn, nghe cơn dông ngoài kia tạt ngang thành phố.

Trác Thúy Miêu 

» Dạ tiệc phồn hoa

Sài Gòn một thời bươn chải

» Sài Gòn thay đổi đời tôi

» Sài Gòn cổ tích

» Hành trình thứ nhất: Sài Gòn, đêm giữa âm dương

» Những ân tình chìm trong lòng phố

» Hành trình hồi ức thứ hai: Những thị dân thú vị

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.