UBND TP.Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố". Cụ thể, Đề án đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố đạt 100% vào năm 2035.
Theo đó, giai đoạn 2026-2035, thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG (xe chạy bằng động cơ sử dụng khí thiên nhiên nén). Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe. Trong đó, năm 2025, thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (tỷ lệ 5%); giai đoạn 2026-2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).
Từ đầu năm 2025, các đơn vị vận tải đang triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ. Trong năm 2025 sẽ chuyển đổi với các phương tiện buýt diezel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Chia sẻ với báo chí tại Tọa đàm "Xanh hóa xe buýt: Thách thức và giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư" chiều nay (29.11), TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản, cho rằng với Việt Nam, mục tiêu đặt ra tại đề án của TP.Hà Nội là xanh hóa 100% mạng lưới xe buýt vào 2035 đã là quá nhanh, quá sớm, sớm hơn tới 15 năm so với mục tiêu của Chính phủ.
"Việc đưa ra quyết định với quyết tâm xanh hóa sớm xe buýt là nỗ lực cực kỳ lớn của Hà Nội. Tôi rất mong trong tương lai, cơ chế bố trí vốn, hỗ trợ vốn vay đối với doanh nghiệp sẽ được thực hiện linh hoạt, đảm bảo sự đồng hành cùng Nhà nước", ông Bình chia sẻ.
Giai đoạn đầu khi TP.Hà Nội thảo luận lập đề án, ông Bình đã có sự hoài nghi không biết có thực hiện được hay không. Theo ông, khi thực hiện thì trở ngại lớn nhất là nguồn vốn.
Theo ông Bình, có thông tin cho rằng 1 xe buýt chạy điện có giá thành gấp 2,5 - 3 lần so với xe buýt chạy bằng diesel, chênh nhau khoảng 4 tỉ đồng. Như vậy, khoảng hơn 2.000 xe sẽ đòi hỏi mức đầu tư chênh 8.000 - 10.000 tỉ đồng. Với nguồn ngân sách Hà Nội, con số này không lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh Hà Nội còn nhiều nguồn cần chi như đường sắt đô thị, TP có thể thu xếp được nguồn vốn hay không là nỗi băn khoăn.
"Ngoài ra, với phụ tải về điện, hàng nghìn xe buýt có tạo áp lực phụ tải lớn với mạng lưới điện hay không cũng là điều tôi băn khoăn. Tuy nhiên, khi thành phố đã phê duyệt, tôi nghĩ thành phố đã cân đối về khả năng nguồn chi. Từ góc độ người dân, tôi cho rằng số lượng buýt thời gian tới dùng năng lượng xanh sẽ góp phần làm trong sạch bầu không khí đang ô nhiễm, kỳ vọng giúp chúng ta dễ thở hơn thời gian tới", ông Bình nói
Theo lộ trình tới năm 2035, Hà Nội sẽ có 128 - 153 tuyến buýt điện. Để thực hiện điều này, trên cơ sở đề án TP phê duyệt, Sở GTVT đã được chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai.
TP cũng đã có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp. Hiện nay, thành phố đã ban hành Nghị quyết 07 ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng số lượng lớn, trong đó ưu tiên phát triển phương tiện năng lượng xanh với các ưu tiên như phí bảo hiểm hành khách, phí cầu đường, bến bãi. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là hỗ trợ lãi suất. Nghị quyết 07 đã định ra việc hỗ trợ 50% lãi suất trong thời gian đầu, nhưng quá trình thực hiện còn vướng mắc và Sở GTVT đang đánh giá, điều chỉnh lại các điều khoản, chuyên đề cho mục lãi suất.
Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch và Vận hành (Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Hà Nội), cho biết chuyển đổi năng lượng xanh của hệ thống vận tải hành khách công cộng đã được TP.Hà Nội quan tâm, chỉ đạo từ rất sớm. Ngay từ năm 2017, 7 tuyến buýt đã được chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu CNG. Cho đến cuối năm 2021, Sở GTVT Hà Nội đã đưa 3 tuyến buýt điện đầu tiên trên cả nước vào vận hành khai thác.
Ngày 22.7.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 876 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT. Trên cơ sở quyết định ấy, TP.Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT thành phố xây dựng đề án phát triển.
"Đến nay, đề án đã được HĐND TP thông qua và UBND TP phê duyệt. Có thể nói, vận tải hành khách công cộng đã tiên phong trong chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT", ông Tiến nói.
Tuyết Nhung