Hành trình đến "trí thức có lương tri"

 14:30 | Thứ năm, 12/06/2014  0

Giải thích lựa chọn làm luận án tiến sĩ kinh tế ở Trung Quốc, Phạm Sỹ Thành bộc bạch: từ đầu tôi đã có hứng thú đặc biệt với văn hóa Trung Quốc do bị ảnh hưởng bởi các bộ truyện Tây du ký, Thủy hử hay Tam quốc diễn nghĩa của ông ngoại. Ngoài ra, tôi cũng thích học kinh tế. Bản thân là một người thực tế, tôi muốn theo đuổi ngành nghiên cứu giúp mình hiểu rõ về tính hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực hữu hạn. Do đó, ngay từ năm thứ nhất khoa Đông Phương, đại học khoa học xã hội và nhân văn tôi đã lựa chọn chuyên ngành Trung Quốc học và âm thầm theo đuổi việc học các kiến thức về kinh tế học. Kết quả tự nhiên của hai sự hứng thú đó đưa tôi đến việc chọn lựa kinh tế Trung Quốc. Tôi muốn hiểu xem làm thế nào để một đất nước đa dạng và phức tạp như vậy lại có thể cất cánh trong một thời gian dài với xuất phát điểm lạc hậu và một ý thức hệ bị kìm hãm bởi chủ nghĩa giáo điều. Để hiểu cặn kẽ điều đó, không gì tốt hơn là đi đến chính nơi đó.

Còn việc chọn trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) để cùng gầy dựng chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc?

Sau khi nhận được bằng tiến sĩ kinh tế tại học viện Kinh tế của trường đại học Nam Khai (Thiên Tân, Trung Quốc), tôi muốn có điều kiện sử dụng những kiến thức mình học về kinh tế Trung Quốc để phục vụ đất nước nhiều hơn mức chỉ dạy tiếng Trung Quốc và kinh tế học chung chung. Thật ra tầm ngắm đầu tiên của tôi là đại học Khoa học xã hội và nhân văn, nơi tôi xuất thân, nhưng nhu cầu của trường tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực văn, sử, chính trị hay ngôn ngữ học. (cười)

Vậy ra VEPR chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ?

Không! Đây là cuộc gặp gỡ của duyên và phận! Duyên là bởi vì tôi không nghĩ rằng những đứt đoạn về thời gian và chưa từng hội ngộ lại có thể trở thành một cơ hội của cá nhân. Phận, bởi đây là công việc nằm trong bổn phận của một trí thức. Ai ở vào hoàn cảnh này cũng đều nên làm việc này.

Về phía cá nhân, tôi đã biết đến TS. Nguyễn Đức Thành, giám đốc VEPR, từ khi còn học ở Trung Quốc năm 2006. Khi gặp, nghe anh chia sẻ về hoạt động nghiên cứu của VEPR cũng như của cá nhân anh, một lần nữa tôi lại bị thuyết phục bởi triết lý mà anh và VEPR theo đuổi. Đó là triết lý về việc trở thành những trí thức có lương tri. Ở VEPR, người ta nghiên cứu bài bản về kinh tế, Trung Quốc để phục vụ lợi ích của Việt Nam.

Khi bạn thực sự cần một điều gì đó và tìm kiếm cơ hội để thực hiện nó trong suốt nhiều năm, bạn sẽ không dứt bỏ nó một cách dễ dàng.

Cũng bởi triết lý ấy mà Thành "chịu khó" giao tiếp với xã hội qua kênh truyền thông?

Mục đích của VEPR là trở thành một think-tank. Một think-tank sẽ phải có những sản phẩm, công việc đóng góp được cho xã hội. Muốn vậy, chúng tôi phải chia sẻ các sản phẩm nghiên cứu của mình. Truyền thông là kênh chia sẻ nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Tôi muốn hiểu xem làm thế nào để một đất nước đa dạng và phức tạp như Trung Quốc lại có thể cất cánh trong một thời gian dài với xuất phát điểm lạc hậu và một ý thức hệ bị kìm hãm bởi chủ nghĩa giáo điều

Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) cũng đi theo khuynh hướng ấy. Cá nhân tôi cho rằng nghiên cứu về Trung Quốc cũng như kinh tế Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay mang tính chất thời vụ, được thực hiện bởi nhiều cơ quan nghiên cứu thuộc các bộ, viện hoặc các cá nhân đơn lẻ. Sự chia sẻ thông tin về các nghiên cứu này cũng không nhiều. Chúng tôi muốn nghiên cứu một cách có hệ thống và lựa chọn con đường chia sẻ toàn bộ các nghiên cứu của mình vì cộng đồng, với mục đích đưa lại các hiểu biết chính xác về những gì đang diễn ra đối với kinh tế Trung Quốc. Và trong tương lai dài hơi, có thể là những gì đang diễn ra tại Trung Quốc.

