Con số năm - sáu triệu lượt người mỗi năm đến Việt Nam, tính cả Việt kiều về thăm quê và khách đến công tác, là khiêm tốn, nếu không muốn nói kém cỏi nếu đặt bên cạnh số lượng khách du lịch của các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore…
Qua một chuyến đi từ TP.HCM đến Hà Nội, tôi cũng hiểu phần nào lý do khi đọc những con số khiêm tốn đó.
Sân bay Tân Sơn Nhất, tuy là sân bay lớn nhất nước, ngoài nhà ga quốc tế mới xây có phần khang trang hơn, cơ sở vật chất lẫn dịch vụ nhà ga quốc nội quá tệ. Ở khu sảnh đi và đến các đường bay quốc nội hàng trăm hành khách và người đưa tiễn đã phải hứng chịu cái nóng hầm hập vì không hề có một cái quạt máy. Khu vực sảnh đón tiếp, trong khi ưu tiên cho nhà hàng với nhiều biển quảng cáo món ăn thức uống, lại thiếu những tấm biển, dòng chữ hướng dẫn những dịch vụ hướng dẫn khách. Khó hiểu một nhà ga lớn nhất nước với hàng ngàn nhân viên lại không có người hướng dẫn hay bảng chữ chỉ lối đi cho khách ngoài một tấm biển nhỏ ghi D5 cụt lủn vô nghĩa.
Tôi đã chứng kiến một hành khách nước ngoài bực tức hét vào mặt nhân viên hãng Jetstar Pacific một tràng tiếng Việt “các vị đối xử với khách như thế à” do bất bình với chất lượng phục vụ kém của sân bay và sự thay đổi liên tục lịch trình chuyến bay BL từ TP.HCM đi Hà Nội chiều 14.4.2014. Chưa kể những rắc rối, phiền muộn do bị mè nheo, ăn gian của dịch vụ taxi, chuyện thu thừa tiền khách đã thành tật của điểm giữ xe gắn máy ở đây.
Ngồi trên chuyến bay Sài Gòn – Hà Nội với giá vé tương đương tuyến bay đến Singapore, chưa xua hết những suy nghĩ buồn về sân bay Tân Sơn Nhất, sau vài giờ, tôi lại gặp chuyện buồn về chất lượng dịch vụ khách sạn ở Hà Nội. Từ sân bay Nội Bài taxi đưa thẳng đến nhà khách Dân Tộc thì nơi đây yêu cầu “phải đặt trước”, đành đề nghị bác tài đưa đến một khách sạn gần đấy trên đường Phan Kế Bính.
Tôi cũng đã đi Hà Nội ít nhiều và biết không phải là khách sạn nào cũng mang thói quen phục vụ thời bao cấp, không ít khách sạn tuy không sang trọng, nhiều sao nhưng thái độ phục vụ khách chuyên nghiệp, hài lòng. Tuy nhiên, lần này sau hai ngày lưu trú tại một khách sạn thuộc quận Ba Đình tôi thấy thất vọng. Tôi thuê phòng ở tầng chín với giá 450.000 đồng/ngày nhưng thang máy chỉ chạy đến tầng tám, khách phải tự mang vác hành lý lên phòng theo cầu thang hẹp, hành lang không có bóng điện nào sáng. Phòng ở trang bị một cái quạt máy đã gãy hết cánh và một cái tủ áo to nhưng không có mắc áo. Đêm ấy phòng tôi ở không có nước cho vệ sinh tắm rửa. Tôi phải dùng nước lọc trong tủ lạnh với giá 15.000 đồng/chai để đánh răng rửa mặt, khi thanh toán nhận được lời xin lỗi muộn màng kèm “ân huệ” giảm giá phòng 50.000 đồng cho sự cố mất nước.
Đó phải chăng là lý do mấy năm gần đây người dân Việt chỉ hăm hở du lịch nước ngoài?
Nguyễn Văn Hùng