Chính sách phải đủ dài, thông thoáng và an toàn
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng cơ chế chính sách, con người và vốn là ba trụ kiềng cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vốn thiếu và yếu tài lực, vật lực, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Theo đó cơ chế chính sách phải đủ lâu dài, thông thoáng và an toàn để doanh nghiệp đủ niềm tin, yên tâm xây dựng và phát triển. “Có tiền, có doanh nhân giỏi mà thiếu cơ chế chính sách phù hợp doanh nghiệp cũng không thể phát triển”.
Về nguồn lực, ông Minh kiến nghị TP.HCM cần có một trường đại học hoặc viện đào tạo chuyên cho doanh nhân như mô hình trường “thiếu sinh quân” đào tạo nhân lực từ nhỏ, sẽ là nơi đào tạo những “sĩ quan trên mặt trận kinh tế”. Trong điều kiện đa số là DNVVN, cần có chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cách bền vững, thay vì hiện nay thương hiệu mới chưa có nhưng nhiều thương hiệu cũ đã mất rồi.
Về vốn, cần có cơ chế tài chính hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay cách thuận lợi. Hỗ trợ tài chính không phải là cho tiền, mà cơ chế làm sao doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất cạnh tranh. Ông Minh ví: “Vốn như là máu mà đa số doanh nghiệp đang thiếu vốn, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn, có cơ chế mà không có tiền cũng rất khó”.
Xây trung tâm thương mại dễ, mở rộng bệnh viện thì khó
Bà Huỳnh Thị Kim Dung, Bác sĩ - Tổng giám đốc bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, cho biết bệnh viện ra đời năm 2000 với diện tích 1.000m2, phục vụ 150 giường bệnh, hiện có khoảng 400 nhân sự. Ở thời điểm ra đời quy mô này đạt chuẩn, nhưng đến năm 2010 Luật khám chữa bệnh ra đời, Bộ Y tế thẩm định lại và phải đáp ứng được các chuẩn mới, tổ chức thêm các phòng ban chức năng, đặc biệt là nâng cấp phòng xét nghiệm, phòng khám…
BS Huỳnh Thị Kim Dung.
Vạn Hạnh đầu tư hơn 100 tỉ đồng mua khu đất kế cạnh để mở rộng quy mô, nhưng vướng Quyết định 8933 không cấp phép mở rộng hoặc xây mới bệnh viện trong khu vực nội thành. Bà Dung cho biết, mất hai năm trời đi từ quận lên Sở Quy hoạch kiến trúc mà chưa tháo gỡ được nên nay đề xuất lên thành phố có giải pháp hỗ trợ.
Bà Dung bức xúc: “Các bệnh viện không được xây, mở rộng trong nội thành nhưng các trung tâm thương mại, các trường học, trung tâm ngoại ngữ thường gây ách tắc giao thông vẫn mọc lên liên tục giữa trung tâm thành phố?”
Về hệ thống xử lý nước thải, bệnh viện đã có kỹ sư vận hành hệ thống nước thải, 3 tháng lấy mẫu nước một lần và đều đạt chuẩn, tuy nhiên báo cáo gia hạn giấy phép đấu nối vào hệ thống nước thành phố thì quy định buộc phải thông qua công ty thứ ba, với điều kiện công ty đó phải có hai kỹ sư về môi trường thì đề án đó mới đạt chuẩn. Bà kiến nghị: “Bệnh viện phải trả chi phí đề án cho công ty thứ ba hàng chục triệu thì quá lãng phí, trong khi chúng tôi đã có kỹ sư vận hành và tuân thủ tất cả các quy chuẩn. Tôi kiến nghị dựa trên các chuẩn đã đạt cấp giấy phép đấu nối cho bệnh viện”.
Dệt may, cơ hội không dễ tận dụng
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may TP.HCM cho biết ngành dệt may năm 2015 đạt kim ngạch xuất khẩu 27,1 tỉ USD, tăng 10% so với năm trước về kim ngạch, tuy nhiên lợi nhuận gần như không tăng. Nguyên nhân vì ngành phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu đến 80%, phần còn lại chủ yếu là chi phí nhân công với khoảng 2,5 triệu lao động toàn ngành.
