Đúng như dự đoán của nhiều người, đội bóng Hà Nội T&T đã nhận chức vô địch đúng sinh nhật lần thứ 10 của mình. Tuy nhiên, ngày mà Hà Nội T&T coi là quan trọng nhất, đá trận cuối cùng để nhận cúp, hỡi ơi, sân Hàng Đẫy vẫn vắng hoe như thường lệ!
Vắng, bởi nhiều người xem bóng đá ở Hà Nội không chọn T&T là đội nhà của mình. Họ không thích một ông bầu bị mang tiếng có đến vài đội bóng chơi cùng một giải đấu. Dù có khéo léo phân trần rằng, chỉ là “mạnh thường quân” thôi chớ có đứng tên đâu, thì vẫn là không fair, không phải tính cách của người chơi thể thao, càng chẳng thể là của người Tràng An vốn được coi là thanh lịch.
Trong khi đó, trên sân Lạch Tray của Hải Phòng, họ thi đấu trận cuối cùng dẫu chỉ để thắng rồi nhận chiếc huy chương bạc, có cay đắng đi nữa thì cũng đầy vinh quang vì đội bóng của họ cạnh tranh tới cùng. Trên sân ấy, khán giả không một chỗ chen chân. Người hâm mộ tới để cùng khóc, cùng cười với cầu thủ của mình, với đội bóng mà họ yêu.
Đối với cổ động viên Hải Phòng, đội bóng của HLV Việt Hoàng là “Vua của Việt Nam”
Ngay khi trận đấu kết thúc, trên các diễn đàn bóng đá, người ta đã đưa các hình ảnh ở hai sân vận động Hàng Đẫy và Lạch Tray để so sánh. Ở Hàng Đẫy, vẫn ít ỏi các gương mặt quen thuộc đã từng thề nguyền “một lần Thể Công, mãi mãi Thể Công” dẫu đã thay màu áo cổ động. Đương nhiên, bên kia là hình ảnh một rừng người.
Nhiều người cho rằng, Hải Phòng mới là nhà vô địch ở mùa giải này, họ vô địch bởi dân hâm mộ chọn. Bởi, cũng chẳng thể trách bầu Hiển được khi luật lệ VFF được diễn giải theo hướng sao cho có lợi nhất với ông bầu này kia mà.
Cuối cùng, để thưởng cho thành quả của đội bóng vô địch theo hoạch định, bầu Hiển thưởng hơn chục tỷ đồng cho đội bóng. Còn ở Hải Phòng, cổ động viên tự hùn tiền, tự lên kế hoạch làm một màn “hoành tráng”: họ tự mua cúp bạc, tự thuê máy bay để trao cho đội bóng của mình. Họ chẳng màng gì đến Gala của ban tổ chức nữa.
Dân chọn quả có khác.
Tất Đạt