Ngày 8.8, nguồn tin của Người Đô Thị cho biết, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP.HCM có ý kiến tham mưu liên quan đến đề xuất thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề xuất xây tại khu vực cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) với tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km, nhu cầu sử dụng đất 571 ha. Ảnh: Portcoast
Văn bản cho biết tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM đại biểu quan tâm nội dung “Đề nghị thành phố kiến nghị trung ương cho phép thành lập khu kinh tế để hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, hiện nay chỉ có Đà Nẵng đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại tự do đầu tiên và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26.6.2024. Nghị quyết đề xuất phương án phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng được xây dựng gồm 3 khu chức năng: Khu thương mại - dịch vụ, Trung tâm Logistics và Khu sản xuất.
Đồng thời quy định các chính sách thí điểm tại khu thương mại tự do Đà Nẵng phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay, đảm bảo tính tuần tự, từng bước thí điểm kèm theo kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ đánh giá, xem xét đề xuất mở rộng cho phù hợp.
Dựa trên các chủ trương, chính sách hiện hành và các tài liệu nghiên cứu, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng khu thương mại tự do là một công cụ quan trọng để thúc đẩy thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế. Thí điểm khu thương mại tự do mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội nhưng cũng cần có những giải pháp phù hợp để giải quyết các thách thức đi kèm.
Ngoài ra, theo dự thảo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì trên địa bàn TP.HCM không được quy hoạch khu thương mại tự do nên chưa có căn cứ pháp lý để thành lập khu thương mại tự do trên địa bàn TP.HCM.
“Do vậy, với quyết tâm chính trị cao trong việc hình thành cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, việc hình thành khu thương mại tự do cũng có thể được xem xét nếu bổ sung được vào quy hoạch thành phố, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, quy hoạch tổng thể quốc gia tại TP.HCM.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu phát triển khuyến nghị cần nghiên cứu, tham khảo thêm các tài liệu thành lập khu thương mại tự do trong nước cùng với kinh nghiệm quốc tế để xác định chính xác và đầy đủ những thách thức mà Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung phải đối mặt khi hình thành khu thương mại tự do, trước khi chuẩn bị hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền”, trích văn bản của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần sử dụng gần 90 ha rừng phòng hộ ven biển. Trong đó, gần 83 ha là đất có rừng với hiện trạng rừng ngập mặn tự nhiên, gần 7 ha còn lại không có rừng. Ảnh: Ngọc Dương
Theo Khoản 2, Điều 2, Quyết định số 100/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của khu phi thuế quan trong khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu; khoản 17, Điều 2, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; khoản 1, Điều 13, Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, thì:
Khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và bao gồm các khu chức năng, trong đó có khu thương mại tự do. Khu thương mại tự do là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Theo Điều 14, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, khu kinh tế được thành lập nếu đáp ứng các điều kiện:
Phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, có trong danh mục các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Có khả năng huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu kinh tế và phát triển sản xuất, kinh doanh; Có hiệu quả kinh tế - xã hội; Đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
“Khu thương mại tự do là một mô hình còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Theo kinh nghiệm quốc tế, khu thương mại tự do là khu vực kinh tế đặc biệt được thành lập bởi hai hoặc nhiều quốc gia và khi hình thành cần có các chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, tự do lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia thành viên và các chính sách khác. Đặc biệt, kinh nghiệm quốc tế cho thấy yếu tố cạnh tranh là một thách thức lớn cho các khu thương mại tự do”, trích văn bản của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cần cân nhắc yếu tố vị trí, cạnh tranh trong việc hình thành khu thương mại tự do tại Cần Giờ.
Tham khảo các tài liệu, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận thấy một số thách thức khi tham gia vào khu thương mại tự do:
Sự khác biệt về văn hóa và thể chế: Các quốc gia thành viên có thể có sự khác biệt về văn hóa, thể chế và hệ thống pháp luật, gây khó khăn trong việc hợp tác và điều phối.
Chuyển dịch lao động: Khu thương mại tự do có thể dẫn đến tình trạng chuyển dịch lao động từ các quốc gia có chi phí lao động cao sang các quốc gia có chi phí lao động thấp.
Tác động đến môi trường: Việc tăng cường thương mại và sản xuất có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức.
Bảo vệ người tiêu dùng: Cần đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chống hàng giả, hàng nhái.
“Do đó, để có thể tận dụng được ưu đãi của khu thương mại tự do thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có chiến lược phù hợp để phát huy tối đa cơ hội và hạn chế rủi ro từ mô hình này”, trích văn bản của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Minh Hoàng - Phạm Tuấn