Hiện tỷ lệ viêm gan tại Việt Nam ở mức cao, kéo theo đó là số người cần được ghép gan cũng tăng theo. PGS-TS-BS. Nguyễn Tiến Quyết (nguyên giám đốc bệnh viện Việt Đức) – một trong những cơ sở thực hiện thành công nhiều ca ghép gan – đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến kỹ thuật ghép gan ở Việt Nam.
Những trường hợp nào cần phải tiến hành ghép gan để duy trì chất lượng cuộc sống, thưa ông?
Trước khi quyết định có cần ghép gan hay không bác sĩ sẽ khám và chẩn đoán. Người cần ghép gan là những người gan bị suy nặng giai đoạn cuối. Ghép gan là biện pháp sau cùng cho những bệnh nhân mắc bệnh gan không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc.
Ghép gan có hai cách: gan cho được lấy từ người bị chết não hoặc gan được lấy từ người còn sống.
Ghép gan là một kỹ thuật khó nhất nhưng các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được. Trong ảnh: Một ca ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Ảnh: TL
Nói như vậy là bất cứ ai suy gan giai đoạn cuối cũng đều phải ghép mới hy vọng kéo dài sự sống?
Ghép gan là cần thiết nhưng không phải ai muốn ghép là được vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để tiến hành một ca ghép gan cần có hội đồng, trong đó bao gồm các bác sĩ ở nhiều chuyên khoa khác nhau.
PGS-TS-BS. Nguyễn Tiến Quyết |
Trước hết là người ghép, cần được kiểm tra sức khoẻ xem có đáp ứng được ca phẫu thuật không. Trước khi ghép, bệnh nhân cần trải qua các xét nghiệm cần thiết. Hội đồng sẽ tiến hành chẩn đoán xác định bệnh nhân có đủ điều kiện ghép không.
Ghép gan có hai cách: gan cho được lấy từ người bị chết não hoặc lấy từ người còn sống. Người cho gan có thể là người sống, đáp ứng đủ các yêu cầu phù hợp với người nhận.
Có thông tin cho rằng sau khi ghép gan bệnh nhân chỉ sống được khoảng sáu năm, có đúng không?
Sau ghép gan bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để chống lại sự thải ghép này. Đáng ngại nhất là việc chống thải ghép. Bệnh nhân sau ghép gan vẫn cần theo dõi sức khỏe và khám định kỳ.
Việc phục hồi nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tinh thần, thuốc dùng, khả năng đáp ứng của người ghép…
Sau ghép gan, người bệnh sẽ có chức năng gan cũng như chất lượng cuộc sống tốt. Tuổi thọ phụ thuộc vào cơ địa, khả năng thích ứng cùng nhiều yếu tố khác nữa.
Theo đánh giá của ông, trình độ ghép gan của các bác sĩ Việt Nam đã đạt được mức độ nào?
Tôi có thể khẳng định kỹ thuật ghép tạng nói chung cũng như ghép gan của Việt Nam không thua bất cứ một nước nào. Từ ca ghép gan đầu tiên thành công cho bệnh nhi cách đây gần 20 năm, đến nay kỹ thuật này đã được triển khai ở nhiều cơ sở.
Ghép gan là một kỹ thuật khó nhất nhưng các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất trong lĩnh vực này ở nước ta hiện nay là thiếu người cho tạng, do ảnh hưởng của tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng trong nhân dân. Bên cạnh đó, dù chi phí ghép tạng của Việt Nam ở mức thấp nhất so với các nước, nhưng so với thu nhập của người dân thì vẫn quá cao.
Hiện nhiều bệnh nhân suy gan chạy ra nước ngoài ghép với hy vọng kỹ thuật tốt hơn, ông có ý kiến gì về việc này?
Cùng một kỹ thuật nhưng chi phí ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Không phải người bệnh nào ra nước ngoài chữa bệnh cũng khỏi bệnh. Bệnh viện Việt Đức từng tiếp nhận 5-6 trường hợp sau khi đi ghép gan, ghép thận ở nước ngoài về phải tới bệnh viện điều trị do tai biến hay phải ghép lại. Đau xót hơn có trường hợp mất tới cả tỷ đồng ra nước ngoài ghép gan nhưng khi về nước chỉ sống thêm chưa đầy 1 tháng.
Nhiều người cho rằng cho đi một nửa gan thì họ cũng mất đi một nửa sức khoẻ, thậm chí có nguy cơ tử vong vì biến chứng sau khi cho gan, có đúng không?
Sức khỏe của người cho gan hoàn toàn bình thường sau ca ghép, bởi gan của người hiến sẽ tự tái tạo sau một thời gian. Cùng với đó chức năng hoạt động của gan thường không bị ảnh hưởng sau phẫu thuật.
Lê An