Nếu cứ phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ là rào cảo cho các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ các hiệp định thương mại được ký kết đang mở ra nhiều cơ hội. Thành phố đang có chủ trương đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ, theo ông Hồng, phải phát triển công nghiệp hỗ trợ thì mới chuẩn bị cho hội nhập, giúp các doanh nghiệp chuyển từ gia công đơn thuần sang FOB, mua nguyên liệu, thiết kế để gia tăng giá trị. “Chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ thì đã có nhưng cần sự chỉ đạo quyết liệt”, ông Hồng đề nghị.
Doanh nghiệp cơ khí thiếu động lực phát triển
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội cơ khí - điện TP.HCM, mục tiêu phát triển kinh tế đề ra ngành cơ khí là trái tim của ngành công nghiệp và có những hỗ trợ nhất định cho doanh nghiệp nhưng thực tế chính sách nhiều bất cập. Trong giai đoạn dài, thuế suất nhập khẩu máy móc, thiết bị ngành cơ khí là 0%, trong khi các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước phải chịu thuế linh kiện, thiết bị, phụ tùng làm bất lợi cho cạnh tranh.
Trong khi để được hỗ trợ, doanh nghiệp phải đạt được tỷ lệ chế tạo trong nước theo quy định nhưng chính sách thuế bất cập như vậy, các doanh nghiệp chế tạo máy khó cạnh tranh nổi để phát triển, làm triệt tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp. Mặt khác, quy định của Bộ Công thương đối với ngành cơ khí khuôn mẫu, doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm được sản xuất trong nước có tỷ lệ thị phần/doanh số nhất định. “Điều này là bất khả thi vì các doanh nghiệp cơ khí trong nước quy mô chưa đủ lớn để đáp ứng yêu cầu, dù thực tế ngay tại TP.HCM nhiều doanh nghiệp nhỏ đang làm rất tốt vẫn không thể đáp ứng được”, ông Tống nói.
Ông Đỗ Phước Tống, tổng giám đốc công ty cơ khí Duy Khanh.
Không làm gì vẫn tăng trưởng
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch công ty ô-tô Trường Hải,TP.HCM là địa phương tập hợp được tất cả các ngành nghề và loại hình doanh nghiệp, nhiều người tài và làm kinh tế giỏi hội tụ về đây. Với nguồn lực như vậy “nếu không làm gì hoặc làm ở mức độ vừa phải thì vẫn tăng trưởng vì đó là tất yếu”.
Chính vì vậy, trong vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, TP.HCM cần những hành động quyết liệt để đổi mới. Các thủ tục hành chính chồng chéo từ bộ ngành, chính phủ và thành phố đang làm chậm sự phát triển vì vậy cần mạnh dạn đề đạt với chính phủ về việc cải cách hành chính và đổi mới thể chế để có những bước phát triển mới mang tính đột phá… Ông cũng kiến nghị: “Đề cao tinh thần chịu trách nhiệm của người đứng đầu các sở ngành để tạo nên quyết tâm, song song với cơ chế đánh giá giám sát hoạt động các cá nhân lãnh đạo”.
Một yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế là cộng đồng doanh nghiệp, theo ông Dương “Cần sự đấu tranh loại bỏ những cái xấu ngay trong chính nội bộ doanh nghiệp để lành mạnh hoá cộng đồng doanh nghiệp”.
Bài: Tuyết Ân - ảnh: Quý Hòa
» Bí thư Đinh La Thăng: Doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, không phải để quản lý!
» Chủ tịch UBND TP.HCM: “Tỷ lệ doanh nghiệp ở thành phố còn quá nhỏ”
» TP.HCM: Chậm hoàn thành quy hoạch ngành thương mại dịch vụ
» Lập đoàn thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.HCM
» Ảnh: TP.HCM thành đại công trường thi công metro