Trong bối cảnh hiện nay, việc hiểu Trung Quốc nói chung và kinh tế Trung Quốc nói riêng có ý nghĩa gì với sự phát triển của trong nước?

Đừng nhìn Trung Quốc như một cái hộp đen rồi sợ hãi. Bí mật nào cũng sẽ có chìa để mở. Nhưng phải nhìn nhận một thực tế là với sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào kinh tế Trung Quốc, họ hắt hơi sổ mũi một chút là trong nước mình có chuyện ngay, không chỉ vấn đề kinh tế mà có thể cả vấn đề chính trị, biên giới, biển đảo, quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác v.v.

Luận án tiến sĩ của Thành là về cải cách doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc? Có điều gì Thành thấy giống với Việt Nam không?

Sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều khác biệt. Cá nhân tôi cho rằng những tương đồng giữa hai hệ thống này chỉ thực sự rõ nét khi Việt Nam mới tiến hành đổi mới, Trung Quốc mới tiến hành cải cách mở cửa. Càng về sau, sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc về mặt kinh tế càng rõ nét. Bất kể cách người Trung Quốc gọi thể chế kinh tế của họ là gì, thì đó cũng chỉ là sự dịch chuyển sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, quá trình này chưa hoàn thành. Do vậy, cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc chỉ có thể cung cấp những bài học tham khảo mang tính nguyên lý, như việc cần có một hệ thống quản trị công ty hiện đại, cần chống độc quyền hành chính và cần cải cách quyền tài sản. Những bài học này, thực tiễn của Nga sau năm 1991 và Đông Âu sau năm 1989, cũng đã có đầy đủ.

"Khi bạn thực sự cần một điều gì đó và tìm kiếm cơ hội để thực hiện nó trong suốt nhiều năm, bạn sẽ không dứt bỏ nó một cách dễ dàng" - TS. Phạm Sỹ Thành

Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc chưa kết thúc. Và trên thực tế đã đình đốn suốt hơn 10 năm qua. Vì vậy, tôi không cho rằng Việt Nam có thể học hỏi được các kinh nghiệm cụ thể từ đấy. Bản thân điều đó cũng là… bài học!

Nhưng hiểu Trung Quốc có lẽ không chỉ để học hay không học, tôi muốn nói đến cuộc chiến thương mại không cân sức hiện nay mà phần thua thiệt thường nghiêng về phía người dân và doanh nghiệp trong nước…

Đúng là như vậy! Điều này có nguyên nhân chủ quan từ sự quản lý thị trường lỏng lẻo. Thương lái Trung Quốc gần như tự do tới tận vùng nguyên liệu của ta để mua tất cả mọi thứ. Doanh nghiệp Việt Nam không có động lực để thâm nhập thị trường nữa. Họ hưởng lợi ích mà lẽ ra mình được. Khách quan là do Trung Quốc thiết lập hàng rào kỹ thuật tốt, có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan hải quan, thuế, vệ sinh dịch tễ… Họ có khu thuế xuất tổng hợp (cảng cạn) tập trung tất cả hàng của ta vào đó. Tuỳ nhu cầu của thị trường nội địa mà họ điều tiết hàng vô nhiều hay ít thông qua chiếc van này. Cũng vì vậy, họ kiểm soát được lượng cung. Ta biết được chuyện đó nhưng hành động để ứng phó thế nào thì lại là câu chuyện dài, nhất là với cơ quan quản lý nhà nước…

Nhìn lại sự lựa chọn và những gì mình đã làm được, Thành thấy thế nào?

Chúng tôi mới đi những bước đầu tiên. Trong thời gian một năm qua, chúng tôi tổ chức hai hội thảo quốc tế với sự tham gia của các học giả đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc; ba hội thảo và toạ đàm trong nước với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về các lĩnh vực của Trung Quốc và Việt Nam đến từ các tổ chức nghiên cứu hàng đầu của chúng ta. Ngoài ra, chúng tôi cũng công bố các báo cáo chuyên đề về kinh tế Trung Quốc. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động để kết nối với các nhà nghiên cứu, các bạn bè đang học tập nghiên cứu tại Trung Quốc cũng như tại các quốc gia khác, nhằm hình thành một mạng lưới nghiên cứu về Trung Quốc của Việt Nam – đặt trong bối cảnh khu vực.

 
 

TS. Phạm Sỹ Thành sinh năm 1980, là giám đốc chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) của trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) từ tháng 1.2012 đến nay. VCES sắp xuất bản cuốn Kinh tế Trung Quốc: Những rủi ro trung hạn mà Thành giữ vai trò chủ biên, tập hợp những nghiên cứu của các tác giả Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc về các rủi ro mà nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt như rủi ro của hệ thống ngân hàng, nợ chính quyền địa phương, thị trường bất động sản… Cá nhân Thành đã xuất bản cuốn Trung Quốc: Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949-2009). 

  Mỹ Lệ thực hiện Ảnh: Việt Dũng

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.