Đầu tháng 10, Tập đoàn Tokyu (Nhật) có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM và nhắc lại quyết tâm cùng TP xây dựng khu vực Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới thành trung tâm phức hợp giao thông-vận tải đa phương thức; trung tâm thương mại cao cấp kết hợp với vui chơi, giải trí… Các địa phương Bình Dương, Đồng Nai cũng đang gấp rút lên phương án xây các tuyến giao thông kết nối BXMĐ mới. Theo các chuyên gia giao thông, trong tương lai không xa, khu vực BXMĐ mới sẽ trở thành cửa ngõ hoạt động nhộn nhịp bậc nhất của TP.HCM.
Bến mới dần định hình
Theo đại diện Tập đoàn Tokyu, phía Tokyu sẽ tham gia xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ nằm ngay bên tay phải nhà ga chính của BXMĐ mới (phường Long Bình, quận 9) trên diện tích khoảng 3 ha. Trung tâm này sẽ gồm nhiều phân khu chức năng như khu thương mại, khu làm việc, khu mua sắm, khu vui chơi, giải trí... Trong đó, tòa cao ốc văn phòng cao khoảng 18 tầng sẽ nằm lùi phía sau, chếch bên phải nhà ga chính.
Toàn bộ dự án của Tokyu được chia làm ba giai đoạn thi công, phù hợp với lộ trình khai thác theo từng giai đoạn của BXMĐ mới. Theo đó, giai đoạn 1 tập đoàn này sẽ xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ dự kiến sẽ khai trương vào năm 2020. Vào thời điểm này, tuyến metro số 1 cũng bắt đầu được khai thác nên sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân.
Phối cảnh Bến xe Miền Đông mới, trong đó tòa nhà cao nhất 18 tầng do Tokyu đề xuất xây dựng. Ảnh: Lưu Đức
Được biết theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đến nay tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đã hoàn thành gần 60% khối lượng xây dựng. Đến năm 2020 tuyến metro này sẽ vận hành.
Theo ghi nhận của PV, cạnh vị trí Tokyu đề xuất xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ, phần mái của khối nhà ga chính cao sừng sững đã được Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) xây xong hồi đầu tháng 9-2018. Theo thiết kế, khối nhà ga chính này gồm hai tầng hầm, bốn tầng nổi với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 60.000 m2, bao gồm các công năng: nơi đón khách đi đến, chờ lên xe, nghỉ ngơi, mua sắm...
Phía trước nhà ga chính là ga Suối Tiên của tuyến metro số 1 cũng đang được gấp rút xây dựng. “Từ ga metro, hành khách sẽ chuyển tiếp nhanh nhất sang khu vực bến xe để đi về các tỉnh, TP…” - ông Nguyễn Cao Phú, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV BXMĐ, cho biết.
Cửa ngõ của ba tỉnh, TP
Cạnh đó, hàng loạt dự án giao thông từ nội đô TP và từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai kết nối với BXMĐ mới cũng đang được triển khai thực hiện.
Cụ thể, đầu tháng 10.2018, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có chủ trương chính thức cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Theo đó, một phần của tuyến Vành đai 3 sẽ hợp điểm với tuyến metro số 1 ngay khu vực kế cận BXMĐ mới.
Trước đó, tỉnh Bình Dương đã hoàn thành cơ bản đoạn đường tốc độ cao Mỹ Phước-Tân Vạn. Theo kế hoạch, ở đoạn cuối của con đường này sẽ mở nhánh rẽ vào khu vực BXMĐ mới và ga metro Suối Tiên. Cũng trên nền tuyến đường và nhánh rẽ này, tỉnh Bình Dương chủ trương xây dựng tuyến metro nối TP mới Bình Dương với khu vực ga Suối Tiên và BXMĐ mới.
Cùng lúc này, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra đề xuất với Bộ GTVT làm tuyến metro từ Biên Hòa nối đến Suối Tiên. Và thông tin mới nhất từ Bộ GTVT, song song với việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ làm tuyến metro Suối Tiên-Long Thành.
Như vậy, trong tương lai không xa, trong khu vực bán kính khoảng 3 km tính từ cầu Đồng Nai sẽ là nơi hội tụ của các loại hình giao thông: đường sắt cao tốc quốc gia, đường bộ (gồm quốc lộ 1 và các tuyến cao tốc), đường thủy-đường biển và đường sắt đô thị (các tuyến metro nối kết các tỉnh với TP). Khi đó, khu vực BXMĐ mới - ga Suối Tiên sẽ thành cửa ngõ kết nối ba tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
“Với những thuận lợi như vậy, Samco sẽ đẩy tốc độ xây dựng BXMĐ mới lên để có thể khai thác bước đầu vào năm 2019” - ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Samco, nói.
Lưu Đức - Hoàng Tuyên