Đón đọc Người Đô Thị phát hành ngày 4.7

 23:00 | Thứ tư, 02/07/2014  0

Có chăng mùi tiền? (Đoàn Khắc Xuyên): Chưa rõ rồi sở giáo dục và đào tạo TPHCM sẽ trả lời công luận ra sao về sự thiếu trung thực liên quan đến chương trình tiếng Anh “tích hợp tiên tiến” mà sở có kế hoạch triển khai này. Điều đáng nói ở đây là chính cơ quan quản lý giáo dục, nơi phải là tấm gương về sự trung thực, một trong những phẩm chất hàng đầu của con người, lại tỏ ra thiếu trung thực đến như vậy.

Kiện Trung Quốc và các ảnh hưởng kinh tế. Chuyên đề của nhóm chuyên viên nghiên cứu thuộc nhóm Biển Đông tại Pháp, nhân việc lãnh đạo Việt Nam đang tính đến biện pháp pháp lý kiện Trung Quốc ra toà. Trong trường hợp Việt Nam sử dụng biện pháp kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế, ngoài những vấn đề pháp lý, chúng ta cần dự đoán các hành động “trả đũa” có thể của Trung Quốc về kinh tế để chuẩn bị đối phó.

Tính chính danh của toà án (Trần Kiên). Có lẽ chưa bao giờ tòa án lại trở thành tâm điểm chú ý của công chúng như vừa qua, với một loạt vụ án quan trọng, liên quan đến nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội được đưa ra xét xử, không chỉ công lý được đặt lên bàn cân mà tính chính danh của tòa án cũng trở thành đối tượng xem xét.

Quy hoạch ở Việt Nam: như năm ngón tay xòe. Thống kê sơ bộ của bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy giai đoạn 2011 - 2020 cả nước có 19.285 quy hoạch được thực hiện với chi phí gần 800 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của bộ này, số lượng quy hoạch lập quá nhiều nhưng lại không đồng bộ, thiếu liên kết và còn nhiều chồng lấn, mâu thuẫn, không gắn với nguồn lực… Người Đô Thị trao đổi với TS Phạm Sỹ Liêm - phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, thành viên ban soạn thảo dự án luật Quy hoạch. 

Phóng sự: Những người đưa hương quê ra phố (Hiếu Thảo). Đòn bánh tét, củ cải muối, chả hoa, bột bần, nước mắm rươi, chai rượu nếp… là những món dân dã ít ai nghĩ sẽ có một ngày nó rong ruổi trên những chuyến xe tải, xe đò để có mặt ở nhiều chợ hay các quầy kệ ở siêu thị khắp các tỉnh thành. Ngoài nỗ lực không ngừng của người làm ra nó và vị ngon làm say sưa vị giác, trong thẳm sâu của mỗi món ăn dân dã còn ẩn chứa một phần hồn cốt quê hương.

Ohsawa - ăn sao cho khỏe? Bài viết của tác giả Nguyễn Linh giúp độc giả tiếp cận phương pháp thực dưỡng Ohsawa và một vài lưu ý của TS.BS Lê Nguyễn Trung Đức Sơn khi chọn phương pháp thực dưỡng sao cho an toàn sức khỏe.

Sống xanh: Thư gửi con người (Lê Quỳnh). Theo công bố của liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hiện nay có 21.000 loài sinh vật đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Hẳn sẽ có người bĩu môi: nhiêu đó thấm tháp gì khi có đến hơn 8 triệu sinh vật đang sống trên trái đất này. Họ có bao giờ nghĩ con cháu mình một ngày nào đó sẽ chẳng còn cơ hội được nhìn thấy một con tê giác sống động như thế nào ngoài đời thực?

Thị dân và ẩn hoạ ký sinh trùng. TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu cảnh báo: Lâu nay ai cũng nghĩ sống ở thành phố thì ít bị bệnh truyền nhiễm, nhất là nhiễm ký sinh trùng - căn bệnh của các vùng nông thôn lạc hậu. Thế nhưng, ngày càng có nhiều người dân ở TP.HCM khi đến các trung tâm y tế  khám đã phát hiện bị bệnh ký sinh trùng phải điều trị. 

Học ngoài sách (Hường Thảo - Loan Tuấn). Những tiết học không ràng buộc sách vở, không gian trường lớp, thời gian biểu, chỉ cần chung sở thích và đam mê là có thể gia nhập: “Robot đa năng phục vụ nông nghiệp”, “Máy trợ giúp người già, phát hiện té ngã kết nối với điện thoại”, “Chổi quét đinh tặc”…

Tự do học thuật: sinh lộ của một nền văn minh (Bùi Văn Nam Sơn): Xin nghe Kant nói: “Trong đại học phải có một chuyên khoa giảng dạy độc lập với mệnh lệnh của nhà nước. Nó không ra lệnh, nhưng có quyền tự do phán đoán về tất cả những gì liên quan đến mối quan tâm khoa học là đi tìm chân lý”.

