Giải pháp thứ nhất: hoàn trả và mở rộng từng bước không gian dành cho nước. Quy luật phân bố của nước rất dễ hiểu: chỉ chiếm ngụ ở những nơi thấp nhất. Bất cứ quy hoạch không gian nào giành chỗ của nước, trước sau gì cũng sẽ phải trả giá. Một đề án quy hoạch đô thị nhất thiết phải tích hợp một không gian tối thiểu dành cho nước, cũng tương tự như không gian dành cho giao thông, công nghiệp, dân cư, cây xanh… thay vì tìm cách đẩy nước đi chỗ khác. Trong điều kiện bất định của biến đổi khí hậu, giải pháp không gian dành cho nước sẽ phải đủ mềm dẻo để có thể thích nghi theo thời gian. Các kỹ sư thoát nước chỉ có thể cung cấp số liệu đầu vào về dung tích cần thiết và vị trí của các khu vực điều tiết chính, nhưng thể hiện chúng ra thành giải pháp đô thị sẽ cần sự đóng góp của các nhà quy hoạch.
Còn trong thực tế hiện nay, cách làm thông thường vẫn là: các bản quy hoạch được vạch ra trước, thể hiện mong muốn của nhà chuyên môn hoặc thật ra là của người đặt hàng và không loại trừ là dưới tác động của các nhóm lợi ích. Sau đó, nhiệm vụ của các kỹ sư thoát nước là phải giải quyết ngập lụt dựa theo đồ án quy hoạch không gian đã được duyệt.
Một ví dụ điển hình là bản quy hoạch không gian của TP.HCM đến 2025 đã đề xuất phát triển bốn khu vực vệ tinh chung quanh khu đô thị hiện hữu. Ba trong bốn khu vực này nằm ở vùng trũng, thấp và dễ thương tổn do ngập lụt. Từ cách tiếp cận này mà bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có lý do để đề ra những bản quy hoạch chống ngập trị giá nhiều tỷ USD theo kiểu bao đê quanh thành phố hay thậm chí xây dựng hẳn một tuyến đê biển nối từ Vũng Tàu qua Gò Công! Những tác giả của bản quy hoạch này có được trong tay một lý lẽ biện minh rất thuận lợi, chính là đề án quy hoạch chung TP.HCM đến 2025 do Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên không nên quên rằng: không giống như Bangkok hay Hà Lan, nơi mà các đô thị đã “lỡ” phát triển từ lâu trên những vùng đất thấp, TP.HCM vẫn còn có những lựa chọn khác để phát triển.
Cách làm hợp lý hơn: các nhà quy hoạch đô thị nên ngồi cùng bàn với các kỹ sư thoát nước ngay từ đầu để cùng nhau vạch ra những giải pháp quy hoạch tốt nhất có thể, trong đó các yếu tố thích nghi và giảm nhẹ thiệt hại phải được quan tâm ngay từ đầu chứ không nên chỉ trông chờ vào các công trình chống ngập.
Tất cả những giải pháp chống ngập mà không có yếu tố bảo toàn hay hoàn trả không gian cho nước đều ít nhiều mang tính di chuyển rủi ro từ nơi này qua nơi khác, hay tích luỹ nguy cơ từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Nếu ý thức điều này, các nhà quy hoạch cần phải giải quyết vấn đề không gian cho nước một cách rốt ráo ngay từ bây giờ.
Giải pháp thứ hai: Giảm nhẹ thiệt hại thay vì chỉ giảm nhẹ nguy cơ. Đặc điểm chung của giải pháp cứng là giới hạn thiết kế. Tất cả các công trình chống ngập đều có năng lực thiết kế của nó, do đó suy nghĩ “không bao giờ xảy ra ngập lụt” là điều hoang tưởng. Dự án kiểm soát triều khu vực TP.HCM dự kiến có mức đảm bảo là 95%, có nghĩa cứ trung bình 20 năm khu vực được bảo vệ có thể bị ngập một lần. Một biến cố vượt qua năng lực thiết kế của công trình sẽ mang lại thiệt hại cho tất cả khối tài sản tích luỹ trong thời gian trước đó. Một ví dụ gần đây: Bangkok được bảo vệ ở mức 97%, tương ứng với chu kỳ lập lại là 30 năm đã không thể chiụ đựng nổi biến cố tương ứng với chu kỳ lặp lại là 50 năm, dẫn đến thiệt hại hàng chục tỷ USD.
Như vậy, quan trọng là làm sao cho tổn thất khi xảy ra ngập lụt là nhỏ nhất. Quy hoạch không gian đóng vai trò quan trọng vì nó hướng dẫn và nhắc nhở cộng đồng về nguy cơ ngập lụt. Việc tiếp tục phát triển đô thị trên những vùng trũng thấp cần được hạn chế và trong trường hợp phải chấp nhận, thì các giải pháp giảm nhẹ thiệt hại cần được nghiên cứu thực hiện thật khoa học và kỹ lưỡng.
Hà Thanh