Dạy con trong nỗi nhớ (Trọng Văn). “Con đến như một phép màu” - Một cuốn sách nhỏ, nhưng ẩn chứa nhiều cung bậc cảm xúc của giá trị tình thân. Những dòng chữ mang đầy niềm riêng nhưng lại trả lời được những câu hỏi rất chung, dành cho những người làm cha, làm mẹ…

Chết bởi tay người thân: hơn cả bất an (Ths. Nguyễn Thị Mỹ Linh): Vụ việc người mẹ chém chết con ruột mới tám tuổi ở một tỉnh miền Bắc cách đây không lâu, một lần nữa gợi nên những khắc khoải, lo lắng trong dư luận. Nói “một lần nữa”, bởi đã có nhiều vụ việc tương tự, chỉ khác là người gây án được thay thế bởi đại từ nhân xưng khác cũng là thành viên trong gia đình: cha, con... Có đáng báo động khi gia đình không còn là mái ấm chở che con trẻ?

Ðội nhỏ không dễ bị bắt nạt, nếu... (Nhật Hoàng). Những gì xảy ra ở World Cup phản ánh một sự thật rằng những ông già ngồi trên băng ghế huấn luyện đang bị lớp trẻ vượt mặt.

Khi FIFA phải tôn trọng “người lao động” (Gia Hân): Cũng phải tới những kỳ World Cup gần đây FIFA mới chi trả cho các câu lạc bộ có cầu thủ dự giải đấu dành cho đội tuyển quốc gia này, bồi thường thiệt hại cho các đội bóng có cầu thủ bị chấn thương khi dự World Cup. Dù đá cho đội tuyển ở World Cup là nghĩa vụ quốc gia thật, song quyền lợi của những người trả lương cho các cầu thủ cũng không vì thế mà bị bỏ qua.

Một World Cup bị đánh cắp! Tác giả Đoàn Đạt nhắc nhớ tuổi thơcó một “cái tết” cứ bốn năm diễn ra một lần vào những ngày tháng sáu đối với hàng triệu đứa trẻ: World Cup. Hết “tết” lại tiếc ngẩn tiếc ngơ và thầm hỏi: một đời người như mình được hưởng bao nhiêu “cái tết” như thế này nhỉ? Còn bây giờ sao lại thấy nó ơ thờ làm sao mà không biết vì sao…

Lang thang với cà phê hẻm (Thanh Tâm): Không ở đâu quán cà phê có đủ hình thức đa dạng như Sài Gòn: sáng sớm ra đường đã thấy những quán cóc, cà phê lề đường, cà phê mộc; trưa nắng có cà phê máy lạnh; chiều hiu hiu gió đi cà phê sân vườn, rồi cà phê hát với nhau, cà phê take away, cà phê bệt, cà phê sách, thậm chí có cả cà phê chó, mèo...

Không gian sống: Trở về tuổi thơ (Thanh Nhàn). Nằm ở quận 10, cạnh công viên Lê Thị Riêng, với tổng diện tích đất gần 10.000m2, đây là là khu vui chơi mang tính xã hội hoá đầu tiên ở Sài Gòn. Công viên được “ngầm” phân thành hai khu: cho thiếu nhi và cho người tập thể dục, đi dạo buổi sáng, cách nhau một ngọn đồi thoai thoải. 

Biếm họa: cây kiểng có gai. Nhân triển lãm tranh biếm họa “Hướng về biển Đông” khai mạc từ chiều 30.6, kéo dài đến ngày 7.7 tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội), Người đô thị xin giới thiệu đôi dòng suy ngẫm của hoạ sĩ biếm Nguyễn Hữu Đức về nghề tay trái của mình (ông cầm cọ tay trái vì tay phải chuyên bốc thuốc: ông là Phó giáo sư, tiến sĩ dược học, giảng viên đại học Y dược TP.HCM).

Ngoài ra, bạn đọc Người Đô Thị sẽ gặp lại Người Già Chuyện với “Con hoang?”, Tranh truyệncủa Mớvới “Lú lẫn”...cùng nhiều tin, bài thời sự, đời sống, văn hóa hấp dẫn khác.

Mời bạn đọc đón xem,

Người Đô Thị

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.